Hàng loạt tai ương ập đến với những người trót bước chân vào hậu cung, hoặc vi phạm những điều húy kỵ của ngôi đền linh thiêng.
Từ bao đời nay, hàng chục vạn người từng đến thăm ngôi đền Cao (thôn Đại, xã An Lạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đều tò mò vì không ai biết phía sau cánh cửa hậu cung này là bí mật gì mà người nào cứ bước chân qua là mất mạng.
Cụ ông Dương Văn Luyện (74 tuổi) cho biết, theo phong tục địa phương quy định từ ngàn năm nay, mỗi năm đến ngày lễ hội thì làng phải bầu ra một quan trùm và bốn quan đám. Từng hàng nhiều năm được làng bầu làm những chức sắc này và năm nay được phong làm quan trùm nên không ngõ ngách nào trong ngôi đền này ông không biết, nhưng riêng những bí mật sau cánh cửa hậu cung thì khi được hỏi, ông bảo “có chết cũng không nói”.
Trong suốt thời gian còn giữ chức, những bậc chức sắc này phải tuân theo luật: có biết cũng không nói, tò mò không biết thì cũng không hỏi và sau này dù có còn giữ chức hay không thì những gì đã được nhìn thấy trong hậu cung thì cũng “sống để bụng, chết mang đi”. Vì thế mà cho đến giờ, trong hậu cung của đền Cao có những bí mật gì vẫn là một điều bí ẩn.
Trong những ngày lễ hội, dù có giỗ chạp thì các chức sắc cũng không được thắp hương lên ban thờ gia tiên, thậm chí không được ăn các món trên ban thờ nhà mình. Cũng thời gian này họ đều phải ăn chay, tắm rửa sạch sẽ; khi làm lễ phải mặc đội khăn, che miệng; đặc biệt thuộc nằm lòng quy tắc khi vào hậu cung thì bước chân phải trước, ra khỏi cung bước chân trái trước.
Những người dân đến vãn cảnh, cũng bái có lỡ lạc chân qua khu vực có cánh cửa luôn được khóa cẩn thận này cũng chẳng ai dám ghé mắt vào vì sợ lời nguyền người xưa truyền lại là “không phận sự tuyệt đối không được bước chân vào” nếu không muốn gặp những tai họa khủng khiếp. Chuyện về cánh cửa bí ẩn chỉ rộ lên khi khoảng 20 năm trước, một du khách đã trả giá bằng chính mạng sống của mình khi nằng nặc đòi vào tận nơi để chụp hình.
Đền Cao linh thiêng tại thôn Đại, xã An Lạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. |
Cụ Luyện kể lại năm ấy, ông cũng là quan đám của đền và sự việc xảy ra ngay dịp kỷ niệm đền được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Hôm ấy sau buổi lễ, một nam du khách trung tuổi vốn là một người quen biết đến từ tỉnh Hải Dương cứ nằng nặc đòi phải mở cửa hậu cung cho mình vào chụp ảnh. Dù ông Luyện can ngăn thế nào, vị khách này cũng không nghe rồi khẳng định: “Tội vạ đâu tôi chịu. Chết tôi cũng chịu”.
Ông Luyện đành phải mở cửa hậu cung cho khách vào, còn mình quỳ khấn ở ngoài. Trong hậu cung, ánh đèn flash lóe liên tiếp vài cái, sau một hồi vãn cảnh và chụp ảnh xong, vị khách đi ra mang nét mặt rất hoan hỉ. Trong trí nhớ của ông lão đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hi này, đây là lần đầu tiên có người lạ dám bước vào hậu cung của đền như thế.
Những chuyện lạ với vị khách này xảy ra từ ấy. Những bức ảnh trong hậu cung người này chụp, khi mang về rửa thì phim đều đen sì. Rồi 3 ngày sau, tin từ tỉnh báo về vị ấy đã bị đột quỵ sau một buổi họp. Được đưa đi chữa ở khắp các bệnh viện nổi tiếng ngoài Hà Nội nhưng chưa đầy một tháng sau, du khách bạo gan này không qua khỏi.
