“Kill the Rapist” (Giết kẻ hiếp dâm) là tên một bộ phim mới của điện ảnh Ấn Độ về đề tài hiếp dâm. Những vụ tấn công tình dục hiện đang xảy ra tràn lan tại đất nước này.
Bộ phim có cái tên- “Giết kẻ hiếp dâm” – là một cách phản ứng mạnh mẽ của đạo diễn Sanjay Chhel và nhà sản xuất phim Siddhartha Jain đối với những kẻ có ý định hiếp dâm phụ nữ.
Trong phim, nhân vật nữ đáng lẽ đã trở thành nạn nhân bất ngờ lật ngược tình thế và trở thành người chủ động, có quyền định đoạt số phận kẻ tấn công tình dục đối với cô. Phim có nhiều cảnh quay “bạo lực và hung hãn” cho thấy một thái độ không khoan nhượng của các nhà làm phim.
Một cảnh trong bộ phim hiện đang gây tranh cãi tại Ấn Độ – “Kill the Rapist”. Bộ phim được làm với mục đích khiến những kẻ có ý định tấn công tình dục phụ nữ Ấn Độ phải nhụt chí.
Bộ phim được dự kiến sẽ ra mắt tại Ấn Độ trong vài tháng nữa. Tựa đề phim “Giết kẻ hiếp dâm” được đạo diễn khẳng định là câu khẩu hiệu dành cho “tất cả phụ nữ trên thế giới”. Dù rằng tiêu đề này gây tranh cãi bởi nó mang đậm tính bạo lực nhưng với mục đích gửi gắm sức mạnh tinh thần tới cho phụ nữ, đạo diễn sẽ không thay đổi tên phim.
Sanjay Chhel cũng hy vọng rằng tác phẩm của mình “sẽ khiến những kẻ có ý định thực hiện hành vi đồi bại phải rùng mình run sợ trước khi dám cả gan thực hiện tội ác này”.
Vừa qua, tòa án thành phố Delhi đã đưa ra bản án đầu tiên đối với một trong 6 kẻ phạm tội hiếp dâm tập thể đối với một phụ nữ 23 tuổi trên chuyến xe buýt ở thành phố Delhi hồi tháng 12 năm ngoái. Cô gái này sau đó đã qua đời khiến dư luận thế giới và Ấn Độ bị chấn động.
Trước bi kịch thương tâm này, người dân Ấn Độ đã yêu cầu nhà nước phải thay đổi khung hình phạt, tiến trình xét xử, hệ thống cảnh sát cũng như cải cách văn hóa sâu rộng nhằm làm thay đổi nhận thức của đàn ông tại Ấn Độ.
6 kẻ phạm tội đã nhanh chóng bị bắt. Kẻ cầm đầu đã treo cổ tự vẫn khi bị tạm giam chờ xét xử hồi đầu năm nay. Trong 5 kẻ còn lại có một người đang ở tuổi vị thành niên nên mức án dành cho anh ta chỉ là 3 năm tù. Những kẻ còn lại đều phải đối mặt với mức án tử hình và đang chờ phán quyết của tòa án.
Siddhartha Jain, nhà sản xuất phim cho biết vụ việc đã khiến anh và đạo diễn Sanjay Chhel quyết định ra tay hành động bằng một tác phẩm điện ảnh:
“Rất nhiều người đã bị sốc bởi sự việc xảy ra đối với cô gái 23 tuổi. Bộ phim của tôi có một tiêu đề khá hung hăng, bạo lực bởi sự nhẹ nhàng, tế nhị chẳng có tác dụng gì ở Ấn Độ. Lúc này các nhà làm luật, nhà thi hành luật, giới truyền thông… cần phải thể hiện thái độ thật mạnh mẽ để thay đổi có thể thực sự diễn ra”.
Nửa đầu bộ phim sẽ khắc họa nhân vật nữ chính – một phụ nữ độc lập, mạnh mẽ, có sự nghiệp và sống độc thân ở thành phố Delhi – bị một kẻ bệnh hoạn theo dõi, đeo bám. Cảnh sát chẳng thể giúp gì cho cô gái, thậm chí ngay cả sau khi cô suýt bị hiếp dâm.
Biết rằng mình sẽ bị tấn công lần thứ hai, cô đã lên kế hoạch để tóm được kẻ thủ ác. Nửa sau của bộ phim xoay quanh việc cô gái và hai người bạn nữ sống chung nhà cùng bàn bạc xem nên làm gì với kẻ bệnh hoạn đang bị các cô khống chế.
Người dân Ấn Độ hiện đang rất bất bình khi lực lượng cảnh sát không thể ngăn chặn những vụ việc tương tự tiếp tục xảy ra. Một số cải cách đã được thực hiện nhưng hiệu quả thật hạn chế.
Cuối tháng trước, hai vụ hiếp dâm tập thể nữa lại xảy ra đối với một nữ phóng viên ở thành phố Mumbai và một nữ cảnh sát ở thành phố Delhi.
Những kẻ tấn công thậm chí còn chụp lại ảnh của nữ phóng viên vào điện thoại và đe dọa sẽ khiến cô phải xấu hổ nếu dám trình báo với cảnh sát. Băng nhóm này đã thực hiện hành vi tương tự với nhiều phụ nữ khác để đảm bảo các nạn nhân của chúng phải giữ im lặng.
Nạn nhân của các vụ hiếp dâm tại Ấn Độ thường bị cộng đồng cho là “đã đánh mất danh dự, phẩm giá”. Vì vậy, nếu để vụ việc om sòm lên, người khổ nhất chính là nạn nhân bởi sau đó họ gần như không thể hòa nhập trở lại với cộng đồng. Bộ phim “Kill the Rapist” sẽ khai thác khía cạnh thái độ của cộng đồng để thấy những ảnh hưởng lâu dài của nó đối với các nạn nhân.