Tinh Hoa

Trung Quốc lo Nhật hô “biến” tên lửa đẩy thành tên lửa đạn đạo liên lục địa

Lần đầu tiên Nhật Bản đã phóng thành công tên lửa nhiên liệu rắn “Epsilon” sau gần 12 năm ngưng sử dụng. Tên lửa này đã mang theo một vệ tinh nghiên cứu khoa học hạng nhẹ vào không gian đã định sẵn từ trước.

Theo Kyodo News, lúc 14h ngày 14-09, cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã phóng một quả tên lửa nhiên liệu rắn kiểu mới, mang tên “Epsilon” tại Viện quan trắc không gian vũ trụ Uchinoura, nằm ở tỉnh  Kagoshima.

“Epsilon” là loại tên lửa đẩy nhiên liệu rắn thế hệ mới của Nhật Bản được phóng lần đầu sau gần 12 năm. Đây là tên lửa thế hệ kế tiếp tên lửa nhiên liệu rắn M5 do nhật Bản nghiên cứu chế tạo đã ngưng sử dụng từ năm 2006. Giá thành nghiên cứu cho tên lửa này khoảng 37 triệu USD, bằng một nửa chi phí cho M5, giá thành phóng cũng thấp hơn.

Tên lửa “Epsilon” nhỏ hơn rất nhiều so với M5, là loại tên lửa hạng nhẹ, dài 24m, có thể đưa được vệ tinh có trọng lượng khoảng 1,2 tấn vào quỹ đạo thấp khoảng từ 100 đến hàng nghìn km. 


Tên lửa đẩy “Epsilon” được phóng lên quỹ đạo


 
Theo kế hoạch ban đầu, tên lửa này sẽ được phóng đi lúc 13h45 phút ngày 14-09. Nhưng do khả nghi có tàu lạ xâm nhập vào khu bảo vệ an toàn, nên thời điểm phóng phải lùi lại 15 phút. Đúng 14 giờ, “Epsilon” đã đưa thành công vệ tinh khoa học “SPRINT-A”, có chiều dài khoảng 1m, cao 4m, nặng 365kg lên quỹ đạo đã định sẵn từ trước.

Vệ tinh này sẽ vận hành ở quỹ đạo cách trái đất khoảng 1.000km, làm nhiệm vụ quan sát tình hình biến đổi của khí quyển sao hỏa, sao kim và sao mộc. Đúng ra vệ tinh này được phóng đi từ tháng 8, nhưng do gặp sự cố đã bị hoãn lại hai lần cho đến tận ngày 14-09 mới tiến hành được.


Những tên lửa đẩy như “Epsilon” hoàn toàn có thể biến thành tên lửa đạn đạo liên lục địa

Nhật báo Bắc Kinh cho biết, những loại tên lửa đẩy nhiên liệu rắn, 3 tầng như “Epsilon” hoàn toàn có thể vận dụng để phát triển thành tên lửa đạn đạo liên lục địa. Trên thế giới, rất nhiều nước đã phát triển theo xu hướng như vậy, điển hình là Triều Tiên, ngay cả Nga, Mỹ và Trung Quốc cũng có những tiêu chuẩn so sánh để sử dụng tên lửa đạn đạo thay tên lửa đẩy và ngược lại.

Từ lâu, người Trung Quốc rất lo lắng về viễn cảnh Nhật Bản phá bỏ chế ước của bản “Hiến pháp hòa bình”. Lúc đó, với trình độ phát triển tên lửa đẩy vệ tinh và 29,5 tấn nhiêu liệu Plotunium làm giàu hiện đang sở hữu, họ sẽ nhanh chóng chế tạo thành công tên lửa đạn đạo mang vũ khí hạt nhân. Khi đó, Trung Quốc chẳng có thứ vũ khí chiến lược nào đủ tầm để chế áp người Nhật.

 

Theo Đức Sơn 
An ninh thủ đô/Nhật báo Bắc Kinh