Người dân cho biết vẫn thường thấy hai anh em cháu Đức – Đạt bị cậu ruột dẫn đi ăn xin và thậm chí cho hít “keo chó” để có gương mặt đờ đẫn, ngây dại, dễ xin tiền. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn nói “chưa đủ cơ sở xử lý”.
Ép đi ăn xin cũng là tái phạm
Thông tin cháu Trịnh Nguyễn Thành Đức (3 tuổi, ngụ P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM) bị người thân bạo hành và ép đi ăn xin gây phẫn nộ trong dư luận. Nhiều người bày tỏ mong muốn cháu Đức và anh trai là cháu Đạt có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng những ngày qua, sự việc đang “dẫm chân tại chỗ” khi anh em cháu Đức vẫn tiếp tục bị cậu dắt đi ăn xin.
Tại chùa Giác Nguyên nằm cuối đường 41 thuộc P.8, Q.4, TPHCM, người dân cho biết họ nhìn thấy anh em cháu Đức bị cậu ruột là Trịnh Đắc Hòa cho hít “keo chó” là một loại chất gây nghiện, sinh ảo giác, dẫn đến phê thuốc rồi nằm lăn ra ngủ trên ghế đá. Khi phóng viên tìm đến thì anh em Đức đã bị Hòa đưa đi. Người dân phán đoán, Hòa cho hai đứa trẻ hít “keo chó” để khuôn mặt ngây ngây, dại dại, lờ đờ, dễ lấy được sự thương cảm của người đi đường.
Không chỉ “mưu sinh” tại chùa Giác Nguyên, Hòa còn bị bắt gặp dắt hai cháu lang thang xin ăn dọc các tuyến đường Hoàng Diệu (thuộc P.2 và P.6, Q.4). Hai cháu nhỏ thường phải đi trong tình trạng trần truồng, đen nhẻm.Có người nhận ra cháu Đức và Hòa đã chạy đến níu áo Hòa hỏi “mày lại ép cháu mày đi ăn xin phải không” thì Hòa nói là Đức và Đạt đang đi với mẹ chứ không đi theo mình.
Chúng tôi đem câu chuyện cháu Đức lại bị ép đi ăn xin phản ánh đến Công an P.Tân Hưng, công an chỉ ghi nhận những thông tin báo chí cung cấp và hứa sẽ phối hợp với công an các phường thuộc địa bàn Q.4 làm rõ.
Đủ cơ sở xử lý người cậu
Người dân mong mỏi tách 2 cháu khỏi đối tượng Hòa để các cháu có cuộc sống tốt hơn
Theo khoản 2 Điều 69 BLHS, nếu tỉ lệ thương tật của bé Đức dưới 30% (dưới 11% ứng với tội ít nghiêm trọng – khoản 1 Điều 104 BLHS; từ 11%–30% ứng với tội nghiêm trọng-khoản 2 Điều 104 BLHS) thì Hòa sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu tỉ lệ thương tật của bé Đức từ 31% trở lên, ứng với tội rất nghiêm trọng, nếu thấy cần thiết có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hòa. Vì vậy, cơ quan công an cần phải cho giám định pháp y thương tích của cháu Đức. Nếu thương tích chưa đủ xử lý theo luật mà đối tượng bị xử phạt hành chính thì việc tái phạm sẽ được xử lý nghiêm hơn.
“Cần tránh tình trạng đánh giá sai tính nguy hiểm của sự việc mà có thể gây nên sự vi phạm nghiêm trọng hơn. Theo quan sát mức độ tăng dần của các hành vi mà Hoà thực hiện với cháu Đức đồng thời theo lời khai của Hoà, nguyên nhân việc thực hiện hành vi này là do kích thích từ việc hít “keo chó”thì chưa biết được hậu quả đối với cháu Đức sẽ còn đến mức độ nào. Rất cần thiết địa phương phải có hành động phù hợp nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm hơn xảy ra như cách ly, thậm chí củng cố hồ sơ đưa Hoà vàotrường giáo dưỡng”, luật sư Công nói.
Công Quang
Nguồn: Dân Trí