Báo Trung Quốc ‘nổ’ sẽ phát triển tàu sân bay có thể sánh vai với mẫu hạm của Mỹ. Sản phẩm có trình độ như mẫu hạm của Ấn Độ, Trung Quốc sẽ không bao giờ chế tạo.
Ngày 12/8, Ấn Độ cho ra mắt hàng không mẫu hạm đầu tiên INS Vikrant, trở thành quốc gia thứ 5 sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp tự sản xuất được tàu sân bay. Chắc chắn thông tin này đã khiến người láng giềng Trung Quốc khá… hụt hẫng. Những lời chê bai mẫu hạm của Ấn Độ cũng được báo chí Trung Quốc tung ra.
Tàu sân bay Ấn Độ INS Vikrant. |
‘Đánh bại Trung Quốc’
Một số hãng truyền thông phương Tây đã liên hệ việc Ấn Độ hạ thủy mẫu hạm với Trung Quốc. Tờ Daily Telegraph của Anh bình luận tấm mặt nạ bí ẩn của INS Vikrant được lật mở đồng nghĩa với việc Ấn Độ đã đánh bại đối thủ cạnh tranh trong khu vực là Trung Quốc và bước vào hàng ngũ các quốc gia tự sản xuất được tàu sân bay.
Một số nhà phân tích cho rằng, mẫu hạm này không chỉ là tượng trưng cho sức mạnh của Ấn Độ, mà còn là niềm tự hào của quốc gia Nam Á này. Chính phủ Ấn Độ thực sự mong muốn ngăn chặn sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Á và trên Ấn Độ Dương. Hãng thông tấn Pháp AFP cho biết, dự án lớn với mức đầu tư 5 tỉ USD đã đón chào thời khắc mang tính lịch sử, nó cũng phản ánh nên sức mạnh quốc gia của Ấn Độ và những nỗ lực đối phó với sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Một chuyên gia của tờ bình luận quân sự Jane’s Defence Weekly phán đoán: “Mẫu hạm mới sẽ được bố trí ở khu vực Ấn Độ Dương – nơi tập trung rất nhiều lợi ích kinh tế thương mại của thế giới. Ấn Độ tăng cường sức mạnh cho mình chủ yếu là vì muốn đối phó với Trung Quốc”.
Theo một số chuyên gia phân tích, sức mạnh phòng thủ tổng thể của Ấn Độ vẫn thua kém Trung Quốc, chính vì thế việc Ấn Độ đánh bại đối thủ cạnh tranh Trung Quốc trong lĩnh vực tàu sân bay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng mẫu hạm của Ấn Độ sẽ “nâng cao độ tự tin cho Ấn Độ”, nhưng sẽ không thay đổi sự cân bằng về lực lượng giữa Bắc Kinh và New Dehli, kỹ thuật hạt nhân và công nghệ đóng tàu của Trung Quốc vẫn cao hơn.
Chim ưng và gà mái già
Trước sự kiện tàu sân bay Ấn Độ hạ thủy thành công và sự tung hê của nhiều tờ báo phương Tây, báo chí Trung Quốc tỏ ra rất “hậm hực”. Tờ Phượng Hoàng của Hongkong đã đăng bài bình luận viết rằng: Ngày 12-8, mẫu hạm INS Vikrant chính thức hạ thủy, báo chí Ấn Độ ca ngợi hết lời, thậm chí một số hãng truyền thông của phương Tây còn cho rằng “Ấn Độ đã đánh bại Trung Quốc trong công cuộc sản xuất tàu sân bay trong nước”, kể cả một số tờ báo Trung Quốc cũng cho rằng Trung Quốc đã “tụt hậu” rồi.
Phượng Hoàng lập luận thực ra phép so sánh mẫu hạm của Trung Quốc và Ấn Độ đã bỏ qua một thực tế – Trung Quốc đã bao giờ dẫn đầu trong lĩnh vực này đâu? Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Ấn Độ đã sở hữu tàu sân bay của riêng mình, mặc dù là mua của nước khác. Mấy chục năm sau đó, quốc gia này luôn duy trì lực lượng mẫu hạm trong quân đội, đặc biệt là mua tàu sân bay Vikrant – đời trước của tàu sân bay hạng vừa HMS Hermes của Anh. Ấn Độ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình sử dụng tàu sân bay.
