Báo chí Nga nói vụ nổ tên lửa không gian Proton của nước này có vẻ như đã được tìm ra nguyên nhân.
Nguyên nhân của vụ tai nạn tên lửa Proton-M mang các vệ tinh GLONASS vào hôm 2/7 vừa qua có thể do lỗi của các nhà lắp ráp khi họ nhầm các dây dẫn của bộ phận cảm biến tốc độ góc.
Tên lửa không gian Proton trước khi được phóng lên |
Người đối thoại của cơ quan “Interfax-AVN” nói rằng chính nhầm lẫn này đã dẫn đến hoạt động không chính xác của hệ thống điều khiển.
“Các cảm biến tốc độ góc đã bị kết nối sai. Người ta đã nhầm cực khi kết nối dây dẫn”,- nguồn tin thân cận với ủy ban điều tra cho hay.
Tên lửa Proton nổ tung sau khi rời bệ phóng |
Các thiết bị này phải xác định sự chuyển dịch của tên lửa tương quan với vị trí bình thường của nó, tuy nhiên thiết bị đã cung cấp thông tin sai lệch.
Khả năng hoạt động không chính xác của hệ thống điều khiển đã được các nguồn tin không chính thức nêu ra gần như ngay lập tức sau buổi truyền hình trực tiếp vụ phóng tên lửa từ sân bay vũ trụ.
Trục trặc của hệ thống điều khiển được thấy rõ qua độ nghiêng của nó trong những giây đầu tiên sau khi phóng cũng như chuyển động xoắn quanh trục dọc.
Đây là sự cố lần thứ hai với tên lửa Proton M của Nga. Tháng 12/2010, Nga mất ba vệ tinh Glonass do tên lửa Proton M đi chệch đường và rơi xuống Thái Bình Dương.
Nguyên nhân sự cố năm 2010 được nói là tên lửa tăng cường DM-03 được lắp ghép cùng tên lửa Proton M. Lẽ ra DM-03 có nhiệm vụ nâng Proton M trong giai đoạn đầu, tuy nhiên DM-03 có trọng lượng quá nặng và mang quá nhiều nhiên liệu dẫn đến việc Proton M không thể tiếp tục bay. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ rơi tên lửa lần này, theo tin của RIA Novosti.
Huyền Lê (vtc.vn)