Tinh Hoa

Giáo dục và tự do

Einstein trích dẫn câu này, không rõ từ nguồn nào, khi nói về giáo dục trong quyển Out Of My Later Years, một tuyển tập các bài viết của cha đẻ thuyết tương đối trong giai đoạn 1934-1950. Einstein muốn nhấn mạnh rằng mục tiêu lớn nhất của giáo dục không phải là dạy cho học sinh những kiến thức cụ thể có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống hàng ngày, bởi lẽ những kiến thức đó có thể chết ngay ngày mai, còn học sinh thì sẽ phải sống hàng chục hàng trăm năm nữa.


Education is that which remains, if one has forgotten everything he learned in school.

Theo Einstein mục tiêu tối thượng của giáo dục, cụ thể là nhà trường và giáo viên, là khai phá, kích thích sự tò mò, óc sáng tạo, khả năng suy nghĩ và hành động độc lập của mỗi học sinh. Một xã hội mà ai cũng giống nhau là một xã hội không thể phát triển, thành ra mỗi đứa trẻ phải được giáo dục để trở thành một cá nhân có khả năng tư duy và hành động độc lập. Nói cách khác, giáo phục trước nhất phải tạo ra được những con người tự do. Quan điểm này của Einstein cũng là quan điểm tôi thấy qua các bài viết của giáo sư Hoàng Tụy, một người đã nhiều năm lo đau đáu cho nền giáo dục nước nhà.

Làm thế nào để đạt được mục tiêu này? Einstein cho rằng mọi phương pháp giáo dục đều xoay quanh vấn đề học sinh sẽ làm gì khi đến trường. Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy trường càng bắt học sinh làm nhiều thì có vẻ như học sinh càng nắm vững kiến thức hơn. Nhưng Einstein cho rằng cường độ làm việc của học sinh không quan trọng bằng thái độ của chúng. Ở đây chúng ta lại thấy quan điểm, mà tôi gọi nôm na là “luyện khí trước, luyện võ sau” của Einstein: ông cho rằng trước nhất cần phải làm cho học sinh thấy tò mò, hứng thú và yêu thích môn học, đồng thời phải khơi dậy và nuôi dưỡng khao khát khám phá, tìm hiểu sự thật vốn luôn có sẵn trong mỗi đứa trẻ.

Làm được như thế thì không sợ trẻ con chán học, mà còn là cú hích hoàn hảo để mỗi đứa trẻ có thể tự bắt đầu hành trình không ngừng nghỉ khám phá và chinh phục tri thức và nghệ thuật, những kho tàng quý báu nhất của loài người.

Einstein cũng nhấn mạnh đến vai trò thầy cô giáo. Muốn tạo ra những con người tự do thì thầy cô giáo phải là những con người tự do. Họ phải có quyền quyết định họ sẽ dạy cái gì và như thế nào cho học sinh của mình. Họ phải là những người luôn tò mò, hứng thú với tri thức, luôn khao khát khám phá thế giới. Cũng như học sinh học vì sự yêu thích môn học, người đứng trên bục giảng đi dạy vì họ thật sự yêu thích môn học và công việc giảng dạy.

Thật sự thì Việt Nam có một hệ thống giáo dục mà tất cả những gì tôi vừa nói đều đúng: đó là hệ thống các lớp chuyên, trường chuyên. Hệ thống đó có hiệu quả hay không? Hầu hết các nhà khoa học thành danh của Việt Nam đều là học sinh trường chuyên. Hầu hết các kỹ sư, chuyên gia người Việt đang làm ở Silicon Valley mà tôi biết cũng là học sinh trường chuyên. Một anh bạn người Mỹ có lần còn hỏi tôi bộ ở Việt Nam ít trường học lắm hay sao mà sao anh thấy đám người Việt Nam ở đây toàn học chung trường với nhau.

Đương nhiên không thể phủ nhận đầu vào các trường chuyên này thường là những học sinh đã có sẵn năng lực, nhưng tôi thấy khả năng tư duy logic, suy nghĩ độc lập cũng như niềm hứng thú học thuật của tôi được khơi gợi từ những bài toán mà tôi được học hồi 9-10 tuổi. Tôi còn nhớ tôi đã ngạc nhiên thế nào khi lần đầu tiên nghe thầy dạy số học nói “Bài toán này đẹp quá”. Đó cũng là tinh thần của những buổi học chuyên: thầy và trò dạy và học vì yêu thích và say mê cái đẹp của những định lý, những con số và những hình vẽ.

Chỉ có được một chút tự do mà chương trình chuyên đã sản sinh ra biết bao nhiêu thế hệ tài năng, nếu cả nền giáo dục được tự do…

( Bài chia sẻ của kỹ sư Dương Ngọc Thái tại blog cá nhân: vnhacker.blogspot.com)