Cuộc điện đàm lịch sử giữa Tổng thống Barack Obama tới Tổng thống Iran Hassan Rouhani có thể là dấu hiệu cho thấy sự nghi hoặc giữa Washington và Tehran sẽ chấm dứt. Hoặc cũng có thể là không.
Cuộc đối thoại đã diễn ra, và khó có thể coi đó là thứ tạo nên huyền thoại.
Tuy nhiên, sau 34 năm không đối thoại thì ngay cả các cuộc đối thoại nhã nhặn chiếu lệ và tẻ nhạt trống rỗng như vậy trong cuộc điện đàm 15 phút cũng là những dấu hiệu cho thấy một sự sụp đổ trong mối hoài nghi và giận giữ chồng chất suốt sáu thập kỷ qua.
Lịch sử rắc rối
Để hiểu được nguồn cơn của sự chia rẽ này cũng tựa như việc cố chen chân qua một sân trường inh ỏi, mà mỗi bên đều hô lên rằng người kia mới là kẻ bắt nạt và khởi đầu xung đột.
Tổng thống Mỹ Obama điện đàm cho Tổng thống Iran Rouhani tuần qua. |
Một bên hét lên rằng: “Các người đúng là những kẻ Sa tăng khổng lồ”
Bên kia đáp lại: “Các người đúng là trục Ma quỷ”
Những cuộc thảo luận sau đó trong các hoàn cảnh như vậy thường không có hiệu quả gì.
Với hầu hết người Mỹ, lịch sử ảm đạm trong mối thù hằn với Iran bắt đầu từ năm 1979, với một cuộc cách mạng và khủng hoảng kéo dài 444 ngày, và nhiệm kỳ suýt sa lầy của Tổng thống Jimmy Carter.
Trong hình dung chung của mọi người, Iran là quốc gia với các giáo sĩ đã tạo nên ấn tượng về một nước Mỹ vô đạo đức và suy đồi, một quốc gia tài trợ cho các tổ chức mà Mỹ coi là khủng bố như Hezbollah, thậm chí còn muốn thổi bay Israel ra khỏi bản đồ và có thể đang chế tạo bom nguyên tử để thực hiện mục tiêu đấy.
Iran được cho là đứng sau vụ đánh bom tòa tháp Khobar năm 1996 ở Ả Rập Xê Út, khiến 17 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Mỹ cho rằng Iran cung cấp vũ khí cho phiến quân Afghanistan để chống lại binh sĩ Mỹ, và hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Syria.
Vậy nên, Washington nghĩ rằng làm sao họ có thể thử và kết bạn với một Iran như vậy?
Về phía Iran, hành động mở màn được cho là sớm hơn một chút – đó là vào năm 1953, khi CIA giúp tổ chức một cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính quyền Thủ tướng Mohammad Mossadeq được bầu một cách dân chủ, và hậu thuẫn chính quyền Shah Reza Pahlavi chuyên đàn áp tàn bạo.
Kể từ đó, Tehran luôn cho rằng Washington nhúng tay vào mọi chuyện.
Và một âm mưu như vậy thực sự đã diễn ra.
Chính Mỹ đã hỗ trợ nhiệt tình cho Iraq trong cuộc chiến với Iran những năm 1980, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hóa học khiến 5.000 người thiệt mạng.
Washinton cũng tấn công các kho dầu của Iran tại Vịnh Ba Tư năm 1987 và bắn hạ một máy bay dân sự của Iran năm 1988 dù có thể là do không may.
Cũng là Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt lên Iran và nói đi nói lại về ‘củ cà rốt và cây gậy’ mà cựu giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Mohammad El Baradei đã chỉ ra là không tác dụng gì từ nhiều năm trước.
“Các anh không thể đối xử với Iran như là con lừa chỉ với cà rốt và cây gậy” – ông El Baradei nói.
Khi Tehran thật sự nỗ lực và muốn xoa dịu căng thẳng vào năm 2003 bằng cách tự dừng chương trình làm giàu uranium của mình, Washington lại từ chối khi đáp lại theo kiểu: áp đặt lệnh trừng phạt và xếp Iran chung với Triều Tiên và Iraq trong ‘Trục Ma quỷ’.
Tehran nghi ngờ rằng Washington vẫn đang tìm cách lật đổ chính quyền của họ giống như những gì từng xảy ra năm 1953, và muốn đảm bảo dứt khoát rằng không có chuyện ‘thay đổi chính quyền’ ở đây.
Để cả hai trở lại các mối quan hệ như bình thường thì đó quả là đường còn rất, rất dài.
