Tinh Hoa

Ngoại trưởng Mỹ phớt lờ đe dọa “Âu tiến” của Gaddafi

Vào hôm qua (2/7), Ngoại trưởng Mỹ Hillary
Clinton đã tỏ ra bàng quan với những phát biểu đậm tính đe dọa của ông Gaddafi, đồng thời tiếp
tục kêu gọi ông nên từ bỏ quyền lực của mình.

 
 

Tại cuộc họp báo trong suốt chuyến thăm Tây Ban Nha – một thành viên NATO, bà Clinton đã phát biểu: “Thay vì đưa ra những lời đe doạ, ông Gaddafi nên đặt lợi ích và phúc lợi của chính người dân lên hàng đầu. Ông ta nên từ bỏ quyền lực, tạo điều kiện cho một cuộc chuyển đổi dân chủ“.

 

Ngoại trưởng Mỹ đã không thèm để tâm tới lời đe doạ của ông Gaddafi

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Trinidad Jimenez cũng khẳng định lập trường của liên minh không hề thay đổi: “Phản ứng của Tây Ban Nha và của liên minh quốc tế vẫn thống nhất và kiên định với những gì chúng tôi đã làm được trong những tháng vừa qua“.

Trong khi đó, các quan chức NATO từ chối tiết lộ về khả năng đánh bộ trên đất Libya mặc dù họ đang gặp bế tắc sau chiến dịch đánh bom dài 104 ngày của mình.

Bộ Quốc phòng Anh cho hay, các máy bay trực thăng Apache đã tấn công vào 3 xe tăng và một căn hầm trong một cuộc tấn công nhằm vào một trại quân đội ở phía Tây thủ đô Tripoli hôm thứ 6 (1/7) vừa qua.

 

Tổng thống Muammar Gaddafi từng đe doạ sẽ tấn công châu Âu nhằm trả thù các hành động của NATO ở Libya.  

Tờ Asharq al-Awsat có trụ sở ở London đưa tin, các đại diện của Gaddafi đã có cuộc hội đàm với các quan chức Pháp và Anh trên đảo Djerba của Tunisia. Tờ báo này cũng trích dẫn thông tin từ các nguồn chưa rõ tên từ cả phía Gaddafi lẫn phe đối lập cho hay, ông Gaddafi sẵn sàng từ chức nếu ông không bị truy tố, được phép sống tại quê nhà ở Sirte (thuộc phía Bắc Libya) với sự đảm bảo về mặt an ninh.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm qua đã thống nhất sẽ tổ chức một cuộc hội đàm nhằm thảo luận về nền hoà bình ở Libya. Tuy nhiên, hiện thời gian và địa điểm của cuộc họp này vẫn chưa được tiết lộ. Trước đó, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Phi từng đề nghị họp bàn về một lệnh ngừng bắn cũng như việc chuyển đổi sang chế độ dân chủ, nhưng còn bỏ ngỏ việc liệu ông Gaddafi có giữ chức vụ Tổng thống Libya trong tương lai hay không.

 

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đồng ý hội đàm với Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma về Libya 

Các đại biểu tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Phi ở Equatorial Guinea vào hôm thứ 6 đã quyết định không ủng hộ hoặc thực hiện lệnh truy nã ông Gaddafi của Toà án Hình sự Quốc tế. Vào cuối hội nghị này, phóng viên của Reuters cũng đã nhìn thấy một tài liệu “mật” trong đó các quốc gia thành viên đồng ý sẽ không thực hiện lệnh bắt giữ ông Gaddafi. Điều này mở ra một cơ hội rằng ông có thể đi sống lưu vong ở một trong số 53 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi.

Tại hội nghị ở Equatorial Guinea, đại diện phiến quân nổi dậy Mansour Sayf al Nasr đã nói với các phóng viên: “Chúng tôi cho rằng điều này đồng nghĩa với việc ông Gaddafi không có chỗ trong tương lai của Libya“. Tuy nhiên, các quan chức của Gaddafi hiện vẫn chưa công khai phản ứng gì với kế hoạch trên.

Bách Hợp (tổng hợp Reuters, RIA Novosti)