Tai họa chưa dừng ở đó. Khoảng 3 tháng sau, con trai duy nhất của người này thắt cổ tự vẫn, nghe nói là phẫn uất vì chuyện bị vợ ngoại tình. Tiếp một tháng nữa, một người trong gia đình ấy khi đang đi công tác xa bỗng bị có người chỉ mặt mà bảo: “Nhà mày có người xúc phạm đến thần thánh. Nếu không về làm lễ cầu xin thì còn có thêm người chết nữa”. Người này về kể chuyện thì gia đình mới móc xích các sự việc lại với nhau và tá hỏa ngờ rằng đó là hậu quả của việc phạm thánh. Ông Luyện kể rằng phải sau khi sắm lễ tìm lên đền tạ tội thì gia đình ấy mới được yên.
Dư luận trong khu vực lại thêm một lần dậy sóng với sự việc một thanh niên ngỗ ngược đã trả giá vì muốn thử độ thiêng của đền những ngày cuối năm 2011. Một thanh niên ở xã Đồng Lạc (cạnh xã An Lạc) nhiều năm nay “ấm ức” trước luật đại kỵ trước khi vào lễ đền Cao không được ăn thịt chó nên đã rủ vài người bạn đi làm một bữa thịt chó xả xui cuối năm rồi mặt đỏ bừng bừng lên lễ đền.
Chỉ vừa bước lên đến sân nghỉ, còn cách sàn đền chừng chục bậc tam cấp nữa thì chàng trai bỗng ngã dập đầu, chúi mặt xuống đất. Người đi lễ hốt hoảng chạy lại xem thấy nạn nhân miệng cứ há hốc ra, không kêu được mà cũng không cựa quậy gì được.
Những người bạn của anh chàng vội vàng chạy vào cầu cứu “quan trùm” và khi nghe rõ sự tình, người coi đền lập tức thắp 9 nén hương kêu cầu trước bài vị thánh rồi mang ra cho một chén nước đã được đặt làm lễ cho đám bạn cạy miệng đổ vào mồm thanh niên ngông cuồng. Lạ thay từ lúc đó anh chàng kêu được ra tiếng và cà nhắc đi về nhà. Sau sự việc, bố mẹ của chàng thanh niên nghịch ngợm này đã phải sắm lễ lên đền, khẩn cầu thánh tha thứ cho cái việc “trẻ đầu xanh lỡ nghịch dại”.
Cánh cửa hậu cung đầy bí ẩn, khiến ai cố tình bước qua đều gặp tai ương. |
Một người khác tự nhận mình gặp phải những tai ương ghê gớm hơn vì dám phạm kỵ húy ở đền Cao là bà Lương Thị Cải (người huyện Nam Sách, lấy chồng thôn Đại). Cuối năm 2010, bà dâng một mâm lễ lên đền gồm toàn những món chay do người con dâu cả của bà bày biện. Bà Cải thuật lại bà không nhớ ngày hôm trước người con dâu này vừa phải về quê để làm lễ “sang cát” cho bố đẻ, trong khi một đại kỵ khác khi dâng lễ lên đền Cao theo tục lệ là người biện lễ tuyệt đối trước đó ít ngày không được dính vào chuyện tang trở.
“Xăng xái đội lễ lên đền, vừa bước vào cửa thánh và có cảm giác tôi chỉ sượt qua rất nhẹ mà đôi lục bình nặng chịch trên ban thờ bỗng rơi vỡ tan tành. Lúc ấy tôi sợ đến tái mét cả mặt mày nhưng nghĩ mình vô tình làm vỡ lọ nên chỉ kêu cầu xin lỗi thánh về việc đó thôi, đâu ngờ thánh quở về việc khác”, bà Cải thuật lại.
