Tinh Hoa

Than tăng giá, điện rục rịch tăng theo

Bộ Công Thương cho biết, hiện Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đang tính toán chi phí phát sinh sau khi giá than bán cho điện tăng để trình Bộ Công Thương điều chỉnh giá mua – bán điện.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm qua (6.5), ông Đặng Huy Cường – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, giá than bán cho điện tăng từ 20.4.2013 chắc chắn ảnh hưởng tới giá thành điện từ thời điểm này. Bộ Công Thương đang yêu cầu EVN tính toán chi phí phát sinh để có kế hoạch điều chỉnh giá mua-bán điện.

Than tăng giá, điện rục rịch tăng theo - Tin180.com (Ảnh 1)

 

Với việc giá than cho sản xuất điện đã tăng, EVN có thể sẽ xin tăng giá điện trong tháng 5 này.

“EVN phải tính cả thực tế vận hành điện các tháng qua, cộng với thời điểm giá than tăng thì mới có đủ căn cứ để điều chỉnh giá điện” – ông Cường khẳng định. Và hiện, theo ông Cường, EVN “đang tính toán, chưa báo cáo Bộ nên Bộ chưa có kế hoạch cụ thể nào để điều chỉnh giá điện trong thời gian tới”.

Ông Đặng Huy Cường cho biết, 4 tháng đầu năm nay, ngành điện đã đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế dù đầu vào của ngành điện có biến động. Đến thời điểm này, EVN vẫn cam kết cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của người dân, trừ trường hợp quá bất thường về nhu cầu điện. Trả lời phóng viên NTNN về việc có hay không chủ trương giảm dần việc mua điện từ Trung Quốc, ông Cường nói: Chủ trương của EVN là khai thác tối đa điện than, khí và mua điện của Trung Quốc để không phải phát điện dầu. Hiện nước về sớm sẽ tạo điều kiện cho EVN khai thác thủy điện, mục tiêu phát điện là sẽ giảm các nguồn điện đắt tiền, nhằm giảm chi phí và áp lực phải tăng giá điện. Hiện nguồn điện mua của Trung Quốc không phải là đắt nhất.

Thực tế, việc Bộ Công Thương không khẳng định chưa điều chỉnh giá điện trong tháng 5 mà chỉ “thòng” một câu “thời gian tới” (tháng 4 Bộ này đã tuyên bố không điều chỉnh giá điện) đã cho thấy, việc điều chỉnh giá điện đang gần kề. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Kế hoạch điều chỉnh giá điện trong năm 2013 của EVN đã đặt ra từ năm 2012, lúc đó EVN xin điều chỉnh giá điện từ 7-10%. Do vậy, với việc giá than bán cho điện tăng 27% thì việc điều chỉnh giá điện tới đây chắc chắn sẽ không dừng ở mức 5%.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tăng giá điện thời điểm này là “khôn ngoan” nhất cho ngành điện vì thông thường lý giải của ngành điện sẽ là nhu cầu sử dụng điện cao, lạm phát đã giảm tốc và để đáp ứng điện cho nền kinh tế nên EVN sẽ phải huy động các nguồn đắt tiền… “Dù lý do gì thì EVN cũng không nên tăng giá điện quá cao để tương ứng với giá than tăng, làm cho nền kinh tế và đời sống người dân khó khăn” – bà Lan nói.

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN cũng cho rằng, giá than tăng lên bao nhiêu đang đe dọa giá điện cũng phải tăng lên tương ứng bấy nhiêu. Bởi giá thành điện phụ thuộc phần lớn vào giá nhiên liệu, 60% chi phí nhiên liệu mới cho ra 1kWh.

Hiện điện cũng đang bán dưới giá thành, năm nay chắc chắn sản xuất điện lỗ vì thủy điện khó khăn. Chỉ có năm ngoái ngành điện lãi vì thủy điện phát điện là chính. Vậy giá điện tăng lên ở mức cao cũng là điều khó tránh.

Đến thời điểm này là gần 5 tháng sau khi EVN cho tăng giá điện lần gần đây nhất (ngày 22.12.2012). TS Lê Đăng Doanh cho rằng, EVN sớm muộn cũng đòi tăng giá điện trong tháng 5 vì tập đoàn này khó lòng “chịu nổi” việc giá than tăng.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, điện là mặt hàng thiết yếu nên Chính phủ cần cân nhắc phê duyệt phương án điều chỉnh giá thích hợp: “Không nên thấy CPI đang ở mức khá thấp mà cho phép tăng giá điện lên quá cao vì điện tăng sẽ đẩy giá các mặt hàng thiết yếu khác tăng khiến doanh nghiệp, người dân thêm khốn khó”

(theo danviet)