Tinh Hoa

JSA và giấc mơ của người Triều Tiên

Bộ phim “JSA” (*) của đạo diễn Park Chan Wook là bộ phim có doanh thu cao nhất trong năm 2000 – 2001 của điện ảnh Hàn Quốc.

(*) Joint Security Area – “Khu vực an ninh chung”

Đáng ngạc nhiên là với phong cách của một bộ phim phục vụ thị trường, nhưng thành công của “JSA” lại ở thông điệp sâu sắc về giấc mơ thống nhất của người dân Nam – Bắc Triều Tiên, qua câu chuyện buồn về 4 người lính ở 2 bên chiến tuyến (2 binh sĩ Hàn Quốc: Lee Soo-hyeok, Nam Sung-shik và 2 binh sĩ Triều Tiên: Jeong Woo-jin và Oh Kyeong-pil).

Năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ nhưng bức tường vô hình ngăn cách 2 miền Triều Tiên ở vĩ tuyến 38 độ Bắc vẫn sừng sững, không khí chiến tranh luôn hiện hữu nơi biên giới.

Trong một đêm, nhiều tiếng súng nổ ra từ trạm gác của Triều Tiên, 2 lính Triều Tiên chết tại chỗ và 1 lính Hàn Quốc bị thương. Tiếp theo đó là cuộc đấu súng quyết liệt diễn ra ở khu  phi quân sự (Demilitarized Zone – DMZ).

Kể từ ngày 27/71953, khi hiệp định đình chiến được ký kết, DMZ được xác lập, hai bên đã đồng ý rời quân đội ra xa cách đường phân chia lãnh thổ 2km).

Sophie Jang – đại diện quân đội Thụy Sĩ tham gia Ủy ban giám sát trung lập được cử đến điều tra sự thật. Không bên nào cho cô một cái nhìn chính xác về sự thật đã diễn ra. Thế nhưng, cô dần phát hiện những câu chuyển khó có thể tưởng tượng. Trạm gác xảy ra vụ án vùng DMZ lại chính là nơi chứng kiến tình anh em, nghĩa đồng bào của những người lính ở 2 bên chiến tuyến.


Khát vọng thống nhất cháy bỏng và tấn bi kịch


Cả 4 người (Lee Soo-hyeok, Nam Sung-shik, Jeong Woo-jin và Oh Kyeong-pil) đều là “những người Triều Tiên”, với nghĩa của từ này dùng để nói về một dân tộc. Họ gặp nhau trong một tình huống không thể ngờ.

Lee Soo-hyeok và Nam Sung-shik bị tụt lại phía sau đơn vị trong một cuộc tuần tra và lạc vào một bãi mìn ở khu DMZ. Trong một lúc bất cẩn, chân của Lee Soo-hyeok chạm phải sợi dây kích nổ mìn khiến anh “đứng chết” tại chỗ, vì chỉ cần rụt chân lại quả mìn sẽ phát nổ. Thật may mắn, họ được giải cứu, nhưng không phải do đồng đội mà là 2 người lính Triều Tiên Woo-jin và Oh Kyeong-pil.

Sau lần chết hụt đáng nhớ đó, Lee Soo-hyeok và Nam Sung-shik không ngừng tò mò về những ân nhân bên kia chiến tuyến. Họ bạo dạn gửi thông điệp làm quen trước. Dần dà, họ trao đổi với nhau qua những bức thư… bọc vào đá và ném qua giới tuyến.

Bức ảnh kỷ niệm giữa Lee Soo-hyeok (giữa, do Lee Byung Hun thủ vai) với Oh Kyeong-pil (trái) và Jeong Woo-jin (phải).

Đến một ngày, khi câu hỏi “những người có cùng dòng máu thì chơi với nhau có gì sai?” không ngừng thôi thúc, họ liều lĩnh vượt qua cây cầu giới tuyến và đem quà tặng cho nhau. Khi bàn chân Nam Sung-shik chần chừ trước mốc phân định giới tuyến, Lee Soo-hyeok nói: “Sau nửa thế kỷ chia cắt… để thay đổi lịch sử đau đớn và tủi nhục, chúng ta sẽ phá ranh giới để thống nhất đất nước. Được chứ?”… Và 2 đôi chân đã cùng bước qua. Kể từ đó, những vụ vi phạm kỷ luật quân đội như vậy đã thường tái diễn ra cho tới khi vụ án xảy ra.

Có lẽ, những buổi “giao lưu” xuyên giới tuyến đã giúp “JSA” làm nên sự khác biệt. Trên thực tế, có nằm mơ cũng không thể có cảnh 2 người lính Hàn Quốc ở cùng với 2 người lính Triều Tiên ở trong cùng một ngôi nhà để nói về thể thao, âm nhạc, các thần tượng, bạn gái, gia đình…

Tuy nhiên, câu chuyện kết thúc không có hậu, cũng như số phận người dân 2 miền Triều Tiên vẫn chịu cảnh chia cắt lâu dài. Không chỉ 2 người lính Triều Tiên (Woo-jin và 1 sĩ quan khác) bỏ mạng, mà lần lượt, Nam Sung-shik và Lee Soo-hyeok đều tự tìm đến cái chết, dù đã sống sót khỏi làn đạn giao tranh trong đêm định mệnh. Cái chết của họ không chỉ do dằn vặt mà còn là sự tuyệt vọng vì giấc mơ không thành, giấc mơ thống nhất đất nước.

