Nhà nước Hồi giáo (ISIS) chuyên dùng bạo lực để bắt người Hồi giáo dòng Sunni khiếp sợ và thuần phục, gần đây đã giết hại 322 mạng người, giới chức Iraq cho biết.
Các quan chức Iraq thông tin, số nạn nhân bị giết hại trong cuộc thảm sát tộc người Ả Rập dòng Sunni do ISIS thực hiện tính tới ngày Thứ Hai (3/11) đã lên tới 322. Đây là cuộc thảm sát dân thường quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tổ chức này trong chiến dịch gây kinh hãi cho người dân cùng lực lượng an ninh Iraq phe đối lập.
Ban đầu, con số được giới chức nước này đưa ra là khoảng 50 con tin thuộc bộ lạc Albu Nimr bị Nhà nước Hồi giáo sát hại hôm Thứ Sáu (31/10) tại thành phố phía bắc là Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar. Đây được xem là sự trừng phạt cho những ai dám chống đối lực lượng cực đoan này tại các khu vực họ chiếm đóng. Hôm Thứ Hai (3/11), các quan chức ghi nhận con số thiệt mạng đang leo thang.
ISIS dùng đến những chiêu thức rất tàn bạo vốn được người dân Iraq sánh với nhóm Hulagu Khan, cháu trai của Ghengis Khan, người đánh chiếm Baghdad năm 1258, sát hại hàng chục nghìn dân thường để trừng phạt vì dám kháng cự. Sau đó, nhóm này xóa sạch nhiều thư viện nổi tiếng tại Baghdad trên dòng sông Tigris huyền thoại.
Cũng vì lý do này, sự trở lại của nhóm phiến quân cực đoan nhằm thống trị Iraq trong năm nay vô hình chung lại tạo dựng vũ khí lợi hại nhất cho họ qua tiếng tăm gây hãi hùng. Chính sự “khét tiếng” này đã góp phần khiến quân đội Iraq khiếp sợ rút khỏi thành phố Mosul, bỏ lại xe tăng và xe bọc thép do Mỹ cung cấp ngay trước khi ISIS tiến vào.
Trong khi ISIS nhận được sự ủng hộ từ nhiều người Ả Rập dòng Sunni, những người lên án tình trạng vi phạm nhân quyền dưới bàn tay cai trị của chính quyền Ả Rập dòng Shiite tự xưng tại Baghdad, thì nhóm khác lại ra sức chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo. Họ không muốn chấp nhận dòng Hồi giáo hà khắc và cực đoan trên mảnh đất mình sinh sống, đồng thời không quên được cách đối xử tàn bạo của lực lượng Al Qaeda tại Iraq trước đây.
Cách đây 5 năm, người bộ lạc Sunni đã biểu quyết chiến đấu cùng Mỹ tại Anbar và các tỉnh khác nơi Al Qaeda chiếm ưu thế, để đổi lấy cam kết về viện trợ và công ăn việc làm từ chính phủ. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq cuối năm 2011, chính phủ dòng Shiite tại Baghdad phủ nhận hoàn toàn các cam kết này, đồng thời coi nhiều lãnh đạo Ả Rập dòng Sunni chiến đấu chống lại Al Qaeda là lực lượng đối lập chính trị.
Tuy nhiên, dù vậy, nhiều người Sunni một lần nữa vẫn sẵn sàng chiến đấu chống lại lực lượng cực đoan kể từ khi nhóm này đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo. Nhưng các lãnh đạo dòng Shiite tại Baghdad vẫn giữ thái độ cẩn trọng trước lực lượng vũ trang mà họ xem như thù địch dù cả hai đang chiến đấu chống lại kẻ thù chung. Tờ Reuters dẫn lời một quan chức nhóm Albu Nimr, chính phủ gần đây đã làm ngơ trước yêu cầu trợ giúp.
Một trong các tù trưởng của bộ lạc này là Sheikh Naeem al-Ga’oud chia sẻ, ông đã nhiều lần yêu cầu chính quyền trung ương và quân đội trợ giúp, nhưng không nhận được hồi âm
Giới chức tại phòng chỉ huy các hoạt động an ninh của chính phủ ở Anbar và dân thường cho biết, họ không nghe cũng như không thấy hoạt động không kích nào.
Tướng Martin Dempsey, Tổng tham mưu trưởng của Mỹ tuần trước đề cập đến việc chính phủ Iraq không trợ giúp tộc người Sunni tại Anbar, chủ yếu là người Ả Rập dòng Sunni, sinh sống tại phía đông Baghdad. Ông nói, các cố vấn quân đội Mỹ đang sát cánh cùng bộ lạc địa phương có thể trợ giúp hiệu quả chiến dịch chống lại ISIS, trong khi nhóm này hoành hành ngang dọc còn chính quyền vẫn làm ngơ.
“Điều kiện tiên quyết trong cuộc chiến này là chính phủ Iraq phải sẵn sàng trợ giúp các bộ lạc. Chúng tôi đã nhận được dấu hiệu tích cực cho thấy họ sẽ tham gia, nhưng hiện vẫn chưa có động tĩnh gì”, Tướng Dempsey nói với báo giới.
Trong khi đó, có vẻ như việc tham chiến chống ISIS của chính quyền Obama đang ngày càng tệ đi tại Syria. Hôm Thứ Bảy (1/11), Jabhat al-Nusra (JAN)là một nhánh trực tiếp của Al Qaeda không giống với ISIS đã đánh đuổi lực lượng dân quân do Mỹ huấn luyện khỏi pháo đài cuối cùng của họ ở tỉnh Idlib, Syria. Tờ Daily Telegraph đưa tin, lực lượng do Mỹ hỗ trợ đã buông vũ khí đầu hàng JAN.
Chưa rõ liệu tên lửa chống tăng của Mỹ là TOW nằm trong kho chứa bị bỏ lại có rơi vào tay JAN hôm Thứ Bảy (1/11) hay không. Tuy nhiên, một vài thành viên nhóm này trên Twitter có vẻ đắc thắng.
Phương Tây lại một lần bẽ mặt khi lực lượng họ hậu thuẫn đã thất thủ và thông tin lan truyền cả thế giới, trong khi Mỹ đang gia tăng hoạt động quân sự tại nước này cả về không kích và huấn luyện quân nhân địa phương.
Tại Idlib, Harakat Hazm đã đầu hàng JAN mà không “tốn viên đạn nào”, một số còn trở thành chiến binh thánh chiến, theo tin đã đưa.
Cũng trong năm nay, Mỹ cho biết lực lượng quân nhân thân phương Tây giống nhóm đầu quân cho JAN sẽ chứng minh tầm quan trọng tại Syria trong cuộc chiến chống lại cả các chiến binh thánh chiến và chính quyền của Tổng thống Syria là Bashar al-Assad.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo Christain Science Monitor