Tinh Hoa

Chuyện không tin nổi về những ‘siêu trộm’ kỳ cục

Sau khi thó được 238 tác phẩm nghệ thuật thực và 1 đồ giả thì Stephan bị tóm trong khi đang cố đánh thó ở một bảo tàng.

Tên trộm “yêu nước”

Vào năm 1911, Vinchenlo Peruggia là người gốc Italia, khi làm bảo vệ ở bảo tàng Louvr (Pháp), suốt một tháng đã nhìn thấy bức họa nổi tiếng Mona Liza. Không hiểu điều gì đã khiến cho nhân viên bảo vệ người Italia này quả quyết rằng kiệt tác đó phải thuộc về nước Italia và để làm điều đó thì phải đánh cắp nó.

Vinchenlo đã dành vài tuần để nghiên cứu chân tơ kẽ tóc hệ thống an ninh của bảo tàng, chế độ hoạt động của các cửa ra vào và hệ thống khóa.

Hắn cũng nghiên cứu thói quen của các nhân viên bảo vệ, cả những sơ hở của họ mà hắn có thể lợi dụng để thực hiện vụ trộm. Sau một thời gian theo dõi và nghiên cứu, đến ngày 21/8/1911 hắn đã thực hiện được điều mà sau này được gọi là vụ trộm thế kỷ.

Tên trộm Vichenlo Peruggia 

Kế hoạch của Vinchenlo được thực hiện vào thứ hai khi trong bảo tàng đang tiến hành sửa chữa. Hắn ngủ đêm trong phòng từ ngày chủ nhật và hôm sau thì tháo bức tranh và gói nó vào trong mảnh vải đã được chuẩn bị trước rồi đi ra lối cửa.

Khi đó có ít nhất là 10 công nhân trông thấy hắn nhưng Vinchenlo giữ vẻ tự tin và điềm nhiên tuyệt đối, vì thế không ai thắc mắc là hắn đang làm gì. Khi tới đầu cầu thang, hắn tháo bức tranh ra khỏi khung và định ra ngoài nhưng cửa đã bị khóa. Hắn giật tay nắm cửa và cầm chiếc đèn hàn được cất ở gần đấy để phá khóa cửa và vụ trộm đã được hoàn tất.

Sau khi về đến Italia, Vinchenlo đã chờ đợi một cuộc đón tiếp long trọng dành cho mình, nhưng khi bị giữ lại ở phòng tranh Ufisi thì hắn đành phải chờ một lúc. Các nhân viên phòng tranh ngạc nhiên về điều mà tên này đã đề nghị với họ và đã gọi cảnh sát.

Tên trộm đã bị bắt và được giải đến trại giam. Tuy nhiên người ta đã coi “lòng yêu nước” của hắn là tình tiết giảm nhẹ và giảm đáng kể thời gian ngồi tù cho hắn.

Tên trộm “yêu nghệ thuật”

Trong nhà của Stéphane Briatwiecer chắc hẳn là có nhiều bức tường trống và hắn nảy ra sáng kiến cần được trang trí bằng tranh. Và thế là trong vài năm hắn đã phủ kín các tường nhà bằng hàng trăm bức tranh quý thó được của rất nhiều viện bảo tàng và hắn đã trở thành kẻ trộm tranh nổi tiếng thế giới.

“Sự nghiêp” của Stephan được bắt đầu khi hắn cùng với bạn gái đi thăm một lâu đài ở Thụy Sỹ. Kẻ to gan này nhìn thấy trên tường có một bức tranh đẹp và yêu cầu bạn gái đứng che chắn, còn hắn thì dỡ bức tranh ra khỏi tường, dứt ra khỏi khung và cuốn vào chiếc áo mưa rồi cả hai đi ra, ngang qua tầm ngắm của vài chiếc camera.

Tên trộm Stéphan Briawiecer 

Lúc đó Stephan đeo kính đen. Khi hiểu rằng việc này được làm trót lọt và dễ như trở bàn tay thì hắn liền tích cực phát huy “chiến công” và hành động theo kịch bản cũ.

Khi vào các viện bảo tàng thì Stefan vờ lơ đãng quan sát xem máy quay và nhân viên bảo vệ ở đâu, sau đó để cô bạn gái gây ồn để thu hút sự chú ý của bảo vệ, còn hắn thì giấu các tác phẩm nghệ thuật đánh cắp được dưới chiếc áo mưa của mình.

