Tinh Hoa

‘Vương quốc bầy đàn’ đa cấp lại mọc ở Ninh Bình

Ồ ạt rời Thái Bình sau khi chính quyền tỉnh này ra tay mạnh mẽ, các học viên đa cấp Lô Hội lại ‘dạt’ về Ninh Bình với cuộc sống còn tồi tệ hơn.

Trở lại quê lúa Thái Bình vào một ngày cuối tháng 10, nhóm phóng viên VTC News nhận thấy như chưa hề có sự tồn tại của “vương quốc bầy đàn bán hàng đa cấp” ở đây.

Quan chức địa phương cho hay, họ – những học viên của công ty TNHH (Trách nhiệm hữu hạn) Lô Hội đã rời đi từ giữa tháng 9 và tới đầu tháng 10 thì “không còn một mống nào”.

Các học viên của công ty TNHH Lô Hội ở Ninh Bình 

Tại xã Minh Quang (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), người dân địa phương đang bận rộn với các công việc của nhà nông. Những khu nhà trọ xập xệ giờ hoang tàn, “vứt xó” trong khi những phòng trọ xưa kia là “đại bản doanh” của hàng chục học viên Lô Hội giờ đã được chuyển đổi mục đích sử dụng thành kho chứa đồ hoặc quán bán hàng tạp hóa…

Trong khi đó, ở xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình), đi khắp các thôn cùng ngõ hẻm cũng chẳng thấy các nhóm thanh niên tụ tập ở bàn trà, quán nước để bàn về mạng lưới đa cấp nữa.

Nhịp sống ở đây trở nên dễ chịu vô cùng. Quê lúa Thái Bình đã lấy lại được nét thanh bình vốn có.

Thế nhưng, cũng vào những ngày này, VTC News lại nhận được “lời kêu cứu” của những người dân ở thành phố Ninh Bình về sự “hồi sinh” của vương quốc bầy đàn bán hàng đa cấp ở đây.

‘Dạt’ về Ninh Bình

Thâm nhập vào mọi ngóc ngách ở thành phố Ninh Bình, cuối cùng, chúng tôi cũng tìm thấy “hang ổ bầy đàn” của các học viên, chuyên viên đa cấp.

Nằm nép mình sau những tòa nhà cao tầng, ẩn sâu trong các ngóc ngách “gần nhà xa ngõ”, khu ổ chuột của các học viên thuộc công ty TNHH Lô Hội nhếch nhác như những lều, trại bị bỏ hoang.

 
 
Ở vùng đất non nước hữu tình – Ninh Bình, phường Ninh Sơn được xem là “kinh đô” sầm uất của vương quốc đa cấp với gần 1.000 học viên Lô Hội.
 

Đường vào những xóm trọ này loằng ngoằng đến nỗi ngay cả những học viên mới đến cũng đôi lần lạc lối, quên đường về. Có lẽ họ thật sự muốn lẩn trốn dư luận, mọi sự chú ý ngay cả từ người dân địa phương.

Tại phường Bích Đào (thành phố Ninh Bình), các xóm trọ của học viên Lô Hội nằm cách nhau hàng cây số. Người của “vương quốc” này không quây quần đông vui như ngày ở quê lúa Thái Bình. Họ tản mạn khắp phường như chia thành từng bộ lạc.

Ông Trịnh Văn Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Bích Đào cho hay, trên địa bàn này hiện còn khoảng 120 người của công ty Lô Hội.

“Bà con ở chợ phản ánh họ toàn ăn rau già, cá ươn cho rẻ. Người dân ở đây cứ trêu là những học viên đó làm nghề lôi hộ”, ông Vinh nói.

Ở vùng đất non nước hữu tình này, phường Ninh Sơn được xem là ‘vương quốc đa cấp’ với gần 1.000 học viên Lô Hội. Họ chủ yếu tời từ Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Cạn, Lạng Sơn…

Quan chức địa phương cho hay, học viên Lô Hội có mặt ở đây từ 3 năm trước, nhưng từ ngày “vương quốc” ở Thái Bình tan rã, số lượng học viên Lô Hội ở Ninh Bình tăng lên trông thấy.

Nồi cơm của các học viên Lô Hội ở Ninh Bình  


Tương tự như cách thức hoạt động ở Thái Bình, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhóm học viên Lô Hội ở Ninh Bình cũng ăn ở, sinh hoạt “bầy đàn” từ 15 – 20 người/phòng, trong những căn nhà chật chội chỉ khoảng 15 – 20 m2.

Nhà trọ của họ nằm nép mình, xen giữa những tòa nhà cao tầng khiến ánh nắng cũng khó lọt qua khe cửa, nhưng mỗi lần mưa, họ hứng trọn dòng nước. Đôi khi nước ngập cả vào trong những căn phòng tiêu điều.

 
 
Bà con ở chợ phản ánh họ toàn ăn rau già, cá ươn cho rẻ. Người dân ở đây cứ trêu là những học viên đó làm nghề lôi hộ.
 
Ông Trịnh Văn Vinh – Phó Chủ tịch phường Bích Đào
 

Thực chất, rất ít người dân ở Ninh Bình xây nhà trọ mới cho học viên Lô Hội thuê. Hầu hết các căn phòng cho thuê trọ đều là tận dụng nhà không ở từ cách đây cả chục năm nên chúng xuống cấp trầm trọng.

Trong các phòng trọ tất nhiên cũng chẳng có giường nằm hay các thiết bị thiết yếu khác chứ đừng nói gì tới những thiết bị phòng cháy chữa cháy. Vài chiếc quạt cũ, 1 bóng đèn thắp sáng dùng chung cho cả 20 người là tất cả những gì có giá trị trong mỗi phòng trọ.

