Cảnh sát Nhật Bản đã bắt đầu công bố hình ảnh và tên tuổi của hàng trăm đàn ông và phụ nữ nước này, được cho là đã mất tích trong sáu thập niên qua và có thể đã bị tình báo CHDCND Triều Tiên bắt cóc.
Tờ Telegraph (Anh) hôm 4.7 đưa tin cho biết thông tin nói trên được đăng tải trên trang web của lực lượng cảnh sát các quận ở Nhật, nơi những người mất tích được thấy lần cuối cùng và cũng là nơi mà chính quyền địa phương hy vọng có thể thu thập được thêm thông tin từ những nhân chứng mới.
|
Tên tuổi của 169 người thông báo mất tích đã được công bố, còn danh tính của 124 trường hợp nữa sẽ được cảnh sát tiếp tục công bố trong vài tháng tới, theo Telegraph.
Ngoài ra, nhà chức trách cũng đang thảo luận với họ hàng của 308 trường hợp mất tích khác để được phép công bố tên tuổi ra công chúng.
Cảnh sát cho hay gia đình của 263 trường hợp mất tích đã từ chối để cảnh sát công khai tên người thân của họ.
“Chúng tôi xem đây là một bước tiến nhỏ nhoi nhưng theo đúng hướng. Tuy nhiên đã quá muộn rồi”, Telegraph dẫn lời bà Yuki Yakabe, Giám đốc của Ủy ban Điều tra người Nhật mất tích có thể liên quan đến Triều Tiên (COMJAN), cho hay.
“Nếu cảnh sát bắt tay điều tra sớm hơn, có lẽ một số vụ đã được làm sáng tỏ rồi”, bà Yakabe nói.
COMJAN được thành lập vào tháng 1.2003 như một cơ quan điều tra độc lập, tương đương với Sở Điều tra người Nhật mất tích thuộc Hiệp hội Quốc gia giải cứu người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc (NARKN).
Cơ quan của bà Yakabe có nhiệm vụ tiến hành điều tra về việc mất tích của khoảng 500 trường hợp.
Phần lớn trường hợp bị mất tích diễn ra hồi năm 2004, theo COMJAN.
“Chúng tôi không nghĩ rằng tất cả những người bị mất tích đều là do Triều Tiên bắt cóc, nhưng chúng tôi thực sự tin rằng đã có một số người bị bắt cóc và đem về Triều Tiên”, bà Yakabe nói.
Hồi năm 2002, Triều Tiên từng thừa nhận các nhân viên tình báo của nước này đã bắt cóc 13 công dân Nhật Bản để đào tạo làm gián điệp quay về chống phá quê nhà.
Chính phủ Nhật vào thời điểm đó khẳng định con số nói trên phải là 17 người, trong khi các nhóm hoạt động nhân quyền thì liên tục cho rằng con số thực tế phải lên đến hàng trăm.
Bình Nhưỡng cũng cho biết đã thả năm trong số những người bị bắt cóc nói trên về nhà vào năm 2002, nhưng khẳng định những người còn lại đã chết vì già yếu, tự sát hoặc vì bị tai nạn.
Hoàng Uy