“Cháu chỉ mong được có tên trong hộ khẩu”, Li Xue, 20 tuổi, cô con gái thứ hai trong một gia đình lao động nghèo ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc, nói.
Suốt nhiều năm qua, cách duy nhất để Xue có thể tiếp xúc với tri thức là thông qua những bài giảng không đầu không cuối và chiếc thẻ thư viện của chị gái cô, Li Bin.
Sinh trưởng trong một gia đình lao động nghèo ở thành phố Bắc Kinh, giữa lúc chính phủ Trung Quốc đang thắt chặt chính sách một con, Li Xue chưa bao giờ được hưởng sự giáo dục như những đứa trẻ bình thường khác. Cô cũng không nhận được những lợi ích từ hệ thống chăm sóc sức khỏe, thứ dành cho hầu hết các công dân còn lại của thành phố, và luôn phải sử dụng chứng minh thư của cha mẹ hoặc chị gái để mua thuốc nếu chẳng may đổ bệnh.
Li Xue cùng cha mẹ trong căn hộ của gia đình ở Bắc Kinh. Ảnh: CNN |
“Con bé cứ thường xuyên hỏi tôi về lý do nó không được tới trường, không được làm những việc mà người khác vẫn làm. Còn tôi thì không biết phải làm sao để con bé có thể chấp nhận sự thật rằng, tất cả chỉ vì nó là một đứa con thứ”, mẹ Xue, bà Bai Xuiling, một công nhân, nói.
Xue cho biết, cô không ghen tị với chị gái mình, và thậm chí còn cảm thấy biết ơn khi được Bin dành thời gian dạy học mỗi khi rảnh rỗi.
“Cháu muốn được học nhiều hiểu rộng như chị ấy. Nhưng thực sự rất khó, bởi Bin được tới trường còn cháu thì không”, Xue tâm sự.
Mẹ của Xue bất ngờ mang thai cô vào năm 1993. Bất chấp những hậu quả đã có thể lường trước, bà vẫn quyết tâm giữ cô lại, vì muốn có thêm một đứa con để chăm sóc cho tuổi già của mình.
Theo luật kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, phần lớn các gia đình ở thành thị chỉ được phép có một con. Chính sách này đã thất bại ở khu vực nông thôn và cũng không đủ khả năng để ngăn cản những người có đủ tiềm lực tài chính.
Nhưng điều này lại nằm ngoài khả năng của cha mẹ Xue, bởi họ không thể trả 5.000 tệ, tương đương 820 USD, tiền phạt. Vì vậy, suốt 20 năm trời, tên của Xue vẫn không được phép xuất hiện trong sổ hộ khẩu, đồng nghĩa với việc cô không thể sở hữu chứng minh thư, thẻ bảo hiểm và quyền được học tập như bao đứa trẻ khác.
Chính sách một con, mặc dù đã phát huy tác dụng trong việc giảm thiểu tốc độ gia tăng dân số ở Trung Quốc, vẫn bị chỉ trích vì đã gián tiếp làm gia tăng tỷ lệ nạo phá thai, cũng như tạo ra khe hở để các quan chức tham tiền lách luật.
Một số người cho rằng, chính sách này còn làm tổn thương những người cao tuổi, phần lớn đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của con cháu khi về già, và thậm chí sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ phát triển kinh tế, khi làm giảm lượng dân số trong độ tưổi lao động.
Hy vọng le lói
Hãng tin Xinhua hồi tháng 8 cho biết, chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc khả năng nới lỏng chính sách một con, trong đó cho phép các cặp vợ chồng là con một được phép có hai con. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đang thảo luận về việc áp dụng chính sách hai con từ năm 2015.
“Chúng tôi lạc quan cho rằng, việc thi hành chính sách một con sẽ sớm chấm dứt”, hai nhà kinh tế học Ting Lu và Xiaojia Zhi cho biết.
Nhưng ngay cả khi chính sách này được nới lỏng, cuộc sống của những người như Xue cũng không hẳn sẽ tốt hơn, bởi bất chấp những nỗ lực tìm lại “danh tính” cho con gái, tất cả những gì cha mẹ cô nhận được là sự bàng quan của chính quyền địa phương.
Hồi tháng 9, gia đình Xue từng nhận được một thông báo từ Tòa án Nhân dân Cấp cao Bắc Kinh, rằng trường hợp của họ sẽ sớm được xử lý. Về phía tòa án, họ cho biết vụ việc này đang được điều tra và sẽ nhanh chóng đưa ra một thông báo chính thức.
“Tất cả những gì chúng tôi muốn chỉ là một lời giải thích, rằng tại sao tên con gái chúng tôi lại không được ghi vào hộ khẩu, thế thôi”, cha của Li Xue, ông Li Hongyu, nói.
Bản thân Xue thì cho biết, nếu có cơ hội được vào đại học, cô mong mình sẽ trở thành một luật sư.
“Cháu thích ngành luật và hy vọng có thể sử dụng nó để giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên, cháu phải giải quyết vấn đề của bản thân mình, đó là trở thành một công dân hợp pháp trước đã”, Xue nói. Theo Quỳnh Hoa (VnExpress.net)