“Chúng ta nhìn sang những người láng giềng, và thấy rằng Ấn Độ cũng như Nhật Bản đều sẽ có 3 hàng không mẫu hạm từ nay cho tới năm 2014”, AFP trích lời thiếu tướng La Viện, một nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc. “Vì thế, tôi cho rằng con số tàu sân bay phù hợp đối với Trung Quốc không thể ít hơn 3 chiếc, nhằm giúp chúng ta có thể bảo vệ các quyền và lợi ích hải dương một cách hiệu quả.”
Tàu sân bay Shi Lang của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua |
Bình luận của ông La được đăng trên Beijing News hôm qua, tức là không lâu sau khi Trung Quốc tuyên bố rằng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này, dự kiến mang tên Shi Lang, chủ yếu được sử dụng phục vụ công tác huấn luyện và nghiên cứu. Bắc Kinh lâu nay vẫn tin rằng 3 chiếc tàu sân bay của Nhật Bản vốn được chế tạo để dành cho việc hỗ trợ các hoạt động của trực thăng, sẽ sớm được hoán cải hoàn toàn thành một hàng không mẫu hạm thực thụ.
Trước thực tế là một cường quốc mới nổi nhưng lại chưa có tàu sân bay nào trong biên chế, Trung Quốc đã mua một hàng không mẫu hạm của Ukraina và hoán cải phục vụ cho mục đích quân sự. Giới quân sự Trung Quốc mãi tới gần đây mới chính thức xác nhận thông tin này, khiến dấy lên sự lo ngại trong khu vực.
“Chúng tôi đang làm mới lại một chiếc tàu sân bay cũ, và sẽ sử dụng nó vào việc nghiên cứu khoa học, thí nghiệm và huấn luyện”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Cảnh Nhạn Sinh nói trong một cuộc họp báo gần đây. Khi được hỏi liệu việc chiếc tàu Shi Lang xuất hiện trong biên chế của quân đội Trung Quốc có làm tăng năng lực quân sự của nước này, ông Cảnh chỉ nói rằng “đánh giá quá cao hoặc quá thấp vai trò của một tàu sân bay đều không đúng”.
Ở một diễn biến khác, trong một cuộc họp báo chung mới đây với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức cho rằng việc cường quốc châu Á có một tàu sân bay là cần thiết và còn nhấn mạnh rằng Mỹ cũng đang có 11 hàng không mẫu hạm trong biên chế. “Trung Quốc là một nước lớn nhưng lại chỉ có một số chiếc tàu, mà hầu hết là loại nhỏ. Điều này không tương xứng với tầm vóc của một đất nước như Trung Quốc”, ông Trần nói.
Mỹ hôm qua hoan nghênh việc Trung Quốc công khai dự án tàu sân bay, coi đó là một bước tiến tới sự minh bạch hơn giữa hai cường quốc Thái Bình Dương.
Trung Quốc mua lại chiếc tàu sân bay có trọng tải 67.500 tấn từ Ukraina năm 1998 với giá khoảng 200 triệu USD. Ban đầu, Bắc Kinh định sử dụng chiếc tàu như một khách sạn nổi trên đại dương. Nhưng ý định này nhanh chóng thay đổi và tàu sân bay Shi Lang được người Trung Quốc hoàn thiện nốt đúng theo thiết kế ban đầu như một tàu sân bay phục vụ quân sự.
Phan Lê