Phượng Hoàng đánh giá kinh nghiệm ứng dụng trên tàu sân bay của Ấn Độ phong phú hơn nhiều so với Trung Quốc, tuy nhiên cũng chỉ có vậy mà thôi. Tờ báo này ví von thể trọng và chất lượng thịt của con gà mái mẹ lớn hơn rất nhiều so với chú chim ưng mới chào đời, thậm chí gà mái mẹ còn có thể vỗ cánh và bay lên, độ cao mà gà mái mẹ bay thậm chí còn hơn cả chú ưng con.
Phượng Hoàng dè bỉu tàu sân bay của Ấn Độ chưa bao giờ thoát khỏi sự ảnh hưởng của nước ngoài, do đó trình độ phát triển cũng khó có thể nâng cao. Kể cả mẫu hạm Vikrant được tuyên bố là sản xuất trong nước, thiết kế cơ bản vẫn là của Pháp, động lực, thiết bị và vũ khí đi kèm là của Nga, Pháp và Anh. Điều quan trọng nhất là, lượng choán nước của mẫu hạm Vikrant chỉ có 40.000 tấn, chức năng cũng chỉ bó hẹp trong hoạt động phòng không và tấn công hữu hạn, đồng thời lại thiếu hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến Aegis để hộ vệ, không thể được coi là một hệ thống tác chiến mẫu hạm hoàn chỉnh và hiện đại. Xét về tổng thể, mấy chục năm qua mẫu hạm Ấn Độ luôn ở trình độ thấp, đều không thể sánh với khả năng đối kháng của mẫu hạm Mỹ.
Tuy nhiên mục tiêu phát triển mẫu hạm của Trung Quốc lại hoàn toàn khác, đối với Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh với lượng choán nước 60.000 tấn chỉ là một sàn huấn luyện quá độ, thậm chí không phải là mục tiêu mang tính giai đoạn. Bố cục phát triển của Trung Quốc dài hơi và rất rộng, các hệ thống mới như tàu khu trục 052C, tàu hộ vệ kiểu mới, hệ thống phóng tên lửa trục thẳng đứng thế hệ mới, hệ thống phòng thủ tầm gần thế hệ mới… liên tiếp được đưa ra, đảm bảo cho những trang bị cứng cơ bản của mẫu hạm.
Phượng Hoàng khoe khoang rằng sự phát triển tàu sân bay của Trung Quốc cũng theo phương pháp đa nguyên hóa, chắc chắn không chỉ dựa vào một mẫu tiêm kích hạm Mig-29K đơn thuần như Ấn Độ. Tàu sân bay Trung Quốc sản xuất bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay huấn luyện, máy bay cảnh báo sớm và nhiều loại máy bay trực thăng, mô hình rất rộng, Ấn Độ và Nhật Bản không thể sánh được. Ngoài ra, các hệ thống đi kèm với mẫu hạm như hệ thống cất/hạ cánh, hệ thống chỉ huy, hệ thống điện tử, hệ thống tác chiến… đều được Trung Quốc tự nghiên cứu, chế tạo.
Phượng Hoàng ‘nổ’ rằng qua đó có thể thấy sự phát triển mẫu hạm của Trung Quốc bao hàm sự phát triển đồng bộ của vô số hệ thống con, tích lũy rất nhiều công nghệ, mục tiêu cuối cùng là có thể sánh vai với mẫu hạm của Mỹ. Tờ báo Trung Quốc tự tin phán rằng mẫu hạm Made in China sẽ là loại mẫu hạm hạng nặng với trình độ công nghệ cao, sau đó sẽ là một biên đội mẫu hạm hoàn chỉnh, giải quyết vấn đề “mẫu hạm từ thấp đến cao”. Tàu sân bay mới của Ấn Độ là mẫu hạm ở trình độ thấp, không nhìn thấy tương lai phát triển ở cấp độ cao hơn. Vấn đề mà Ấn Độ giải quyết mãi mãi là vấn đề “mẫu hạm có và không có”.
Phượng Hoàng kẻ cả khẳng định sản phẩm có trình độ như mẫu hạm của Ấn Độ, Trung Quốc sẽ không bao giờ chế tạo. Chính vì thế, không thể so sánh khập khiễng hai vấn đề này.
Theo Huy Long
Tiền phong/Phượng Hoàng
Nguồn: Dân Trí