“Quan thì cứ lên chức là đổi nhà đổi xe, trong khi dân thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, trường không ra trường, lớp không ra lớp, đau xót lắm!”
Chiều 28/9, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe rất nhiều ý kiến của các cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), bày tỏ sự bức xúc trước vấn nạn tham nhũng gia tăng, giá cả leo thang, quan tham, dân khổ…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri quận Hoàn Kiếm chiều 28/9. |
Cử tri Nguyễn Văn Cung, phường Hàng Bài phản ánh với ĐBQH tình trạng giá cả leo thang với loạt các mặt hàng thiết yếu tác động mạnh đến đời sống dân sinh, như sữa, xăng, dầu, điện, nước, đến dịch vụ khám chữa bệnh…làm cho đời sống khó khăn, đặc biệt càng khó khăn hơn đối với người đã nghỉ hưu.
Mặc dù lương có tăng nhưng vẫn không lại được với giá, theo ông điều này cũng là tác nhân phát sinh các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. “Người dân chúng tôi mong mỏi các mặt hàng thiêt yếu phải được bình ổn” – ông Cung đề nghị.
Đề cập đến vấn đề giá sữa, bà Nguyễn Thị Bích Hợi, phường Hàng Đào phải thốt lên: “Giá sữa ngày càng tăng, trong khi lương lại thấp khiến người dân không mua được sữa cho trẻ em. Thật buồn vì hai Bộ Tài chính – Y tế lẽ ra phải có sự phối hợp tốt, đằng này lại đùn đẩy trách nhiệm, khiến người tiêu cùng phải chịu thiệt”.
Nói về giá cả, cử tri cũng đề cập đến tình trạng chênh lệch vàng giữa ta và thế giới quá cao, trước đây mức chênh lệch chỉ vài trăm đến một triệu, giờ có lúc chênh lệch lên tới 6 triệu. Đặt câu hỏi: phải chăng dân ta thừa tiền? cử tri đề nghị cần phân tích, đưa ra giải pháp điều hành vàng cho thực sự hiệu quả.
Dẫn dụ tình trạng chi lương khủng của các “sếp công ích” diễn ra ở TPHCM, cử tri cho rằng, việc phòng chống tham nhũng vẫn còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, cần khởi tố hình sự với tội danh này.
Ngoài ra cũng cần phải thống kê xem còn doanh nghiệp nào đang áp dụng mức lương “khủng” như vậy không? Những đối tượng ấy phải nghiêm trị để sâu mọt tham nhũng không còn hoành hành!
Cùng đề cập đến vấn nạn tham nhũng, cử tri Nông Quang Lộc, phường Hàng Mã cho rằng, sở dĩ người dân bức xúc vì những vụ án tham nhũng xử rất chậm và rất nhẹ. “Người ta sẵn sàng hi sinh đời bố để củng cố đời con, nhưng trên thực tế họ đã củng cố đến tận đời cháu, đời chắt rồi. Tôi đề nghị với các án tham nhũng cần xử đúng tội, và phải thu được toàn bộ số tiền đã bị tham nhũng” – ông Lộc nêu.
Hay vấn đề lãng phí hiện đang là bức xúc lớn cho xã hội, nhìn đâu cũng thấy xây dựng, đầu tư tràn lan, rồi khai thác tài nguyên khoáng sản rất lãng phí, thậm chí còn ăn cắp tài nguyên để bán ra nước ngoài.
“Cứ lên chức là đổi nhà, đổi xe trong khi đó cuộc sống của người dân lại rất khổ. Chúng ta có về miền núi, nông thôn ở vùng sâu vùng xa mới thấy day dứt. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, trường không ra trường, lớp không ra lớp. Đau xót lắm”. Ông Lộc đề nghị nếu không thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu.
Nhiều cử tri đau xót vì những ‘lớp học’ như thế này |
Đề cập đến vấn đề tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí, Tổng Bí thư nói, điều này đã nói nhiều quá rồi. Tham nhũng đã được ví như giặc nội xâm, quốc nạn, hay như con bạch tuộc, khiến cái gì cũng phải có bôi trơn, không thì việc không thành. Cái gì cũng tiền, đi học cũng tiền, xin việc cũng tiền…
Cho biết chế độ nào, xã hội nào cũng đều có, Tổng Bí thư nhấn mạnh, điều quan trọng phải phòng, và chống cho tốt. Đồng thời cũng phải có hệ thống giải pháp toàn diện, để làm sao người ta không dám tham nhũng, không thể tham nhũng lúc đó mới thành công. Nhưng đây là vấn đề lâu dài, và điều quan trọng là đội ngũ cán bộ, công chức phải giữ được chữ Liêm.
“Muốn bịt được vòi con bạch tuộc tham nhũng thì nhân dân cũng phải đồng tình giám sát, dũng cảm đấu tranh, rù rất gian nan. Điều này chúng tôi rất chia sẻ, và cũng buồn nếu không làm được. Mong các bác bình tĩnh, cùng nhau đồng lòng, nhất trí để làm. Nếu chỉ thấy một việc không làm được đã mất lòng tin thì rã lòng tin mất” – Tổng Bí thư nói.
Đề cập đến giá cả hàng hóa, Tổng Bí thư cho rằng, chúng ta đang phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, phải vận dụng tốt cơ chế thị trường và sự quản lý của nhà nước, nhưng điều này rất khó. Giá cả tăng còn do chịu tác động của giá thế giới, giá cả lúc cao lúc thấp là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, Tổng bí thư nhấn mạnh, nếu lợi dụng việc găm hàng tăng giá thì không được, và nhà nước phải can thiệp xử lý.
Theo Infonet (vtc.vn)