Các nhà khoa học đã chế tạo được một bàn tay giả bằng kỹ thuật sinh học, cho phép người cụt tay có thể cảm nhận thông qua các đầu ngón tay.
Dennis Aabo, 36 tuổi, người Đan Mạch, bị mất bàn tay trái trong một vụ tai nạn pháo hoa một thập niên trước, đã là người nhận bàn tay kỳ diệu trên. Bàn tay được kết nối với các dây thần kinh trên cánh tay của anh sau một ca phẫu thuật ở Italia.
Trong các cuộc thử nghiệm, Dennis Aabo đã có thể nói được hình dạng và độ cứng của các vật anh cầm, ngay cả khi bị bịt mắt.
Chi tiết về sáng chế khoa học này đã được xuất bản trên tạp chí khoa học Science Translational Medicine.
Một nhóm quốc tế đã thực hiện nghiên cứu trên, bao gồm cả các chuyên gia robot học của Italia, Thụy Sỹ và Đức. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là lần đầu tiên người cụt tay có cảm nhận tức thời nhờ thiết bị giả.
Tiến bộ khoa học ở đây không chỉ nằm ở bàn tay mà ở kỹ thuật điện tử và phần mềm giúp cho bàn tay có phản ứng về cảm giác tới não.
Các nhà khoa học đã thêm các bộ phận cảm ứng vào bàn tay giả, giúp phát hiện và đo thông tin khi có chạm tay. Sau đó họ sử dụng thuật toán máy tính để biến đổi các tín hiệu điện sinh ra thành xung lực mà dây thần kinh cảm giác có thể “giải mã”.
Trong cuộc phẫu thuật ở Rome, Italia, 4 điện cực đã được cấy lên dây thần kinh ở cánh tay của Dennis Aabo. Những điện cực này nối với các bộ cảm ứng nhân tạo ở các ngón tay trên bàn tay giả, cho phép Aabo sờ và đưa phản hồi chuyển thẳng tới não.
Aabo đã dành trọn một tháng trong phòng thí nghiệm để thực hiện các thí nghiệm, đầu tiên là để kiểm tra hoạt động của các điện cực, sau đó là để kết nối hoàn toàn với bàn tay giả.
Bàn tay giả biết cảm nhận này hiện vẫn là vật mẫu và vì những quy định an toàn được áp dụng với các thử nghiệm trong y học, Aabo sẽ được tiến hành phẫu thuật tiếp để dỡ bỏ các bộ phận cảm ứng.
Nguồn: Dân Trí