Nếu khung tranh có gắn hệ thống tín hiệu thì hắn dùng dao nhọn rạch tranh mà không đụng đến khung. Bằng cách đó hắn đã chôm được rất nhiều hiện vật tại… 170 viện bảo tàng.

Tuy nhiên đi đêm lắm có ngày gặp ma. Sau khi thó được 238 tác phẩm nghệ thuật thực và 1 đồ giả thì Stephan bị tóm trong khi đang cố đánh thó ở một bảo tàng mà hắn vừa trộm cách đó hai ngày.

Hắn lĩnh 3 năm tù, còn bạn gái của hắn nhận 1,5 năm tù giam. Sau đó, nhờ cải tạo tốt hắn chỉ phải ngồi tù có 26 tháng. Hắn còn có một “tác phẩm” riêng là một cuốn sách tự viết về thành tích bất hảo của mình và thu được một số tiền kha khá.

Nhưng thật không may cho nhân loại là khi mẹ của Stephan biết được con trai bị bắt bà đã phá huỷ gần hết các bức tranh và những hiện vật nghệ thuật khác mà hắn đem về nhà. Vì vậy mà có hàng trăm tác phẩm quý của các nghệ nhân cổ gồm tranh, bình gốm, sách… đã bị hỏng và bị vứt xuống sông.

Bọn trộm tinh quái

Vào năm 1985, đêm trước của lễ Giáng sinh có một số kẻ tội phạm vô danh đã thực hiện một vụ trộm ở Viện bảo tàng nhân chủng học Quốc gia ở Mexico. Tại đây có trưng bày nhiều hiện vật cổ như bánh xe lịch Maya dự báo ngày tận thế của thế giới vào năm 2012. Vậy chúng đã làm được điều đó như thế nào?

Trong đa số trường hợp thì các vụ trộm thành công là nhờ có biện pháp nghiên cứu hệ thống an ninh, cách vượt các trở ngại và tránh cảnh sát thật nhanh. Bọn trộm đã tổ chức vụ này vào đêm trước ngày Giáng sinh, khi mà các nhân viên bảo vệ đã không còn tỉnh táo sau những ngày lễ kéo dài đến tận lúc đó.

Ở Mexico thì lễ hội có tính toàn dân, mà viện bảo tàng lúc đó không có đủ các khóa điện tử và hệ thống máy quay để theo dõi có hiệu quả, việc tìm sơ đồ của nó khá dễ dàng, mà số nhân viên bảo vệ thì không quá 8 người.

Viện bảo tàng nhân chủng học Quốc gia Mexico 

Thời gian đi tuần tra hết các phòng phải mất 2 tiếng. Vì thế mà bọn trộm hoàn toàn có đủ thời gian để vượt qua hàng rào cao 2m của bảo tàng, bò qua những chiếc hộp không hoạt động của hệ thống thông gió và có mặt ở tầng ngầm. Chúng đã vơ tất cả những gì muốn lấy và bỏ đi mà không cần phải phá khóa, đập cửa sổ hoặc phá cửa ra vào.

Có thể nghĩ là vì việc bảo vệ kém và vụ trộm không nghiêm trọng nên chỉ có vài ba cổ vật đã lọt vào tay bọn tội phạm, nhưng không phải như thế. Vào lúc 8h sáng thì thủ đô thức giấc với tin tức được tờ Forbes gọi là một vụ trộm lớn nhất. Đã có 144 đồ vật rất quý thuộc các niên đại bị đánh cắp, chẳng hạn giá trị chỉ riêng một vật bị đánh cắp có hình chú khỉ con với kích thước không quá 5cm đã lên tới 20 triệu USD.

Đa số những vật bị đánh cắp có kích thước không lớn, chỉ vài centimet vì thế có thể được bỏ vào một chiếc túi nhỏ. Do đang vào các ngày nghỉ lễ nên mãi vài ngày sau thông tin về vụ trộm mới được truyền đi khắp nước. Trong thời gian đó thì bọn trộm đã có khá nhiều cơ hội để trốn tránh và cất giấu chiến lợi phẩm của mình. Cho đến nay mới chỉ tìm được một thứ duy nhất là… một chiếc mặt nạ.

Ngọc Bích (vtc.vn)