Với “triết lý” cành cây, que củi, gạch, đá hay gỗ cũng đều là tài sản quốc gia, đều bị thu hồi của ông Lê Đình Huấn (Phó Chủ tịch huyện), nên có lẽ khi thấy cục đá cảnh của gia đình bà Sắc đẹp, chính quyền huyện đã dẫn người đến tịch thu.
Như Dân trí đã đưa tin, sáng ngày 21/8, tại trụ sở TAND huyện Chư Sê, vụ án người dân kiện Chủ tịch UBND huyện Chư Sê là ông Nguyễn Hồng Linh vì việc tịch thu hòn đá của họ đã được đưa ra xét xử công khai. Tuy nhiên, không hiểu sao Chủ tọa phiên tòa – ông Hoàng Văn Tiến lại không cho các PV báo đài quay phim, chụp ảnh theo quy định pháp luật.
Tại phiên tòa, bị đơn là ông Linh không có mặt mà đã ủy quyền cho ông Nguyễn Đình Viên – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Chư Sê tham dự.
Luật sư Võ Thị Tiết – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là bà Trần Thị Sắc (SN 1971, trú thôn Ia Sa, xã H’Bông, Chư Sê, Gia Lai) cho rằng việc cưỡng chế hòn đá của chính quyền huyện Chư Sê đã thể hiện nhiều vi phạm pháp luật như: Văn bản cưỡng chế được lập của chính quyền huyện cũng không tuân theo mẫu đã quy định, các văn bản có liên quan về vấn đề tịch thu hòn đá đã không đúng với quy định của luật pháp, có nhiều vấn đề không rõ ràng, tang vật (hòn đá) không được niêm phong theo quy định của pháp luật, không có mặt tại phiên tòa, và nhất là việc xác định cục đá là loại đá gì (quý, bán quý hay đá thường) vẫn chưa rõ ràng…
Trước những câu hỏi trên của đại diện cho nguyên đơn, ông Viên cho rằng: tất cả các loại đá đều là khoáng sản, nên huyện có quyền tịch thu hòn đá của nhà bà Sắc mà không cần biết cụ thể đó là loại đá gì (?!).
Còn trước đó, khi trả lời báo chí, ông Lê Đình Huấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê nói rõ “triết lý” của việc tịch thu hòn đá cảnh của gia đình bà Sắc: “Dù là cành cây, que củi, gạch, đá hay gỗ cũng đều là tài sản quốc gia, đều bị thu hồi”; Ngoài ra, ông Huấn cũng đã xác nhận bản thân ông đang sở hữu khá nhiều loại đá quý, có hòn đá còn được ông xem là rất quý và “độc”, nhưng chẳng có chính quyền nào đến thu hồi “kho” đá của ông này.
Lý giải về việc không niêm phong tang vật trong vụ án của huyện Chư Sê gán cho bà Sắc “vận chuyển khoáng sản trái phép”, đồng thời cũng là tang vật của vụ bà Sắc khởi kiện chính quyền huyện thu hồi hòn đá trái pháp luật của gia đình bà, ông Viên trả lời: về việc niêm phong hòn đá, chính quyền huyện đã làm một chiếc lồng sắt để “nhốt” hòn đá thay cho việc niêm phong. Còn các vấn đề về hành chính tịch thu hòn đá mà luật sư của nguyên đơn chỉ ra là không đúng với quy định luật pháp ban hành, thì ông Viên cứ một mực khẳng định “tôi nghĩ là đúng”.
Không chỉ bị tịch thu hòn đá cảnh trái với pháp luật, mà gia đình bà Sắc đã bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng, khiến gia đình nhà bà và dư luận địa phương rất bức xúc. Bà Sắc cho rằng, cục đá nhà bà khai thác đúng theo quy định của luật pháp và chẳng qua bà thấy nó đẹp nên mới giữ lại làm cảnh. Nhưng không ngờ nó lại bị thu hồi và bà đã bị phạt tiền vì việc giữ hòn đá dưới áo làm cảnh: “Nếu tất cả các loại đá đều là khoáng sản và chính quyền có quyền thu hồi thì tại sao đá của nhiều người không bị thu hồi, các hòn non bộ làm bằng đá không bị thu hồi, đá nhà lãnh đạo huyện là đá quý không bị thu hồi? mà hòn đá đẹp nhà tôi lại bị thu hồi?”, bà Sắc đặt câu hỏi.
Trước sự bất bình của gia đình bà Sắc và dư luận, sau một thời gian “giam” giữ cục “tài sản quốc gia” nhà bà Sắc tại trụ sở UBND huyện, chính quyền huyện Chư Sê đã giao cho Sở Văn hóa- Thể Thao và Du lịch tỉnh này quản lý và nó đã được trưng bày tại Quảng trường Đại đoàn kết của tỉnh.
Sau phần tranh luận, đến khoảng 15h chiều ngày 21/8, Hội đồng xét xử đã tạm dừng phiên tòa và thông báo sẽ tiếp tục vào sáng mai.
Thiên Thư Nguồn: Dân Trí