Tinh Hoa

Nợ cờ bác, cha nhẫn tâm bán con mới sinh

Suýt nữa, tấn bi kịch đau lòng đã xảy ra chỉ vì sự thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu trách nhiệm của người tự xưng là “cha” đứa trẻ.


Hình chỉ mang tính minh họa (internet)

Gọi cho tôi từ đường dây nóng, chị Trần Thị Quyên ở Quận 9, nức nở giãi bày câu chuyện. Chị Quyên cùng chồng là người An Giang, đang ngụ cư tại một xóm “nhà lá” nơi đây. Chị làm nghề bán trứng vịt, chồng chạy xe thồ. Gia cảnh kham khổ, khó khăn.

Cả hai vợ chồng quen nhau hồi dưới An Giang, đời sống nghèo khó quá nên mới dắt díu nhau lên đây. Đã nghèo, còn sinh đông con, đến nay họ đã có cả thảy 4 đứa con, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ đang oe oe khóc. Nghèo khổ, chồng chị còn mắc thêm rượu chè, đề đóm.

Tiền chẳng những không dành dụm được mà còn nợ tứ phía. Của cải trong nhà có gì giá trị là chồng chị đem bán sạch, từ quạt máy đến nồi niêu. Đã vậy, về lại hay đánh đập vợ con tàn nhẫn. sống chung với người chồng này, một năm chị không đếm được mình lãnh bao nhiêu trận đòn như đòn thù, mặt mũi lúc nào cũng bầm dập nhiều chỗ…

Những chuyện đó chị có thể vượt qua hết, sức chịu đựng dẻo dai mà. Nhưng lần này, chồng chị đòi bán đứa con đỏ hỏn trên tay chị đi. Dù chị nhất quyết không chịu, ông ta vẫn nằng nặc bảo phải bán.

Chồng chị nợ người ta ba chục triệu tiền đề, bây giờ đang rất cùng quẫn. Ông ta nói: Con tao, tao được quyền bán, thằng nào làm gì được tao. Nói là làm, ông ta đã kêu người về xem đứa nhỏ, nói đây là trẻ mồ côi nhặt được ngoài đường, người ta đã ưng, trả 20 triệu, ông ta đòi lên 30 triệu, đang cò kè nhau.

Mấy ngày nay, chị sợ quá không dám đi ra ngoài bán hàng nữa, cứ ở nhà ôm cứng lấy con vì sợ mình ra ngoài thì người ta bắt mất con mình đi. Nhiều lần, một chị khách hàng mua trứng tốt bụng đã khuyên chị nên nhờ đến luật sư hoặc chuyên gia tư vấn. Lần này, tranh thủ chồng đi ăn đám giỗ với bạn bè, chị nhờ một khách mua trứng quen gọi điện giúp chị, nhờ đó mà chị biết đến tôi.

Qua câu chuyện của chị, tôi thấy thương chị vô cùng. Thứ nhất, chị là một phụ nữ bất hạnh, cả đời lam lũ không một ngày sung sướng, lại gặp phải người chồng vũ phu, tàn nhẫn, không góp tay xây dựng gia đình mà lại đề đóm, rượu chè, bạo hành vợ, nay còn đòi bán đi đứa con đứt ruột đẻ ra.

Thứ hai, với suy nghĩ non nớt của người phụ nữ chưa hết chất nông thôn, mới học hết lớp 5, chị không biết làm thế nào để đối phó với chồng trước đòi hỏi quá đáng của anh ta. Nghe chồng nói, cha thì có quyền định đoạt đem con cho ai cũng được, chị nửa tin nửa ngờ, cứ sợ nếu chồng chị được quyền như thế, thì biết làm sao. Giờ đây, yếu đuối, thân cô thế cô, chị không biết làm gì để chống lại ý định của chồng, bảo vệ con mình.

Tôi đã phân tích cho chị rằng, chồng chị hoàn toàn không có quyền định đoạt số phận của đứa trẻ như lời ông ta tuyên bố. Theo quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự, người có hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Nếu xét chồng chị có động cơ đê hèn, còn có thể bị phạt từ 10- 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm.

Luật quy định là bất cứ ai, có nghĩa là không ngoại trừ cha, mẹ, người thân của trẻ. Không một ai có quyền bán đứa trẻ đi với bất kì động cơ hay lý do gì. Ngoài ra, theo những lời chị kể, chồng chị còn mắc thêm tội bạo hành, với mức độ nghiêm trọng  trong một thời gian dài. Tôi cũng khuyên chị, nếu có thể hãy nhờ đến các đoàn thể địa phương trợ giúp, đồng thời nếu có dấu hiệu nguy hiểm thì nên báo ngay cho công an địa phương.

Trước mắt, chị nên về, bình tĩnh và kiên quyết nói chuyện với chồng mình, phân tích rõ ràng những tội anh ta có thể phạm phải và hình phạt, để anh ta biết sợ mà ngừng lại. Chị nhờ người phụ nữ tốt bụng kia viết lại tất cả những gì tôi nói để “học thuộc” mà về nói với chồng.

Kết thúc câu chuyện, chị có vẻ nhẹ nhõm vì đã có trong tay “vũ khí” để bảo vệ đứa con của mình, chị cảm ơn rối rít.

Một thời gian sau, thông qua người phụ nữ có gọi đến giúp chị, tôi được biết chị vẫn giữ được con bên mình, chị và gã chồng độc ác đã chia tay nhau, chị lại ôm con về quê ngoại kiếm sống.

Câu chuyện của chị đã để lại trong tôi một nỗi buồn về thân phận người phụ nữ khốn khổ đây đó vẫn còn tồn tại giữa cuộc sống này…

Theo Luật gia Nguyễn Anh Tuấn Pháp luật Việt Nam

Nguồn: Dân Trí