Dù bị bệnh tật cướp đi ánh sáng của đôi mắt, họ vẫn không đầu hàng số phận và
trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình đã chọn, thậm chí chiến thắng ở cả
những cuộc thi dành cho người lành lặn.
Vận động viên Olympics mù đầu tiên
Khi Marla Runyan lên 9 tuổi, cô bắt đầu bị bệnh Stargardt, một hội chứng suy
giảm thị lực khiến cô bị mù. Tuy nhiên, khuyết tật chưa bao giờ cản bước tiến
của Runyan. Năm 1987, Runyan bắt đầu theo học tại Đại học San Diego (Mỹ) và tham
gia nhiều sự kiện thể thao tại đây. Sự nghiệp của cô bắt đầu cất cánh sau khi
giành 4 huy chương vàng tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympics
mùa hè 1992. Tại Paralympics 1996 ở Atlanta (Mỹ), Runyan giành thêm 1 huy chương
vàng ở môn đẩy tạ và 1 huy chương vàng ở hạng mục 5 môn điền kinh phối hợp.
Không ngừng phấn đấu, nữ vận động viên khuyết tật đã khẳng định tài năng của
mình trong các cuộc thi chạy dành cho người lành lặn ở cuộc thi Pan American
Games năm 1999 và giành thắng lợi ở đường đua 1.500 mét. Một năm sau, cô đạt
được vị trí thứ 8 trong cuộc thi chạy 1.500 mét tại Thế vận hội Olympics 2000 ở
Sydney (Australia), đánh dấu việc mình là vận động viên mù đầu tiên được phép
thi đấu trong một kỳ Olympics cũng như đạt thành tích cao nhất đối với một phụ
nữ Mỹ tại sự kiện thể thao này.
Người lướt sóng mù
Derek Rabelo, không phải là một người lướt sóng bình thường. Chàng trai 20
tuổi người Brazil này sinh ra đã bị chứng tăng nhãn áp bẩm sinh, nhưng bệnh tật
không ngăn cản anh học lướt sóng khi mới 3 tuổi.
“Với Chúa trời, mọi thứ đều có thể”, Rabelo tuyên bố và đức tin đã đóng một
vai trò quan trọng trong cuộc đời anh: giáo xứ của Rabelo đã giúp đưa anh tới
Hawaii để hoàn thành giấc mơ chế ngự những cơn sóng dữ. Chỉ dựa vào 4 trong 5
giác quan của mình, Rabelo đã trở thành người hùng trong bộ phim tài liệu
“Beyond Sight”.
Họa sĩ mù
John Bramblitt, người Mỹ, mất thị lực năm 2001 khi mới 30 tuổi do biến chứng
của căn bệnh động kinh. Bramblitt cho biết, ban đầu anh lâm vào tình trạng tuyệt
vọng và bị trầm cảm nặng, nhưng sau đó tìm thấy lối thoát cho mình thông qua
việc vẽ tranh. Do không thể nhìn thấy màu sắc nên Bramblitt đã phát triển một kỹ
thuật giúp anh vẽ bằng cách đụng chạm. Theo người họa sĩ mù này, các màu sắc tạo
ra cảm giác khác nhau đối với anh: màu trắng đậm đặc còn màu đen hơi loãng chảy
hơn bình thường, nên khi cần màu xám anh trộn 2 thứ với nhau cho tới khi hỗn hợp
tạo cảm giác phù hợp. Các tác phẩm hội họa của Bramblitt đã được bán ở hơn 20
quốc gia. Anh cũng trở thành nhân vật đặc biệt xuất hiện trên nhiều ấn phẩm báo
chí, chương trình truyền hình cũng như phát thanh toàn cầu vì tài năng độc đáo
của mình. Những nỗ lực của Bramblitt được đông đảo đánh giá cao và anh từng 3
lần được nhận giải thưởng của Tổng thống Mỹ cho các hội thảo về nghệ thuật sáng
tạo.
Vận động viên đua xe mù
Ngày 29/1/2011, Mark Anthony Riccobono cầm lái một chiếc xe hơi Ford Escape
và một mình lái hết đường đua tốc độ cao Daytona thuộc giải đua xe thương mại
NASCAR lừng danh của Mỹ. Điều này dường như không có gì bất thường, ngoại trừ
việc Riccobono bị mù.
