Vào ngày định mệnh 20/11/2001, 36 người phương Tây đến từ 12 quốc gia bí mật xuất hiện tại Quảng trường Thiên An Môn – biểu tượng cho trái tim của Trung Quốc – với một thông điệp đơn giản nhưng khiến tất cả những người có mặt tại quảng trường bị chấn động. Cuộc biểu tình chưa từng có của họ đã nhanh chóng gây xôn xao dư luận quốc tế.
Sau khi chụp ảnh cả nhóm, 36 người phương Tây hầu hết đến từ Âu Châu, Úc và Bắc Mỹ bắt đầu ngồi xuống để thiền. Đối với các nước này, đây chỉ là một hành động vô cùng đơn giản và bình thường nhưng tại Trung Quốc, nó trở thành một hành động dũng cảm khiến nhiều người dân kinh ngạc và hoảng sợ, và điều đó bị coi là “trọng tội” khiến họ bị bắt giữ.
Cả nhóm cùng giương cao một biểu ngữ màu vàng ghi 3 chữ (tiếng Hoa và tiếng Anh) “Chân – Thiện – Nhẫn”, trên bức tường phía sau có dòng khẩu hiệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với nội dung trớ trêu là “Đại đoàn kết các dân tộc trên thế giới muôn năm.”
Ngay 20 giây sau đó, xe cảnh sát lao đến, bấm còi điên loạn. Nhóm 36 người phương Tây bị những chiếc xe đó bao vây xung quanh. Cảnh sát bắt đầu tuýt còi khắp quảng trường, đuổi du khách ra xa và tịch thu máy ảnh của bất kỳ ai bị bắt giữ.
Khi cảnh sát cố gắng phá bỏ biểu ngữ lớn của họ, học viên Pháp Luân Công người Canada tên là Zenon Dolnyckyj đã kéo ra một biểu ngữ nhỏ hơn được buộc vào chân của anh ấy, có nội dung “Pháp Luân Đại Pháp là tốt”.
“Nước Mỹ biết, thế giới biết, Pháp Luân Công là tốt!”, Dolnyckyj hét lên bằng tiếng Trung trong khi chạy ngang qua quảng trường, nổi bật với biểu ngữ trên tay mình.
Pháp Luân Công còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tự nâng cao tinh thần và thể chất dựa trên các giá trị Chân, Thiện và Nhẫn..
Theo số liệu khảo sát cấp nhà nước, tính đến năm 1999, chỉ riêng ở Trung Quốc đã có khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công. Bất chấp những lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần của môn tập được người dân hết mực ca ngợi, vào ngày 20/7/1999, ĐCSTQ bắt đầu một chiến dịch đàn áp tàn bạo nhằm xóa bỏ môn tu luyện ôn hòa này.
Ba cảnh sát quật Dolnyckyj ngã xuống đất, một người đàn ông lực lưỡng đấm vào mặt khiến anh bị gãy mũi. Một nam thanh niên khác đến từ Thụy Điển nằm bất tỉnh trên mặt đất sau khi bị đánh.
Dolnyckyj cho biết: “Cô gái người Pháp đã bị bóp cổ đến nghẹt thở”. Một người đàn ông đến từ Úc thì bị đánh thậm tệ hơn Dolnyckyj, khiến anh ấy bị gãy tay.
Từng người một trong nhóm biểu tình ôn hòa bị kéo, lôi đi và ném vào trong những chiếc xe cảnh sát.
Trong thời kỳ mà cả thế giới đều bị bộ máy tuyên truyền khổng lồ của ĐCSTQ đầu độc bằng những lời dối trá bịa đặt về Pháp Luân Công, tại sao những học viên phương Tây này lại tụ tập ở Quảng trường Thiên An Môn mặc dù biết trước rằng họ sẽ phải đối mặt với nguy hiểm?
Dưới đây là những chia sẻ của họ:
Zenon Dolnyckyj, huấn luyện viên thể hình, Canada
Dolnyckyj nói: “Tôi biết Pháp Luân Công là tốt vì tôi đã tu luyện được 3 năm rưỡi. Nhờ tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã từ bỏ được chứng nghiện rượu, hút thuốc, nghiện ma túy và nhiều thói quen xấu khác khiến trái tim, tâm trí và cơ thể tôi bị đầu độc”.
“Với lòng tôn trọng sâu sắc nhất, tôi đã đến đất nước các bạn [Trung Quốc] để bảo vệ sự thật. Xin đừng tin những lời dối trá [của ĐCSTQ],” Dolnyckyj nói thêm.
Helene Tong, Giám đốc Kinh doanh, Tạp chí Taste of Life, Pháp
Helene Tong cho biết lý do cô đến Trung Quốc là để đáp lại chiến dịch phỉ báng cực đoan của ĐCSTQ đối với môn tu luyện tinh thần ôn hòa này. ĐCSTQ đã đưa ra những thông tin sai lệch rằng “không ai bên ngoài Trung Quốc tập Pháp Luân Công.”