Với mức giá từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/tháng tiền nhà, 6.000 – 7.000 đồng/m3 nước và 3.000 đồng/kW điện cộng với mức chi tiêu tằn tiện, trung bình một học viên Lô Hội chỉ tiêu tốn khoảng 500.000 đồng/tháng.

Số tiền không lớn, nhưng với những học viên bị gia đình phản đối, thậm chí cấm đoán việc gia nhập vào mạng lưới đa cấp, họ phải chật vật lắm mới xoay sở đủ.

Có người muối mặt hỏi vay bạn bè, họ hàng rồi bặt vô âm tín khi đến hạn trả nợ. Số khác cùng quẫn hơn thậm chí đã phải lừa đảo, trộm cắp vặt để kiếm tiền mưu sinh qua ngày đoạn tháng.

Ở Ninh Bình, kiếm việc làm thêm cũng không dễ. Vả lại, ở độ tuổi ăn chưa no, no chưa tới, những học viên này cũng không có ý định làm thêm bất cứ công việc gì. Thế nên mới xảy ra chuyện trộm cắp, cướp giật.

Nhà tắm thông thiên như khách sạn ngàn sao của học viên Lô Hội  


Một quan chức thuộc phường Bích Đào cho hay, có học viên còn thuộc diện đối tượng đang bị theo dõi hành vi cấu thành tội lừa đảo như nhận hồ sơ xin việc cho người khác hòng chuộc lợi, kiếm tiền.

Đào tạo ở… nhà dân

Theo quan sát của chúng tôi, học viên Lô Hội ở đây chủ yếu là nam, ở độ tuổi từ 20 – 25. Trước khi vương quốc bầy đàn ở Thái Bình bị khai tử, “sếp” của họ cũng thuê hội trường, nhà văn hóa của phường, những nơi có thể tụ tập đông người để đào tạo học viên mới, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm “lôi hộ” cho nhau.

Sự sụp đổ của vương quốc bầy đàn ở Thái Bình như một hồi chuông cảnh báo không chỉ ở quê lúa, giới chức ở Ninh Bình cũng đã nghiêm cấm việc cho thuê hội trường, nhà văn hóa để nhóm người này “trao đổi nghiệp vụ”. Nhiều lớp học mở ra khi chưa được cấp phép đều đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, người ta vẫn tìm ra nơi để tụ tập. Đó chính là nhà dân. Được biết, học viên Lô Hội “học” từ 2 – 3 buổi/tuần. Lớp học thường chỉ cách nhà trọ của họ chừng 1km. Thời gian còn lại trong tuần, họ tập trung vào nhiệm vụ chính: “mời bạn tới tìm hiểu về công ty” hoặc giao lưu giữa các nhóm 1 lần/tuần.

Có 2 nhóm đối tượng mà họ hướng tới. Một là những công viên chức, cán bộ về hưu…, những người có điều kiện kinh tế, có thể mua sản phẩm của công ty này. Hai là nhóm người trẻ mới ra trường, chưa có việc làm, ôm mộng đổi đời theo kiểu ngồi mát ăn bát vàng.

Với nhóm thứ 2, công ty vẫn quy định phải mua một bộ sản phẩm trị giá khoảng 8,4 triệu đồng mới được trở thành nhân viên kinh doanh đa cấp. Theo thống kê, ở phường Bích Đào có khoảng gần 10 người dân địa phương đã “dính chàm” đa cấp.

Học viên Lô Hội học cách làm giàu trong bóng tối  


Sống bầy đàn được tiếp sức

Đáng chú ý, một bộ phận người dân địa phương vì lợi nhuận trước mắt đã tìm đủ mọi cách lách luật, tiếp tay cho sự hồi sinh của vương quốc này trên chính quê hương mình.

Chẳng hạn, họ chỉ đăng kí tạm trú cho 1 – 2 người/phòng, nhưng trên thực tế, khi đi kiểm tra, lực lượng công an phát hiện có tới trên dưới 20 người/phòng với diện tích phòng chưa đầy 20m2.

Từ ngày học viên Lô Hội ồ ạt đến đây, những bà bán buôn mừng ra mặt. Mỗi nồi xôi, nồi cháo với giá chỉ khoảng 3.000 – 5.000 đồng/suất giúp họ kiếm được tiền triệu mỗi tháng. Chưa kể rau già, cá ươn, thịt thối cũng không lo ế hàng.

Một học viên Lô Hội bật nhạc sàn, nhảy múa điên cuồng giữa ban ngày  


Rồi chủ những quán cơm bụi cũng kiếm được tiền nhờ nhóm người này. Chưa bao giờ được phục vụ một lúc nhiều người như vậy. Họ càng vô cùng phấn khởi khi các “thượng đế” chấp nhận vừa đứng vừa ăn để tránh đói.

Vẫn lối sống cũ, ra đồng bắt cua ốc về ăn, bổ sung dinh dưỡng, học viên Lô Hội ở Ninh Bình còn tích cực trồng rau hay đến làng mộc gần đó xin gỗ vụn, mùn cưa về để đun nấu.

Nhà tắm lộ thiên ngay cạnh chuồng lợn mà thoạt nhìn không ai tưởng tượng được đó là khu tổ hợp nhà tắm, nhà vệ sinh, bồn rửa bát, rửa đồ ăn kiêm cống thoát nước của họ.

Nhóm Phóng viên điều tra (vtc.vn)