Thứ năm, 6/6/2013, 17:22 GMT+7
Một đám cưới truyền thống ở Trung Quốc. Ảnh minh họa: Merledress. |
Sau khi dư luận bàn tán về việc đàn ông ở tỉnh Hà Nam phải chuẩn bị mức tiền sính lễ 60.000 nhân dân tệ là quá cao, Hu Zhiwei, phó phụ trách mảng đời sống của trang web lớn Sina, đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 300 người và đưa ra “bản đồ tiền sính lễ quốc gia”,
Theo đó, bản đồ chia Trung Quốc thành 5 khu vực với các mức tiền sính lễ khác nhau, nơi tốn kém nhất lên tới 1 triệu tệ (khoảng 163.000 USD), trong khi có nơi lại chẳng tốn đồng nào như thành phố Trùng Khánh.
Đối tượng của cuộc khảo sát là những người trẻ tuổi đã yêu nhau trong nhiều năm, nhưng vì vấn đề tiền sính lễ mà cuối cùng lại chia tay. Hu đưa ra “bản đồ tiền sính lễ” với mong muốn mọi người có thể nhận ra rằng “tình yêu là điều cao quý không thể bị hạ thấp bởi tiền bạc”.
Nỗi lo “không có khả năng kết hôn”
Sau khi xem tấm bản đồ, cùng với mức tiền sính lễ trung bình 60.000 tệ (9.700 USD) ở Hà Nam, nhiều cư dân mạng đã thở dài vì tự thấy không có khả năng kết hôn.
Xinyang Zhu dự định kết hôn hồi đầu năm 2009 sau mối tình kéo dài hai năm. Tuy nhiên, vợ anh và gia đình cô yêu cầu anh chuẩn bị khoản tiền sính lễ 80.000 tệ (13.000 USD) hoặc là “đừng lấy vợ nữa”, khiến áp lực đè nặng lên Zhu.
“Người ta làm việc 4 đến 5 năm, tiết kiệm được khoảng hơn 200.000 tệ (32.600 USD), nhưng sau đó lại phải dồn hết vào tiền sính lễ”, Zhu nói và cho biết anh đã phải vay người thân để có đủ tiền. Cho đến năm ngoái, Zhu mới trả hết số nợ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các cô dâu ở Hà Nam đều yêu cầu khoản tiền sính lễ cao ngất ngưởng như vậy. Liu, sống tại thành phố Tân Hương, kết hôn vào năm ngoái và đưa cho mẹ vợ khoản tiền là 20.000 tệ. Nhưng Liu đã rất ngạc nhiên khi vào năm sau, mẹ vợ anh đã mua ngôi nhà mới cùng số tiền mà anh đưa.
Sau khi phỏng vấn hơn 10 người đã kết hôn hai hoặc ba năm, các phóng viên nhận ra không phải ai cũng được may mắn như Liu. Đàn ông Hà Nam khi được hỏi thường cho biết, của hồi môn mà họ phải chuẩn bị cao hơn 4-5 lần so với mức trung bình 60.000 tệ mà dư luận đang bàn tán.
Trả lời lý do tại sao những cô vợ lại “đắt” đến vậy, nhiều người nghĩ rằng đó là do tâm lý so sánh ở nơi làm việc. Như mẹ vợ Zhu, bà hay kể những câu chuyện về con nhà người khác và nói rằng đó là vấn đề về thể diện, hay cũng không ít những phụ nữ nói rằng họ yêu cầu tiền nạp cao để xem tầm quan trọng của mình đối người với chồng.
Tiền bạc không làm nên hạnh phúc
Zhang Ming, chuyên gia xã hội học tại Đại học Trịnh Châu ở Hà Nam, cho hay ở những vùng nông thôn truyền thống, các cô con gái sau khi kết hôn sẽ khó có thể chu cấp cho bố mẹ mình được nữa. Bởi vậy, cha mẹ họ hy vọng nhận được một khoản tiền đủ để giữ ổn định cuộc sống như trước đó.
Zhang cho rằng đây là điều dễ hiểu, nhưng với sự phát triển của xã hội, việc tăng mức tiền sính lễ lên quá cao đã làm mất đi ý nghĩa ban đầu của nó và trong mắt nhiều người, tình yêu hay hôn nhân dường như là một cuộc trao đổi vật chất.
Cũng theo Zhang, tiền không thể đặt nền tảng cho một hôn nhân hạnh phúc mà tình yêu đích thực và sự hòa thuận mới là chiếc chìa khóa. Việc lập gia đình không phải để giữ thể diện và đem ra so sánh mà là để thực sự hiểu được ý nghĩa của tình yêu và hôn nhân: đó là khiến hai người hạnh phúc hơn, gắn bó với nhau lâu dài hơn.
Thu Hằng (Theo Best-news)
(vnexpress.net)