Ngày đó cứ nghĩ rằng mình phạm lỗi làm vỡ lục bình của đền nên người phụ nữ này đã cung tiến trả đền những lọ lục bình khác nhưng chỉ được dăm ngày là những đồ đền bù này lại rơi vỡ hoặc sứt mẻ. Trong suốt nửa năm sau đó gia đình bà liên tục gặp tai ương: người con trai cả hành nghề lái xe đường dài đã hàng chục năm, bỗng gây tai nạn liên tiếp, không đến nỗi chết người những cũng phải bán cả xe để trang trải. Người con trai thứ thì làm ăn gặp thất bát, bị bạn hàng lừa mất cả tỉ đồng rồi bỏ trốn.
Đen đủi nhất là người con trai út, anh này đang đi chơi với bạn bè thì gặp hai băng nhóm đuổi đánh nhau, chẳng hiểu nhìn gà hóa cuốc thế nào mà trong đám đánh nhau có người tưởng nhầm anh là đối thủ nên bị đánh nhầm, bị trận đòn thừa sống thiếu chết phải đi viện khâu hàng chục mũi trên đầu, lại gặp nhiều rắc rối khi bị cơ quan công an gọi lên làm việc mấy lần vì nghi có liên quan đến hai băng nhóm côn đồ đó.
Thấy gia đình gặp nhiều tai họa bất thường, bà mẹ tìm gặp người làng để hỏi ý kiến và soát xét lại mọi việc từ đầu, cuối cùng đã phát hiện ra sơ xuất vì đã dùng lễ do người con dâu có tang sửa soạn. Một lần nữa, bà lại biện lễ lên đền thống thiết kêu cầu và từ ngày đó gia đình bà không gặp thêm tai ương gì nữa. Bà nói, bây giờ mình gần như đã thành “người nhà đền”, gặp việc gì cũng lăn xả vào làm, không bao giờ dám quản ngại, chỉ mong thánh “chứng” cho lòng thành.
Một trong những điều cấm kỵ của ngôi đền là không được ngồi lên lưng đôi voi và ngựa trước cổng đền. |
Người trong khu vực còn rỉ tai nhau việc cấm kỵ ngồi lên lưng đôi voi và ngựa bằng đá chầu trước cửa đền. Điều cấm kỵ này xuất phát từ sự việc một nhóm thanh niên từ trên huyện về đền dám “cưỡi voi tranh với thánh”. Chuyện xảy ra vài năm trước khi nhóm thanh niên dạo quanh thăm thú cảnh đền, chụp ảnh rồi một thanh niên hứng khởi muốn có bức hình mình đang cưỡi voi đá ngựa đá.
Dù người nhà đền đã hết sức ngăn cản nhưng rình lúc không ai trông coi, cậu thanh niên vẫn cố tình ngồi lên lưng một chú voi để chụp vội kiểu ảnh. Mọi chuyện vẫn bình thường đến khi nhóm thanh niên rời đền ra về. Vừa bước khỏi cổng đền, cậu thanh niên bị trúng gió bỗng ngã vật ra đất, miệng sùi bọt mép, được đưa tới bệnh viện nhưng cả đời chịu cảnh bị liệt nửa người bên phải.
Những người cao niên trong làng kể: từ những năm khi thực dân Pháp xâm lược, vùng đất này luôn là nơi bị giặc càn quét và có những đêm từ bên kia sông giặc bắn sang đến hàng trăm quả đại bác nhưng chưa từng một quả đạn nào rơi vào khu vực đền Cao. Đó là lý do khiến ngôi đền có tuổi thọ hàng ngàn năm mà vẫn giữ nguyên được bài vị thờ thánh, ngọc phả và 12 đạo sắc phong từ thời tiền Lê để lại.
Một người già khác cho biết, còn có một “khu vực cấm” khác trong ngôi đền là lạch nước ngăn cách ban thờ thánh bày các loại vũ khí và cửa hậu cung được coi như “biên giới” của người đi lễ. Dù lạch nước chỉ rộng chưa đầy 10 cm nhưng dân trong thôn chưa bao giờ từng dám bước qua ranh giới đó. Khách thập phương khi đến đây cũng được nhắc nhở cẩn thận để không phạm vào cấm kỵ này.
Theo Pháp Luật Việt Nam