ICTnews – Quang phổ kế giúp phân tích cấu trúc hóa học của một đối tượng; GPS siêu chính xác giúp nâng tầm trải nghiệm thực tế ảo; và cảm biến khí gas là ba công nghệ sẽ có mặt trên smartphone trong tương lai không xa.
Chiếc smartphone mà chúng ta vẫn mang theo nó thường ngày đã được tích hợp rất nhiều chức năng thông minh, cho sức mạnh xử lý tương đương một chiếc máy tính. Nó giúp bạn chụp những bức ảnh đẹp như máy ảnh chuyên dụng, giúp bạn điều hướng đường đi, nhắn tin, gọi điện… Tuy nhiên, đó chưa phải là giới hạn mà smartphone có thể làm được. Trong tương lai không xa, với sự phát triển của công nghệ, smartphone sẽ còn thông minh hơn nữa. Và dưới đây là những công nghệ hữu ích, độc đáo hứa hẹn sẽ được tích hợp trên điện thoại trong thời gian tới. Quang phổ kế
Quang phổ kế là một công cụ thường được sử dụng trong nghiên cứu vật lý, hóa học, và sinh học. Nó được dùng để đo đặc tính của ánh sáng nhằm phân tích cấu trúc hóa học của một đối tượng. Từ trước tới nay, quang phổ kế thường có kích thước khá lớn và khó mang theo bên mình. Tuy nhiên, hạn chế này đang dần được khắc phục. Hồi năm ngoái (2014), công ty Consumer Physics giới thiệu một chiếc quang phổ kế cầm tay có tên Scio với khả năng phân tích phân tử của mọi loại vật liệu. SciO có thể cho người dùng biết độ chín của quả táo thông qua lớp vỏ, hay một món ăn nào đó chứa bao nhiêu calorie… (cái tên Scio trong tiếng la-tinh có nghĩa là “nhận biết”). Gần đây, trường đại học MIT cũng công bố rằng các nhà khoa học của họ đã phát triển thành công một quang phổ kế với kích thước đủ nhỏ để tích hợp vào camera của smartphone. Công cụ này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dùng smartphone trong tương lai. Quang phổ kế có thể giúp người dùng nhận biết tình trạng sức khỏe, xác định các chất gây ô nhiễm môi trường… một cách dễ dàng và chính xác. Nó cũng sẽ giúp bạn xác định hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn, cũng như các thành phần có trong các đơn thuốc mà họ sử dụng… GPS “siêu” chính xác
Công nghệ định vị (geolocation) đã được sử dụng rộng rãi trên smartphone hiện nay. Nhờ công nghệ này mà bạn có thể sử dụng Google Maps để điều hướng đường đi, dùng Uber để gọi ô tô, yêu cầu smartphone cho biết địa chỉ một nhà hàng nào đó… Tuy nhiên, công nghệ định vị trong tương lai hứa hẹn còn có tính chính xác cao hơn so với hiện nay, nhờ phần mềm định vị được phát triển bởi các kỹ sư của trường đại học “Texas at Austin”. Phần mềm này có thể nhận diện một vị trí nào đó rất chính xác, với độ sai lệch chỉ trong vòng ít cm. Đặc biệt, phần mềm hoạt động mà không yêu cầu các phần cứng đắt đỏ, mà dùng ngay các cảm biến antenna giá rẻ trong smartphone. Công nghệ này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa với người dùng cuối. Khi được đồng bộ với camera trên điện thoại, khả năng định vị GPS một cách siêu chính xác sẽ giúp bạn lập bản đồ 3D của môi trường xung quanh để trải nghiệm công nghệ thực tế ảo. Ngoài ra, GPS “siêu” chính xác còn có thể được dùng trong công nghệ ô tô, cho phép các ô tô “nhận” ra nhau để tránh va chạm không đáng có. Cảm biến gas
Đây là một loại cảm biến không dây giá rẻ được phát triển bởi các nhà hóa học tại đại học MIT. Nó có thể nhận diện ammonia dạng khí, hydrogen peroxide (nước ôxy già), cyclohexanone, và các khí nguy hiểm khác. Loại cảm biến gas này được cho là đã sẵn sàng để có mặt trên smartphone trong tương lai không xa. Đặc biệt, việc triển khai cảm biến gas hứa hẹn sẽ rất dễ dàng nhờ chi phí rẻ và khả năng hoạt động không cần dây cắm. Công nghệ này cũng hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dùng. Sử dụng cảm biến gas, bạn có thể dễ dàng nhận diện các chất hóa học có khả năng gây nổ. Cảm biến này cũng giúp bạn xác định xem môi trường xung quanh mình là trong lành hay độc hại. Kết hợp với công nghệ định vị, các dữ liệu từ cảm biến gas sẽ giúp chúng ta xác định các vị trí, khu vực nguy hiểm để có biện pháp đối phó. Một ứng dụng khác của cảm biến này là dùng để đo độ tươi của thực phẩm: bằng cách đo các chất hóa học mà thực phẩm phát ra, bạn có thể xác định được xem loại rau, củ mà mình định mua vẫn còn tươi hay đang trong quá trình thối rữa, hư hỏng. |
Theo ICTNews