Được đồn thổi “thần dược” những loại cây cỏ bỗng chốc được người dân săn tìm và bán với giá “cắt cổ”. Chưa biết, tác dụng của chúng tơi đâu nhưng cơn sốt này đã khiến cho nhiều khu rừng bị tàn phá.
Cây mật nhân chữa “bách bệnh”
Hơn một tháng qua, người dân các xã Hưng Thủy, Sen Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đổ xô đi đào rễ cây cây mật nhân, được cho là chữa “bách bệnh”. Chính vì những tác dụng “thần dược” không có cơ sở khoa học và những món hời do cây mật nhân mang đến mà những địa phương này rộ lên phong trào đi đào rễ cây mật nhân. Rất nhiều người dân đổ xô vào các vùng cát, gò đồi để săn đào và tận thu rễ cây được cho là quý hiếm này.
Tại Phú Yên, trên những cánh rừng Hòn Đen, Buôn Kít thuộc 2 xã Sông Hinh và EaTrol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), mỗi ngày có đến gần trăm người vào rừng tìm mật nhân. Không chỉ người dân địa phương, các nơi như Tuy Hòa (Phú Yên), Bình Định, Khánh Hòa cũng lên đây tìm cây thuốc.
Thần dược cà leo gai
Để kiếm được thần dược quý, người dân sống tại thôn Tú Mỹ (Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam) đã thức dậy từ 4 giờ sáng, chạy xe máy hơn 70km vào các khu đồi núi ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam) để tìm cây cà gai leo.
Các vùng cao ở Thăng Bình, Tam Kỳ, Duy Xuyên… loại cây “thần dược” này đã hết nên nhiều người phải lên tận các vùng đồi núi của huyện Quế Sơn, Tiên Phước, thậm chí vào tận Quảng Ngãi hay ra Đà Nẵng để săn lùng. Lúc cao điểm, giá được đẩy lên hơn 20.000 đồng/kg khô, chỉ tính riêng thôn Phú Mỹ đã có đến 3 – 4 điểm thu mua cà gai leo.
Cây xáo tam phân
Nhiều người dân kéo nhau đến khu vực núi Gò Đá thuộc thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa, Phú Yên) để săn tìm một loạicây mà người dân gọi nó là “thần dược”. “Thần dược” đào chặt từ rễ đến cành, bán với giá 170.000đồng/kg rễ tươi và 40.000 đồng/kg cành nhánh tươi, có thời điểm giá rễ tươi “đẩy”lên đến 400.000 đồng/kg nhưng đã cạn kiệt không có để bán.
Sốt cây kim cương
Khi giá cây kim cương tươi tăng từ 500.000 đồng lên đến cả 1 triệu đồng/kg, nhiều dân tại huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và K’Bang (tỉnh Gia Lai) kéo vào rừng tìm kiếm lại cây được cho là “thuốc quý”.
Theo một người chuyên thu mua “thần dược” ở huyện Kon Plong, giá cây kim cương mọc trên đất khoảng 1-1,2 triệu đồng/kg, còn loại mọc trên đá chỉ 300.000 đồng. Họ nói rằng, cây kim cương trị được bệnh ung thư nên bà con đi tìm được bao nhiêu cũng “ôm” hết.
Hiện nay, trên thị trường có xuất hiện một loại cây được rao bán khắp nơi dưới cái tên “cây thần kỳ”. Theo giới thiệu, sau khi ăn quả này, ăn ớt cay cũng thấy ngọt, uống nước mắm cũng như uống nước đường. Ngoài ra, nếu uống rượu, bia thì chỉ cần ăn một quả thôi sẽ làm tăng “tửu lượng”, uống vào không thấy say.
Không chỉ có thế, loại quả của “cây thần kỳ” còn có tác dụng chữa bệnh như: Bệnh đường ruột, tiểu đường, cao huyết áp…, thậm chí còn hỗ trợ điều trị bệnh ung thư?! Tại các cửa hàng hay những vườn ươm giống của loại cây này lúc nào cũng rất đắt khách, thậm chí muốn mua còn phải gọi điện thoại đặt trước mới có.
Lược vàng bỗng thành “thần dược”
Còn nhớ cách đây hơn 3 năm, cả tỉnh Thanh Hóa xôn xao vì nghe tin có một loại dược liệu có thể chữa được bách bệnh, đó là cây Lược vàng (hay còn gọi là cây Lan Vòi, Lan rũ, Địa lan) thuộc những loài cây trồng làm cảnh.
Ban đầu theo lời đồn thổi về công năng vô hạn của loài cây này, nhà nhà kéo nhau đi xin, xin không được thì bỏ tiền ra mua, chẳng mấy chốc, cả TP. Thanh Hóa trở thành một vườn ươm cây Lược vàng. Tuy nhiên, sau đó, sự thật về công dụng thần diệu của loại cây này được giới khoa học sáng tỏ.
Theo D.A
VEF / Nguồn: Dân Trí