Hai công nghệ đã giúp chàng trai khiếm thị cầm lái là: DriveGrip, bao gồm 2
chiếc găng tay phát rung động qua các khớp nối để thông báo cho người tài xế nên
xoay bánh lái nhiều tới mức nào, và SpeedStrip – một chiếc đệm hơi từ lưng xuống
các chân, giúp người tài xế biết cần phải tăng tốc đến mức nào.
Chỉ còn 10% thị lực thông thường lúc lên 5 tuổi, Riccobono mất dần khả năng
nhìn khi lớn lên. Tuy nhiên, hiện tại, nhờ một chương trình hỗ trợ của Hiệp hội
người mù quốc gia Mỹ, anh đang nỗ lực để chứng minh rằng người mù có thể điều
chỉnh để thích nghi với xã hội và điều khiển xe an toàn với sự hỗ trợ của công
nghệ mới.
“Còn nhiều việc phải làm để thuyết phục mọi người rằng, chúng tôi (người mù)
có thể thực sự đieùe khiển một phương tiện giao thông phức tạp và chứa đựng
nhiều rủi ro hơn nhiều. Hiện, chúng tôi phải thuyết phục xã hội rằng, màn trình
diễn này không phải là một trò mạo hiểm. Nó là thực tế. Nghiên cứu động lực học
đã giúp tạo ra những điều đáng kinh ngạc”, Riccobono nhấn mạnh.
Đầu bếp mù
Các đầu bếp dựa rất nhiều vào vị giác và khứu giác để nấu nướng, đặc biệt nếu
họ bị mù, giống như quán quân chương trình thực tế Vua đầu bếp Mỹ (U.S
MasterChef) 2012 – Christine Hà. Năm 2004, Christine Hà được chẩn đoán mắc bệnh
viêm tủy – thị thần kinh (neuromyelitis optica), rồi mất dần thị lực và gần như
mù hoàn toàn vào năm 2007.
Mặc dù chưa bao giờ nấu ăn, cô có một lượng lớn người đăng ký theo dõi trên
blog về thực phẩm của mình. Christine Hà tiết lộ: “Tôi phải phụ thuộc nhiều vào
các giác quan khác để nấu ăn – vị giác, khứu giác và cảm nhận về các loại nguyên
liệu nhất định”. Cô nói thêm rằng, việc không nhìn thấy khi nấu ăn đòi hỏi nhiều
công phu.
Trong 19 phần thi trong cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ mùa thứ 3, Christine Hà giành
chiến thắng 7 lần trong cả các thử thách cá nhân và theo nhóm, thêm 3 lần lọt
vào tốp 3 đầu bếp có thành tích tót nhất nhưng cũng 2 lần lọt vào tốp thí sinh
cuối. Ngày 10/9/2012, cô chính thức được vinh danh là quán quân Vua đầu bếp Mỹ,
nhận giải thưởng 250.000 USD cùng cúp vô địch và một hợp đồng viết sách nấu ăn.
Nhiếp ảnh gia mù
Pete Eckert từng theo học chuyên ngành điêu khắc và thiết kế công nghiệp khi
còn sáng mắt. Tuy nhiên, khi chuẩn bị vào Đại học Yale (Mỹ), anh bắt đầu bị mất
thị lực vì chứng viêm võng mạc sắc tố (retinitis pigmentosa). Không đầu hàng số
phận, Eckert bắt đầu đến với nhiếp ảnh ngay cả sau khi bị mù và tạo nên những
bức ảnh sống động với ống kính Mamiyaflex TLR của mình. Eckert tiết lộ, anh đã
mường tượng các hình ảnh mình muốn tạo ra trong trí não và sử dụng thính giác,
xúc giác và trí nhớ để tạo ra các bức ảnh.
Kiến trúc sư mù
Christopher Downey, một kiến trúc sư, chuyên gia vẽ thiết kế và tư vấn, đã
mất thị lực vào năm 2008 sau khi một khối u bao quanh dây thần kinh thị giác của
ông. Để tiếp tục công việc của mình, Downey đã tìm tới một nhà khoa học máy tính
mù, người đã sáng chế ra một cách in các bản đồ trực tuyến thông qua một máy in
xúc giác. Hiện nay, ông Downey đang nỗ lực tạo ra nhiều môi trường phong phú và
hữu ích hơn đối với người mù và người khiếm thị, cũng như cho ra đời các chu
trình thiết kế thỏa mãn hơn nhu cầu của khách hàng là người mù.
Tuấn Anh(Theo Oddee)
(vietnamnet.vn)