Tổng thống Hassan Rouhani của Iran hôm qua xác nhận vũ khí hóa học đã giết người tại Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn những vụ tấn công tương tự trong tương lai.
Trong buổi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn ISNA của Iran hôm 24/8, Tổng thống Rouhani lần đầu tiên nói rằng nhiều người Syria đã chết vì một vụ tấn công bằng khí độc hôm 21/8. Ông không dự đoán thủ phạm của vụ tấn công, song trước đó Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố rằng, các bằng chứng cho thấy phe đối lập tại Syria đã sử dụng khí độc.
“Nhiều người dân Syria vô tội đã chết và bị thương bởi khí độc và đó là điều đáng tiếc. Iran kịch liệt lên án việc sử dụng vũ khí hóa học trong xung đột, bởi Iran cũng từng là mục tiêu của vũ khí hóa học”, Rouhani phát biểu.
Tổng thống Hassan Rouhani của Iran. Ảnh: AP. |
Quân đội Iraq từng tấn công Iran bằng vũ khí hóa học trong cuộc chiến 8 năm giữa hai nước.
“Cộng hòa Hồi giáo Iran muốn cộng đồng quốc tế sử dụng toàn bộ sức mạnh để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học trên toàn thế giới, đặc biệt tại Syria”, Rouhani nhấn mạnh.
Chính phủ Syria khẳng định họ không sử dụng khí độc hôm 21/8. Nga, một đồng minh của chính phủ Syria, cho rằng phe đối lập đã sử dụng vũ khí hóa học rồi đổ tội cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, Anh nghi ngờ quân đội Syria thực hiện vụ tấn công.
Liên Hợp Quốc đang hối thúc Syria tạo điều kiện để các chuyên gia vũ khí Liên Hợp Quốc điều tra vụ tấn công hôm 21/8. Pháp kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng vũ lực nếu Liên Hợp Quốc chứng minh được rằng quân đội của Assad dùng khí độc để sát hại dân thường. Giới chức Mỹ đang cân nhắc các lựa chọn đối với Syria và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực.
Abbas Araqchi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran, cũng cảnh báo các nước phương Tây rằng họ không nên can thiệp vào Syria.
“Không nước nào được phép can thiệp quân sự vào Syria. Chúng tôi hy vọng các quan chức Nhà Trắng đủ khôn ngoan để không tiến vào một trận chiến nguy hiểm. Những tuyên bố khiêu khích của quan chức quân sự Mỹ, hay những hành động hăm dọa như phái tàu chiến tới gần Syria, sẽ không thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng mà chỉ khiến tình hình trong khu vực trở nên nguy hiểm hơn”, Araqchi bình luận. Theo Thái Dương (Zing.vn/Tri Thức)