Tinh Hoa

“Tức nước, vỡ… chùa”


Thông điệp quan trọng nhất mà vị trụ trì gửi tới thành phố là kể từ ngày 2.5, sau 30 ngày nữa mà không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành giải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói chống dột.

Có lẽ sau vụ tự ý dỡ gác Khánh và nhà Tổ ở chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) hồi tháng 8.2012, trụ trì chùa Diên Hựu đã rút kinh nghiệm sâu sắc nên trước khi làm một hành động tương tự, ông gửi “tâm thư” cho chính quyền để tránh một vụ lùm xùm về sau. Chuyện nghe thật là chua chát. Ở đâu có chuyện bảo vệ di sản như ở Việt Nam này? Chính quyền, cơ quan chức năng thờ ơ với lời kêu cứu bảo vệ, giữ gìn của di sản, đến nỗi người chịu trách nhiệm trông coi phải gửi “tối hậu thư” theo kiểu nói trắng phớ ra là: Trong vòng 1 tháng nữa mà các ông không cứu chùa, thì đừng trách chúng tôi phải xắn tay tự thực thi nhiệm vụ.

 

Trụ của Chùa Một Cột đã có những vết nứt. Ảnh: Đàm Duy

 

Còn nhớ lời phát biểu đầy nước mắt của sư thầy Thích Đàm Khoa- trụ trì chùa Trăm Gian – trong buổi “kiểm điểm trách nhiệm”: “Vì lời kêu cứu của tôi suốt 4 năm trời không được đáp ứng nên tôi cũng đành liều. Nếu chờ thì không biết chờ đến bao giờ”. Chờ đến bao giờ? Câu hỏi này đã lặp lại với không biết bao nhiêu di tích. Chùa Một Cột cũng đã chờ 5 năm nay. Từ năm 2008, sư trụ trì đã có tờ trình kêu lên thành phố, báo chí đã rầm rộ vào cuộc, đăng ảnh mỗi khi trời mưa, tượng Phật phải đội nón và khoác áo mưa vì mái chùa dột nát…

Những thảm cảnh của ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, ngay cạnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh động được đôi chút với những người có trách nhiệm. Một vài hội thảo được tổ chức để tìm cách trùng tu, rồi cuối cùng lại đâu vào đấy, chùa vẫn dột, tượng Phật vẫn phải đội nón và khoác áo mưa như người trần. Thật rõ trái ngang khi thần thánh cũng phải dãi dầu mưa nắng.

Chùa Một Cột là một trong những biểu tượng quan trọng của thủ đô. Đó là một di sản quý giá có 964 năm lịch sử, gắn với chiều dài 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Có lẽ việc huy động tiền công đức để trùng tu chùa từ phật tử khắp nơi không quá khó trong phong trào “xã hội hóa” đang lên hiện nay. Cái khó là những người chịu trách nhiệm về việc ra quyết định cho phép chùa được trùng tu thì cứ lần khân, chậm trễ. Không hiểu vì lý do gì, hay vì họ còn quá nhiều chuyện cần kíp hơn phải giải quyết? Hoặc giả họ đã đạt tới cảnh giới “vô vi”, xem mọi chuyện trên đời như khói mây, không gì có thể làm động tâm được nữa?

“Tức nước thì vỡ… chùa”, bao nhiêu bức xúc dồn nén, bao nhiêu lời khẩn cầu không được hồi đáp đã khiến chúng ta mất đi rất nhiều di sản, tới khi biết ra thì chùa đã bị trùng tu làm mới hay phá xong rồi.

Hy vọng với bức “tối hậu thư” này, số phận của chùa Một Cột sẽ khá hơn chùa Trăm Gian.

 

 

Theo danviet