“Tôi đến là vì người dân Trung Quốc, những người đã bị ĐCSTQ lừa dối khi nghĩ rằng chúng tôi là một giáo phái, và điều đó thật không công bằng. Tôi thực sự muốn nói chuyện với họ, để họ thấy rằng chúng tôi là người da trắng, chúng tôi đến từ rất nhiều quốc gia và chúng tôi tu luyện Pháp Luân Công, liệu rằng các bạn có biết điều đó không?”– Helene chia sẻ.
Lilian Staf, Nhà thiết kế đồ họa, Thụy Điển
Cô Staf cho biết: “Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, hơn 50.000 học viên đã bị giam giữ một cách tùy tiện, và hơn 10.000 người đã bị đưa đến các trại lao động mà không cần xét xử. Trong các trại lao động, cưỡng hiếp và tra tấn được sử dụng rầm rộ để buộc các học viên ngừng tu luyện Pháp Luân Công. Kết quả là rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã chết.”
“Chỉ thông qua việc nâng cao nhận thức về những hành động tàn bạo, chúng ta mới có thể ngăn chặn chúng”.
Kay Rubacek, Nghệ sĩ, Úc
“Thông qua tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã thu được rất nhiều lợi ích về sức khỏe cũng như tinh thần, và cải thiện được mối quan hệ của tôi với gia đình và bạn bè”, Rubacek xác nhận.
Nữ nghệ sĩ người Úc cũng đề cập rằng nếu ai đó cố ép cô từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, giống như những gì mà ĐCSTQ đang làm thì cô ấy tuyệt đối sẽ không tuân theo.
“Vì vậy, tôi có thể hiểu tại sao các học viên ở Trung Quốc cũng không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, và tại sao họ lại đi khiếu nại, dù rằng điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của họ.”
Monika Weiss, Biên tập phim đã nghỉ hưu, Đức
“Tôi đã làm công việc biên tập phim trong nhiều năm. Tôi thường xuyên có cơ hội phỏng vấn những người Do Thái, và họ đã nói về chế độ Đức Quốc xã.”
“Tôi hiểu rất rõ về mức độ thao túng của [các] phương tiện truyền thông, và chính phủ Trung Quốc đang hạn chế quyền của người dân như thế nào”, Weiss nói.
Điều gì đã xảy ra với họ sau khi bị bắt?
Cả nhóm bị đưa vào một phòng giam nhỏ ở Sở cảnh sát Quảng trường Thiên An Môn. Ở đó, họ đã được chứng kiến “mặt trái” của ĐCSTQ – một góc khuất bị che giấu đối với các nhà đầu tư và du khách nước ngoài.
“Tôi bắt đầu nhìn quanh các bức tường của phòng giam. Tôi có thể thấy những dấu vết trông giống như những ngón tay của ai đó đã cào trượt xuống và những vết máu bẩn của ai đó để lại”, cô Kate Vereshaka nói trong bộ phim tài liệu Hành trình đến Thiên An Môn (The Journey to Tiananmen).
Leeshai Lemish là học viên Pháp Luân Công người Israel, anh đã bị cảnh sát đánh đập trong một căn phòng nhỏ.
Sau đó cảnh sát đưa cả nhóm đến một khách sạn, tại đó họ được cung cấp thức ăn và nước uống, mục đích là để quay phim và chứng minh rằng họ đã được “đối xử nhân đạo”.
“Trông giống như một khách sạn, nhưng thực ra là một cơ sở an ninh công cộng. Đó là tất cả những gì bạn biết, những tấm gương 2 chiều cùng các gian phòng, và chỉ có việc cảnh sát tra hỏi thông tin”, Adam Leining, một doanh nhân đến từ Hoa Kỳ nhớ lại.
Cảnh sát đã cố ép họ ký vào một bản tuyên bố bằng tiếng Trung. Họ từ chối ký do đó một số người bị đánh dữ dội vào mặt và bị dẫm đạp vào bụng.
Lo ngại vụ bắt giữ sẽ thu hút sự chú ý của toàn thế giới về cuộc đàn áp trái pháp luật này, ĐCSTQ cuối cùng đã thả cả nhóm sau khi giam giữ họ từ 24 đến 28 giờ.
16 năm sau, bộ phim tài liệu có tựa đề “Hành trình đến Thiên An Môn” đã được thực hiện để ghi lại câu chuyện đặc biệt này.
Tuy nhiên, nhiều học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, những người không có hộ chiếu nước ngoài thì lại không được may mắn như vậy.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, ước tính hơn 300 học viên Trung Quốc đã bị tra tấn đến chết dưới tay chế độ ĐCSTQ vào tháng 11/2001. Tính đến tháng 12/2020, có ít nhất 4.363 học viên được xác nhận đã chết trong cuộc bức hại (danh sách tên).
Hơn nữa, theo một báo cáo năm 2016, hàng chục nghìn học viên được cho là đã bị giết để lấy nội tạng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp cấy ghép tạng béo bở của Trung Quốc.
Theo The Epoch Times