Du khách thăm quan Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, Trung Quốc năm 2007 |
Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã cho phóng một tên lửa vào không gian hôm 13/5 song không có bất cứ một vật thể nào được đưa lên quỹ đạo. Trong khi đó, tên lửa cũng đã quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất trên khu vực Ấn Độ Dương.
“Chúng tôi đã theo dõi trong suốt quá trình phóng tên lửa song không thấy bất cứ một vật thể nào bay vào quỹ đạo cũng như không một vật thể nào liên quan tới vụ phóng còn lưu lại trong vũ trụ”, trung tá Monica Matoush – phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói.
Theo chuyên gia Jonathan McDowell tại Trung tâm Vật lý thiên thể Harvard-Smithsonian, tên lửa của Trung Quốc đã được phóng lên độ cao cách Trái đất 10.000 km – độ cao lớn trong các vụ phóng ở quỹ đạo thấp trên toàn thế giới kể từ năm 1976.
Trung Quốc cho biết tên lửa trên được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, miền tây nước này, nhằm đưa một thiết bị khoa học phục vụ nghiên cứu từ quyển của Trái Đất.
Tuy nhiên, một quan chức Bộ Quốc phòng cho hay nguồn tin tình báo Mỹ khẳng định trong tương lai, tên lửa này có thể được sử dụng để chuyên chở một thiết bị chống vệ tinh trên cùng hành trình bay. Song, cả vị quan chức này và Lầu Năm Góc đều không công bố chi tiết loại tên lửa mà Trung Quốc đã đưa vào không gian hôm 13/5.
“Đây là loại tên lửa đặt trên mặt đất. Vụ phóng thực chất là cuộc thử nghiệm đầu tiên của loại tên lửa đánh chặn, được thiết kế để phá hủy một vệ tinh trong quỹ đạo”, vị quan chức giấu tên cho biết.
Ông Mike Rogers – Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cũng từ chối bình luận cụ thể về vụ phóng của Trung Quốc song khẳng định Bắc Kinh đang thể hiện thái độ hung hăng hơn trong không gian. “Bất cứ quốc gia nào thể hiện thái độ hung hăng hơn trong không gian cũng sẽ làm dấy lên mối lo ngại”, ông Rogers phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh mạng Reuters.
Lâu nay, Mỹ đặc biệt quan tâm tới sự phát triển các khả năng chống vệ tinh của Trung Quốc sau sự việc năm 2007. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh đã “triệt hạ” một trong số các vệ tinh ngừng hoạt động của nước này ngay trên quỹ đạo, tạo ra một lượng lớn rác vũ trụ.
Ông McDowell nhận định vụ phóng hôm 13/5 tương tự như các vụ phóng sử dụng tên lửa Blue Scout Junior được Không quân Mỹ thực hiện vào những năm 1960 nhằm nghiên cứu về từ quyển của Trái Đất.
Trước đó, tất cả các vụ phóng vào khu vực quỹ đạo thấp lên độ cao 10.000 km chỉ được Mỹ thực hiện. Trong khi, tất cả các vụ thử nghiệm tên lửa trước đây của Trung Quốc chỉ đạt độ cao dưới 2.000 km mặc dù Bắc Kinh từng phóng các thiết bị khác lên quỹ đạo xa hơn bao gồm đưa tàu thám hiểm lên Mặt trăng.
Theo ông McDowell, phần lớn các vụ phóng vào khu vực quỹ đạo thấp phục vụ khoa học chỉ đạt độ cao lớn nhất là 1.500 km. Trong đó, vụ phóng năm 1976 được phối hợp giữa Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và trung tâm của ông McDowell đã đưa một chiếc đồng hồ nguyên tử lên độ cao 10.280 km trong không gian.
Vụ phóng hôm 13/5 diễn ra chỉ chưa đầy một tuần Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ – Ashton Carter công bố vấn đề mà ông gọi là nỗ lực “quá chậm” để bảo vệ các vệ tinh an ninh quốc gia Mỹ cũng như phát triển các thiết bị chống lại kẻ thù tiềm năng trong không gian.
Hiện tại, các quan chức quân sự phụ trách lĩnh vực không gian của Mỹ đang dần cải thiện độ bền của các vệ tinh anh ninh quốc gia trong quỹ đạo.
Hồi tuần trước, Lầu Năm Góc cũng cho công bố bản báo cáo dài 83 trang về quá trình phát triển quân sự của Trung Quốc. Trong đó, Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc đang tăng cường khả năng hoạt động trong không gian và theo đuổi hàng loạt mục tiêu nhằm ngăn chặn kẻ thù tấn công trên vũ trụ.
Theo Infonet