“Vì lẽ gì mà những người có cùng dòng máu lại chĩa súng vào nhau?”, câu hỏi khiến người xem không khỏi day dứt.

Câu chuyện khiến hàng triệu người cảm động

Các tình tiết trong bộ phim có thể dựa trên một vài sự thật từng xảy ra ở khu DMZ, vĩ tuyến 38 độ Bắc, cũng có thể hoàn toàn là hư cấu trong kịch bản. Nhưng khát vọng thống nhất đất nước của người Triều Tiên, dù ở bên nào đều không thể phủ nhận.

Có thể thấy bộ phim có một phong cách đồng nhất trong dàn cảnh, dựng phim, sử dụng biểu tượng. Đặc biệt, với các đoạn phân tích tâm lý nhân vật, có thể thấy các cảnh lia máy và quay cận trực diện từng gương mặt được sử dụng phổ biến. Cách dùng cảnh mang tính tương đồng về khuôn hình, hoặc về nội dung để chuyển hướng sang các khoảng thời gian khác nhau của câu chuyện cũng khá quen thuộc trong phim.

Ngoài ra, bộ phim cũng để lại nhiều đoạn hội thoại và biểu tượng sâu sắc. Như khi Oh dạy Lee khi thi thao tác súng nhanh. “Điều quan trọng trong chiến đấu, không phải là tốc độ. Kỹ năng chiến đấu cũng không phải. Mà là tinh thần bình tĩnh và khả năng kiểm soát tình hình”.

Triết lý này cũng được hình tượng hóa bởi hình ảnh cái chốt cài quả mìn suýt cướp mạng Lee và Nam, sau này được đạo diễn gửi gắm xuất hiện trở lại trên tay Lee. Đáng tiếc, Lee đã không vận dụng được bài học mà Oh dạy mình.

Qua bộ phim, người xem có thể nhận ra nhiều biểu tượng của cuộc chiến tranh Triều Tiên cách đây gần 60 năm: Đó là khu phi quân sự DMZ thuộc vĩ tuyến 38 cắt ngang hai miền Triều Tiên, dài 248km, rộng 4km – nơi không có xe tăng, vũ khí hạng nặng. Đó là trại Bonifas, căn cứ của quân đội Liên Hợp Quốc với nhiều dãy nhà thấp một tầng. Ba dãy nhà màu xanh dương – chính là phòng hội nghị với chiếc bàn nâu lịch sử nằm giữa đường phân chia tạm thời Nam – Bắc Triều Tiên, mỗi nửa căn nhà và chiếc bàn nằm trên lãnh thổ mỗi bên. Đặc biệt là một cây cầu nhỏ, dài khoảng 50m, băng ngang giới tuyến. Cây cầu mang tên “Tự do”, chính là nơi dùng để trao đổi tù binh, điệp viên của 2 bên.

Một bức ảnh được chụp từ đầu phim, vô tình có cả 4 nhân vật chính, để cuối phim mới xuất hiện trở lại. Có thể, đây là thông điệp mà đạo diễn Park Chan Wook gửi gắm: Họ (Lee Soo-hyeok, Nam Sung-shik, Jeong Woo-jin, Oh Kyeong-pil) có thể là nhân vật hư cấu nhưng đều là những đại diện của người dân 2 miền Nam – Bắc Triều Tiên.

Trên không gian ấy, câu chuyện tình anh em của 4 con người vượt các bãi mìn, hàng rào dây kẽm gai, ngổn ngang các khối bê tông chặn xe tăng dọc theo biên giới và đặc biệt là giải phân cách nặng nề hơn đường thẳng sơn vàng ở cây cầu giới tuyến khiến hàng triệu người xem xúc động.

Riêng tại Hàn Quốc, bộ phim thu hút 7 triệu người xem, không chỉ bởi được đầu tư gần 1 triệu USD cho việc xây dựng bối cảnh. Với cách kể chuyện hấp dẫn và nội dung xúc động, bộ phim đã phản ánh giấc mơ thống nhất của người dân hai miền Nam – Bắc Triều Tiên, chạm vào chủ đề nhạy cảm nhất bằng những chi tiết nhân văn nhất.

Dù không “ăn khách” như các bộ phim cùng chủ đề “Cờ Thái Cực”, “JSA” – bộ phim xuất sắc nhất tại LHP Deauville 2001 vẫn là một tác phẩm giúp chúng ta hiểu về chiến tranh Triều Tiên và một phần hệ quả của nó.

theo baodatviet