Khách đến Tây Tạng thường tìm đến với “thánh địa Phật giáo” Lhasa. Chuyến tàu Bắc Kinh – Lhasa rất dài, có người còn từng ví nó như đời người, có đủ hỉ, nộ, ái, ố. Lhasa được người Tây Tạng giải thích là “đất bùn của dê” bởi thành phố được xây dựng trên đất bùn do những chú dê vận chuyển tới.
Biểu tượng của thành phố trên núi này là Cung điện Potala, Cung điện của Bồ Tát, nơi ngụ của các vị Lạt Ma, xây trên núi Mabuge. Cung điện dựng đứng sừng sững, cao tới 13 tầng này như một ngọn núi, gây ấn tượng cho bất cứ ai lần đầu tới thăm.
Ngoài Cung điện, Chùa Đại Chiêu cũng là một di sản văn hóa thế giới và là nơi đón hàng triệu người hành hương, Thiền viện Drepung, một công trình tôn giáo lớn bằng cả ngôi làng, là nơi học tập của hàng nghìn cư sĩ.
Đến với Tây Tạng, không khó để nhìn thấy những đoàn người ăn mặc rách rưới, hành hương về đất Phật, tái hiện hình ảnh của thánh tăng Hư Vân, người đã thực hiện cuộc hành hương “tam bộ nhất bái” (ba bước một lạy) trên một chặng đường dài 2500km từ Phổ Đà Sơn về Ngũ Đài Sơn. Người dân Tây Tạng rất sùng Phật. Ở ngoài đường, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những người dân tay lần tràng hạt.
Ngoài những quần thể kiến trúc tôn giáo lớn, Tây Tạng còn nổi tiếng bởi thiên nhiên hùng vĩ và bao la, với vùng thảo nguyên đầy gió cát và những ngọn núi cheo leo.
Hồ thiêng Nam-tso là một trong những truyền thuyết lâu đời của Tây Tạng. Hồ rộng lớn như biển, nước xanh thẳm, in bóng dãy núi tuyết Nyenchen Tanglha cao tới 7000m. Truyền thuyết kể lại ở hồ thiêng Nam-tso có những thủy quái kỳ lạ, điều này làm cho hồ càng trở nên huyền bí hơn. Có những người dân Tây Tạng vẫn hành hương về hồ thiêng này, họ đi trên mặt hồ đóng băng để ra những đảo nhỏ giữa hồ, ở lại đến mùa đông năm sau mới trở về.
Hồ Nam-tso