Trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc truy quét và trừng phạt người lan tin đồn trên internet, cư dân mạng nước này cho rằng, không chỉ người dân, mà cả chính quyền cũng tung tin đồn. Vì thế, họ đang tìm cách quay gương chiếu lại giới quan chức, tạp chí Mỹ Foreign Policy dẫn báo chí Trung Quốc.
|
Chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực truy quét tin đồn online. Ảnh: FP. |
Gần đây nhất, chính quyền Trung Quốc áp dụng quy định phạt tới 3 năm tù đối với những blogger đăng tin đồn, bôi xấu mà được đọc hơn 5.000 lần hoặc được chia sẻ hơn 500 lần.
Sau đó, nhiều cư dân mạng Trung Quốc nêu ra những trường hợp mà chính quan chức hoặc báo chí nhà nước đăng tin sai. Kết quả là có hai loại tin đồn: Tin đồn do cư dân mạng đăng tải (gọi là minyao) và tin đồn chính thức (guanyao) do chính quyền đưa ra.
Theo Baidu, công cụ tra cứu phổ biến nhất ở Trung Quốc, thuật ngữguanyao xuất hiện từ đầu tháng 9, khi chiến dịch truy quét thế giới mạng của chính quyền được thúc đẩy mạnh mẽ. Từ đó, thuật ngữ này được cư dân mạng sử dụng ngày càng rộng rãi để phàn nàn chuyện nói dối của quan chức. Biểu hiện điển hình nhất là khi quan chức hay báo chí nhà nước phản ứng với những lời cáo buộc sai bằng cách phủ nhận hoặc cáo buộc lại.
Hôm 18/10, báo Beijing News đăng một biểu đồ mô tả 6 kiểu tin đồn chính thức, gồm “lừa dối hành vi”, “chỉ thú nhận sự thật sau khi chính quyền cấp cao hơn can thiệp”, “che giấu”, “không nhận lỗi sau khi xem video bằng chứng”, “tự lừa dối” và “phản công”.
Báo Beijing News nêu sự “ngã ngựa” của Liu Tienan, cựu Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA), là ví dụ cho kiểu “phản công”. Tháng 12/2012, nhà báo Luo Changping cáo buộc trên mạng xã hội Sina Weibo rằng, ông Liu nhận hối lộ. Kết quả là ông này bị mất chức và bị điều tra vào tháng 5. Nhưng trước đó, văn phòng báo chí của NEA khẳng định, cáo buộc chống lại ông Liu chỉ là tin đồn vu khống.
Đối với trường hợp “che giấu”, Beijing News nêu trường hợp Tian Hongzhi, cựu lãnh đạo cơ quan tuyên truyền của thành phố Xiangcheng, tỉnh Hà Nam. Vào buổi tối tháng 5, một câu lạc bộ đêm ở thủ phủ Trịnh Châu treo biển gắn đèn neon dâm dục với dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng Cục trưởng Tian”. Cuối tháng 5, một bức ảnh chụp tấm biển này nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.
Phát ngôn viên của chính quyền thành phố nói rằng, không có cục trưởng nào họ Tian rời thành phố vào buổi tối hôm đó, nhưng kết quả điều tra sau đó cho thấy ông Tian có mặt ở hộp đêm. Ông Tian bị mất chức và bị kỷ luật ngay cuối tháng 5.
Báo China Youth Daily cho rằng, hình phạt đối với ông Tian “là đáng biểu dương, nhưng trong quá trình đó có người đã nói dối người dân, và người đó không bị trừng phạt. Điều đó không nên xảy ra”.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng minyao, kiểu tin đồn của dân chúng, rất phổ biến trên các mạng xã hội Trung Quốc như nhiều nước khác. Theo các chuyên gia, quan chức và dân thường đều dễ có xu hướng bẻ cong hoặc xuyên tạc sự thật, nhưng khi quan chức làm điều đó, họ có quyền lực để có thể che giấu.
Như một bài báo hôm 20/10 trên Chongqing Times giải thích: “Có lẽ quan chức có quyền. Nhưng quyền lực không đại diện cho sự thật, và ít nhất là cũng có lúc quan chức dùng quyền lực để che giấu sự thật”. Cư dân mạng Yan Zuyou viết trên Weibo: “Để phạt người dân tung tin đồn thì trước tiên phải phạt quan chức tung tin đồn”.
Theo Trúc Quỳnh
Tiền Phong/Foreign Policy
Nguồn: Dân Trí