Chính trị là vấn đề của mỗi quốc gia
Nhưng, cuộc hội đàm rõ ràng và quả thực đã xác lập một bước đi đầu tiên tích cực.
Nhưng vấn đề lớn cho cả đôi bên chính là không bên nào muốn mắc lỡm.
Theo giáo sư về quan hệ quốc tế tại Harvard là Stephen Walt, ‘Mỹ và Iran đang đối mặt với một vấn đề kinh điển trong quan hệ quốc tế (và nhiều hình thức mặc cả khác): Do đối phương có thể lừa phỉnh hoặc giả trá, nên làm thế nào để mỗi bên có thể hiểu được rằng động thái có vẻ thân thiện đó là chân thành?”
Nhưng Walt nghĩ rằng đã tới lúc dừng sự nghi kị đó lại, dựa trên đánh giá của ông về thuyết ‘các dấu hiệu đắt giá’.
“ Không giống như ‘kiểu nói chuyện vô bổ’, một dấu hiệu đắt giá là một hành động trong đó có chứa đựng chi phí hoặc rủi ro cho người phát đi tín hiệu, do đó, đây là một tín hiệu mà người phát đi có thể sẽ không gửi nếu như họ không thực sự muốn làm vậy”- giáo sư Walt nói.
Cả ông Rouhani và Obama đều đang đối mặt với làn sóng phản đối xoa dịu căng thẳng với đối phương ở trong nước, và tất nhiên, việc cải thiện quan hệ giữa đôi bên sẽ chẳng dễ dàng và thuận lợi ở cả hai quốc gia.
Những phỏng đoán về việc hai Tổng thống có thể gặp nhau tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đều trật lất khi có thông tin cho hay, trợ lý của ông Rouhani nghĩ rằng chỉ riêng khả năng ‘bắt tay’thôi cũng là ‘quá phức tạp’.
Tờ báo Kayhan của Iran bày tỏ sự kinh hãi rằng ‘trong một khoảnh khắc nào đó, bàn tay sạch sẽ của Tổng thống của họ có thể bị siết chặt trong bàn tay dính đầy máu’ (của ông Obama).
Thực tế, khi ông Rouhani trở về Tehran sau bài phát biểu đầy lôi cuốn tại Đại Hội đồng LHQ, ông đã bị một nhóm nhỏ người biểu tình ném trứng và dép. Đó là những người không muốn chứng kiến cảnh Iran kết bạn với Washington.
Tương tự, ông Obama cũng hứng chịu những ngôn từ không khác gì trứng và dép mà ông Rouhani nhận được. Khi tranh cãi với Nghị viện về chương trình y tế và khả năng chính quyền sụp đổ, những người phản đối đã chỉ trích ông đang sẵn lòng đối thoại với Iran hơn là với phe đối lập.
Đến lượt Israel cũng không chịu ngồi yên trước cách tiếp cận của Washington với Tehran lần này.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã liên tục gọi những lời đề nghị của ông Rouhani là ‘xảo trá’. Theo truyền thông Israel, ông Netanyahu đã yêu cầu các phụ tá không được bình luận về cuộc đàm thoại giữa Obama và Rouhani, mà chính ông sẽ trực tiếp có bài phát biểu một ngày sau đó tại LHQ.
Ngài Thủ tướng Israel đã có bài phát biểu tại LHQ với hình minh họa về chương trình hạt nhân của Iran đầy sống động vào năm ngoái.
Iran thì kiên quyết rằng họ không phát triển vũ khí hạt nhân, và uranium làm giàu chỉ để phục vụ mục đích hòa bình.
Tehran hiện vẫn tham gia vào Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân, và tình báo Mỹ có đưa tin rằng họ không có bằng chứng gì cho thấy Iran đang phát triển bom hạt nhân.
Nhưng điều này cũng chẳng dập tắt mọi chỉ trích.
“Còn phụ thuộc rất nhiều vào việc mọi người nghĩ là ông Obama và Rouhani kiểm soát các vấn đề chính trị trong nước tới đâu và giải thích cho các bên liên quan rằng tại sao một thỏa thuận lại tốt hơn cho mỗi bên” – giáo sư Walt nói.
Tờ New Yorker có viết rằng các nhà lập pháp phe Cộng hòa đã cảnh báo rằng Tổng thống Rouhani không hề bắt tay với Tổng thống Obama.
Chuyện này có vẻ như sẽ không mấy êm xuôi, đặc biệt là với Tổng thống Mỹ. Hay nói như giáo sư Walt: “Ông Rouhani có thể sẽ có khoảng thời gian dễ chịu hơn nhiều so với ông Obama”.
Theo Lê Thu (VietNamNet)