Các cơn đau về thể xác, tinh thần luôn đeo bám những bệnh nhân mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS này…
Không ai có thể phủ nhận mối đe dọa của HIV/AIDS đối với nhân loại hiện nay. Căn bệnh thế kỷ này không những gây ra hậu quả to lớn về mặt kinh tế, xã hội đối với nhiều quốc gia ở khắp châu lục địa mà còn để lại bao nỗi bất hạnh cho bản thân, gia đình của người có HIV/ AIDS.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm, trên cả nước có khoảng 213.413 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Trong đó có 63.373 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và 65.133 người tử vong. Đây quả là con số không nhỏ, đủ khiến nhiều người bất ngờ về số người mang trên mình căn bệnh chết người này.
Hôm nay là Ngày thế giới phòng chống AIDS – 1/12 với chủ đề năm 2013: “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.
HIV là từ viết tắt của loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Loại virus HIV này tấn công và phá vỡ hệ thống miễn dịch là bạch cầu, làm chúng mất khả năng chiến đấu, chống lại các loại nấm, vi khuẩn, virus… xâm nhập vào cơ thể.
Từ đó dẫn đến tình trạng mắc hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải – hay gọi là AIDS. Nếu không có một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, những người bị AIDS còn dễ mắc phải những tổn thương khác thường gây ra nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.
Trong khoảng từ 1 – 2 tháng sau khi HIV xâm nhập vào cơ thể, có từ 40% đến 90% số người sẽ trải qua các triệu chứng giống cúm. Đây còn gọi là giai đoạn sơ nhiễm, giai đoạn cửa sổ (ARS). Lúc này, bệnh nhân có thể sốt 38 – 40 độ C, vã mồ hôi, mỏi mệt, đau cơ khớp, viêm họng, sưng nhiều hạch…
Thời điểm này là lúc virus di chuyển vào trong máu và bắt đầu nhân rộng với số lượng lớn. Các hiện tượng viêm, sưng chính là phản ứng viêm của hệ miễn dịch.
Khoảng 2 – 3 tháng sau khi sơ nhiễm, cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu, lúc này xét nghiệm mới phát hiện dương tính. Giai đoạn HIV dương tính thường kéo dài 5 – 10 nǎm.
Trong cơ thể, sự bảo vệ mạnh mẽ của hệ miễn dịch sẽ làm giảm số lượng của các hạt virus trong máu, dần chuyển sang giai đoạn nhiễm HIV mãn tính.
Giai đoạn này có thể kéo dài từ 2 tuần cho đến 20 năm tùy từng trường hợp sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thể lực. Trong suốt giai đoạn mãn tính, virus HIV hoạt động trong các hạch bạch huyết, khiến các hạch này thường bị sưng do phản ứng với một số lượng lớn virus kẹt trong mạng lưới tế bào.
Giai đoạn cận AIDS cũng không có nhiều biến chuyển. Lúc này, cơ thể dần yếu đi. Thi thoảng, bệnh nhân sẽ mắc chứng viêm xoang, viêm amidan, viêm hầu họng, viêm miệng tái diễn, hay bị mẩn ngứa, phát ban, nấm móng… Hình ảnh bàn tay của một bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị tại nhà tế bần ở ngoại ô thành phố Yangon (Myanmar).
Giai đoạn AIDS là giai đoạn cuối cùng của nhiễm HIV và cũng là kết thúc bi thảm khó tránh khỏi ở những người có H này. Biểu hiện lâm sàng của giai đoạn này là các rối loạn liên quan đến suy giảm miễn dịch.
Lúc này, người bệnh nổi hạch toàn thân kèm theo cơn sốt kéo dài trên một tháng. Kèm với đó là hiện tượng tiêu chảy dài cùng sự sút cân mạnh (khoảng 10% thể trọng cơ thể). Do cơ thể mất hàng rào bảo vệ nên bất kỳ vi khuẩn, virus nào cũng có thể dễ dàng tấn công và gây bệnh.
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, cơ thể người bệnh có biểu hiện “da bọc xương” do sụt cân mạnh, nấm miệng, u phổi phát triển không ngừng… Các bệnh lý về cơ xương khớp hay viêm loét miệng hoại tử rất nhanh…
Với những triệu chứng phát bệnh ở giai đoạn cuối như trên, thời gian sống sót trung bình của bệnh nhân AIDS chỉ có thể kéo dài từ 6 tháng – 2 năm.
Năm 2010, các nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH y dược Berlin (Đức) đã chữa trị thành công cho một người dương tính với HIV bằng cách sử dụng hóa dược liều cao cùng phương pháp xạ trị sau khi tiến hành cấy lại tế bào tủy sống. Bệnh nhân này không còn dấu hiệu của HIV, hệ thống miễn dịch của anh hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, việc không phát hiện HIV trong máu bệnh nhân không có nghĩa rằng anh ta đã hoàn toàn khỏi bệnh (HIV có thể tồn tại ẩn mình trong tế bào nội tạng trước khi sinh sôi bùng phát trở lại sau mấy năm).
Giáo sư Rodolf Tauber chia sẻ: “Đây mới chỉ là trường hợp đáng chú ý trong công tác nghiên cứu, những hứa hẹn sẽ chữa lành cho hàng triệu bệnh nhân nhiễm HIV chưa thực sự đáng tin. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng tìm ra những phương thuốc hữu hiệu nhất để giúp bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ này”.
Chính bởi sự nguy hiểm của căn bệnh này, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần sớm phát hiện căn bệnh nhiễm HIV/AIDS khi có các dấu hiệu nghi ngờ như trên và có biện pháp phòng tránh an toàn để không lây nhiễm bệnh HIV sang cho người khác.
Ngày Thế giới Phòng chống AIDS, được cử hành vào ngày 1 tháng 12 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, và để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì HIV.
Chủ đề Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2013 là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.
Theo Kenh14