Tinh Hoa

‘Kẻ đánh bom Bắc Kinh’ kiện cảnh sát đánh tàn phế chân

Truyền thông Trung Quốc nói Ký Trung Tinh vốn làm nghề xe ôm và nhiều lần đi kiện cảnh sát về việc bị đánh tới tàn phế hai chân.

Tối 20/7, giờ địa phương, chính quyền thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc có báo cáo chính thức về thông tin kẻ đánh bom tự sát Ký Trung Tinh từng bị cảnh sát thành phố này đánh đập đến mức tàn phế đôi chân.

Ký Trung Tinh giơ gói thuốc nổ và nói: Tránh ra, tôi có bom 

Trước đó, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền thông tin về bài viết được nói là của Ký Trung Tinh, nội dung tố cáo cảnh sát Quảng Đông đánh đập người này tới mức tàn phế.
Theo báo cáo của thành phố Đông Quản, việc Ký Trung Tinh “có va chạm với cảnh sát” là có thật. Sau đó, xét gia cảnh nghèo khó của Ký, cảnh sát thành phố này “hỗ trợ” Ký 10.000 NDT (gần 300 triệu đồng) và Ký đã viết giấy cam kết không tiếp tục kiện tụng.
Chính quyền Đông Quản nói Ký hành nghề xe ôm tại địa phương này. Hôm 28/6/2005, vì sợ bị cảnh sát khám xe nên Ký bỏ chạy, sau đó va chạm với xe cảnh sát và bị ngã xuống đường.
Cảnh sát Đông Quản nói chân của Ký bị tàn phế do cú ngã, trong khi Ký kiện ra tòa án việc cảnh sát đánh đập tới mức không thể đi lại, đòi bồi thường 300.000 NDT. 

Quang cảnh lúc vụ nổ xảy ra 

Tòa án thành phố Đông Quản xử sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên cảnh sát thành phố này vô tội bởi “việc Ký có dấu hiệu thương tật là thật, nhưng không đủ bằng chứng cho rằng bị cảnh sát đánh”.
Ký Trung Tinh cho rằng tòa án phán quyết không công bằng nên tiếp tục kiện lên tận chính quyền trung ương Trung Quốc. Vụ việc lại được trả về thành phố Đông Quản để tiếp tục điều tra, làm rõ. 
Năm 2010, “xét gia cảnh nghèo khó của Ký nên cảnh sát Đông Quản quyết định hỗ trợ Ký 100.000 NDT. Ký đồng ý nhận tiền và viết cam kết không tiếp tục kiện tụng”, báo cáo của chính quyền Đông Quản viết.
Trở lại vụ đánh bom tự sát ở sân bay Bắc Kinh tối 20/7, các trang báo Trung Quốc hôm nay đều phủ nhận thông tin “nhiều hành khách hoảng loạn” do truyền thông phương Tây đăng tải.

 
Video: Đánh bom tự sát ở sân bay Bắc Kinh, Trung Quốc


Mạng tin Phượng Hoàng dẫn lời nhân chứng nói có “tiếng nổ cực lớn, khói lửa mịt mù và có mùi thuốc pháo nồng nặc”. Tuy nhiên, các nhân chứng nói thêm rằng mọi việc tại sân bay “rất mau chóng trở lại trật tự bình thường”.

Trong khi đó, mạng tin Sina trích lời bác sỹ điều trị cho Ký Trung Tinh nói hai tay người đàn ông này bị nát bét do sức công phá từ quả bom tự chế nhưng hiện đã “không còn nguy hiểm tính mạng và hoàn toàn tỉnh táo”. 
Ký Trung Tinh hiện được cảnh sát Bắc Kinh bảo vệ nghiêm ngặt, quanh giường bệnh của Ký luôn có ít nhất 3 cảnh sát mặc quân phục đứng canh. Người thân và bạn bè của Ký được nói là đã không đến thăm cho dù biết thông tin vụ việc qua các phương tiện truyền thông.
Theo tờ Telegraph, Ký Trung Tinh cảm thấy uất ức về việc bị cảnh sát đánh đập nên chọn sân bay Bắc Kinh để kích nổ quả bom tự chế.
Đông Quản là thành phố nằm ở bờ đông sông Châu Giang, trên đoạn giữa của hành lang kinh tế Quảng Châu – Thâm Quyến – Hong Kong, với dân số khoảng 7 triệu người. Nơi này bị nói là có tới hàng trăm nghìn gái bán dâm, tờ Telegraph còn nói Đông Quản gắn với biệt danh “Sin City” (thành phố tội lỗi) của Trung Quốc. 

Hành vi nguy hiểm

Nhiều trang báo Trung Quốc hôm nay đều lên án hành vi của Ký Trung Tinh. Báo Tin tức cuối ngày nói “Trung Quốc đang trong quá trình phát triển, thế nên đây đó trong xã hội có tồn tại những mâu thuẫn. Tuy vậy, hành động đánh bom tự sát để giải tỏa uất ức là hành vi nguy hiểm và đáng lên án”.

Cảnh sát Trung Quốc phong tỏa hiện trường 

Tháng 4 năm ngoái, một người đàn ông tên Đinh Phát Triều được cho là kích nổ một quả bom ngay trong trụ sở chính quyền huyện Xảo Gia, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc do uất ức vì nhà của người này bị cưỡng chế. 
Một tháng sau, cũng tại huyện Xảo Gia lại xảy ra vụ đánh bom tự sát cũng với lý do nhà cửa bị cưỡng chế, người phụ nữ mang bom chết tại chỗ và khiến 2 người chết, 14 người bị thương.
Năm 2011, một người đàn ông thất nghiệp, 52 tuổi, bị cảnh sát Trung Quốc cáo buộc gây ra hàng loạt vụ nổ tại Phúc Châu, tỉnh Giang Tây cũng vì bị cưỡng chế nhà.
Tháng 6 vừa qua, Chen Shuizong, sinh năm 1954 – một người “bất hạnh và bi quan” trong cuộc sống, đã lên kế hoạch đốt chiếc xe bus để “xả giận” và tự tử khiến 47 người trên xe bus thiệt mạng, theo AFP.
Vụ việc được cho là một trong những hành vi bạo lực của cá nhân nguy hiểm nhất ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Trước đó, Trung Quốc đã xảy ra các cuộc tấn công trên những tuyến giao thông công cộng.
Năm 2009, một chiếc xe bus ở thành phố Thành Đô, phía tây nam Trung Quốc, cũng bị đốt cháy bởi một người đàn ông thất nghiệp, khiến 28 người thiệt mạng và hơn 70 người khác bị thương.

Huyền Lê (vtc.vn)