Công ty xây dựng Shimizu của Nhật Bản vừa công bố một giải pháp sáng tạo để xử lý vấn đề năng lượng của đất nước nói riêng và trái đất nói chung – tạo ra một vành đai gồm các tấm pin năng lượng mặt trời bao quanh mặt trăng.
Vành đai pin nói trên sẽ truyền năng lượng mặt trời thu được về các trạm tiếp nhận trên mặt đất dưới dạng tia laser hoặc sóng vi ba.
“Vành đai mặt trăng” này có khả năng gửi xuống Trái Đất 13.000 terawatt năng lượng mỗi năm. Đây là con số không nhỏ bởi nước Mỹ chỉ tạo ra được 4.100 terawatt năng lượng trong năm 2011. Đại diện của Shimizu phát biểu trên trang website công ty rằng:“một sự thay đổi từ việc sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng hữu hạn sang việc sử dụng vô hạn năng lượng sạch là ước mơ lớn của nhân loại”.
Dự án “vành đai năng lượng” bao quanh mặt trăng của Công ty Shimizu (Nhật Bản). (Ảnh: Independent)
Cho đến trước khi xảy ra thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3/2011, nước Nhật chủ yếu dựa vào năng lượng hạt nhân. Quốc gia này đã đóng cửa lò phản ứng hạt nhân cuối cùng hồi tháng 9. Tokyo nhiều khả năng vẫn cần tái khởi động các nhà máy hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngắn hạn. Dù vậy, thảm họa trên khiến nước này quan tâm nhiều hơn đến việc tìm kiếm các dạng năng lượng thay thế an toàn hơn.
Sáng kiến trên của công ty Shimizu được đưa ra trước khi xảy ra vụ khủng hoảng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 nên nó chưa thu hút nhiều chú ý khi đó. Giờ đây, dự án được quan tâm nhiều hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng này vẫn chưa được xử lý xong.
Công ty từ chối cho biết kinh phí dự án “vành đai mặt trăng” nhưng tin rằng nó sẽ được hoàn tất sớm nhất là vào đầu năm 2035 nếu có đủ tiền. Theo kế hoạch, robot và các thiết bị tự động sẽ được phát triển để khai thác tài nguyên trên mặt trăng cũng như đảm nhận công việc sản xuất bê tông cùng với các tấm pin năng lượng cho dự án.
Một khi hoàn tất, vành đai sẽ trải dài gần 11.000km dọc đường xích đạo mặt trăng và liên tục tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để truyền năng lượng đều đặn về Trái đất.
Theo khoahoc