Jimmy Wales, nhà đồng sáng lập Wikipedia, nói rằng ông đã gặp các quan chức Trung Quốc trong vài dịp để bàn về vấn đề kiểm duyệt trang web.
HONG KONG – Tại hội nghị Wikimania năm nay, hội nghị của hàng trăm biên tập viên Wikipedia, đề tài thảo luận nổi bật là sự kiểm duyệt ở một vài quốc gia đã can thiệp vào sứ mệnh của trang web nhằm cung cấp thông tin miễn phí và có chất lượng cao đến mọi người.
Hội nghị năm nay được tổ chức tại Hồng Kông, nơi được hưởng sự tự do ngôn luận. Thật rõ ràng rằng bách khoa toàn thư miễn phí này đang đối mặt với sự kiểm duyệt ở Trung Quốc đại lục, nơi thường xuyên chặn những vấn đề bị cho là quá nhạy cảm khỏi người dùng Internet
Jimmy Wales, nhà đồng sáng lập Wikipedia, nói rằng ông đã gặp các quan chức Trung Quốc trong vài dịp để bàn về vấn đề kiểm duyệt trang web.
“Điều chủ yếu mà chúng tôi cố gắng làm là duy trì một số kênh thông tin có nội dung mở, vì vậy chúng tôi không muốn Wikipedia bị chặn thình lình sau một đêm mà không được báo trước.”. Wales nói với các phóng viên. “Nhưng tôi nghĩ hiện tại chúng tôi đang ở trong tình hình ổn định. Chúng tôi không chấp thuận việc nội dung Wikipedia bị sàng lọc như hiện nay, nhưng chúng tôi không thể làm gì để dừng điều đó lại.”
Kể từ năm 2004, Wikipedia đã bị chặn hoàn toàn ở Trung Quốc đại lục ít nhất bảy lần, một lần trong đó kéo dài từ năm 2005 đến 2007, khi những bài viết nhạy cảm hầu như đều bị kiểm duyệt. Việc sàng lọc nội dung, trong vài năm gần đây đã khiến một số công ty – đáng chú ý nhất là Google – rút lui khỏi đất nước này vào năm 2010.
Trong bài nhận xét mở đầu tại hội nghị, Wales cũng chỉ ra một số quốc gia khác như Nga đang đối mặt với những đe dọa ngày càng tăng nhắm vào tự do ngôn luận và sự đề phòng nên được duy trì nhằm giảm sự kiểm soát thông tin ở bất kỳ quốc gia nào.
Đó không chỉ là việc đưa một số thông tin cụ thể ra công chúng, mà còn là “nguyên tắc sâu xa thể hiện rằng việc tham gia vào quá trình sáng tạo lịch sử loài người là quyền con người của tất cả chúng ta.” Wales nói. “Đó không phải lệnh của chính quyền hành pháp ban từ trên xuống nhắm vào chúng ta, mà là chúng ta đều có cơ hội và quyền được tham gia vào việc đó.”
Hiện nay, có 120 ngôn ngữ với ít nhất 1,000 bài viết trên Wikipedia. Tám ngôn ngữ có hơn 1 triệu bài viết.
Có 718,000 bài viết bằng tiếng Trung Quốc, một con số không ấn tượng khi cân nhắc đến 600 triệu người Trung Quốc sử dụng Internet. Việc biên tập trang mạng tiếng Trung diễn ra phần lớn ở Đài Loan và Hồng Kông, theo sau ở vị trí thứ ba là Trung Quốc.
Một mạng lưới các cơ quan chính phủ tham gia vào quá trình kiểm duyệt Internet từ các ban ngành cấp cao cho đến chính quyền địa phương. Nhưng các trang mạng nước ngoài có thể phải đối mặt với trở ngại ngày càng tăng ở Trung Quốc, gần đây nhất là điều luật được ban hành vào tháng 12 yêu cầu tất cả người dùng Internet đăng ký bằng tên thật của họ, điều này khiến những trang như Wikipedia khó tuân thủ bởi các biên tập viên chỉ được nhận dạng bằng tên truy cập.
Trung Quốc có nhiều bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí, trang lớn nhất được vận hành bởi Baidu, một công ty công nghệ sở hữu công cụ tìm kiếm phổ biến nhất Trung Quốc. Nhưng những nhà phê bình nói rằng các bách khoa toàn thư này dựa vào một đội quân cộng tác viên vốn không tuân thủ yêu cầu về tính chính xác và công bằng, thêm nữa phụ thuộc vào sự kiểm duyệt chung.
Theo Charles Mok, một nhà lập pháp Hồng Kông chuyên nghiên cứu luật pháp trong lĩnh vực công nghệ – là nhà diễn thuyết chủ đạo trong hội nghị – nói rằng các công ty như Baidu được ưu ái nhiều từ chính phủ Trung Quốc: Việc giám sát và kiểm soát nội dung dễ dàng hơn khi chỉ có vài trang mạng lớn, thân cận với chính phủ
“Chiến lược của Trung Quốc thực chất là khuyến khích các công ty Trung Quốc tiếp quản.” Ông nói.
“Không phải là mọi công ty Trung Quốc, họ muốn chúng phải là các công ty lớn. Bởi nếu bạn là chính phủ và bạn muốn kiểm soát thông tin, bạn sẽ chỉ làm việc với vài công ty lớn hơn là 10,000 công ty nhỏ.”
Nhưng Mok nói rằng việc truy cập các trang mạng hiện nay không bị giới hạn nhiều như một thập kỷ trước, bởi Chính phủ Trung Quốc đã “hoàn thiện hệ thống”, cho phép nhiều tài liệu hơn được công khai, nhằm thể hiện tình hình đã tiến triển hơn.
Trong khi nhiều nhà phân tích nói rằng không thể dự đoán được tình hình kiểm duyệt thông tin của chính phủ Trung Quốc, một số người dùng lại có cái nhìn hy vọng vào tương lai ở Trung Quốc. Deryk Chan, người trước đây đã tham gia vào chi nhánh của Wikipedia tại Hồng Kông, nói rằng việc Trung Quốc nới lỏng sự hạn chế là một tín hiệu lạc quan.
“Bạn không thể giữ điều gì đó bí mật mãi mãi, không thể với một quốc gia lớn như Trung Quốc.” ông nói “và trong vài năm gần đây, chúng ta đã thấy thái độ của chính phủ Trung Quốc về việc bảo mật thông tin đang dần nới lỏng, bởi họ biết rằng họ không thể che đậy mọi thứ dưới cái mũ được nữa.”
Kể từ năm 2004, Wikipedia đã bị chặn hoàn toàn ở Trung Quốc đại lục ít nhất bảy lần, một lần trong đó kéo dài từ năm 2005 đến 2007, khi những bài viết nhạy cảm hầu như đều bị kiểm duyệt
(Theo smartplanet)