Tinh Hoa

Tai hoạ từ cây gậy của cảnh sát

Theo điều 9, khoản 3, điểm I, K Nghị định 34/2010 của Chính phủ, những người đi xe môtô, gắn máy không đội MBH sẽ bị xử phạt hành chính.

Tuy chỉ là hành vi vi phạm hành chính (vì không đội MBH), không ít người dân đã phải giã từ cuộc sống, mang thương tích, còn người thực thi nhiệm vụ thì vướng vào vòng lao lý. Đâu là nguyên nhân dẫn đến hệ lụy không đáng có này trong xã hội?
   
Công an Hà Nội khẳng định sẽ không có việc cảnh sát giao thông truy đuổi đến cùng người vi phạm. Ảnh: Giang Huy 

Hệ lụy khôn lường

Trung tá Nguyễn Văn Ninh (CA phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) gần đến tuổi về hưu, lĩnh án 4 năm tù vì tội làm chết người trong khi thi hành công vụ. Nguyên nhân đẩy vị trung tá – người thực thi nhiệm vụ – phải vào tù, còn người dân chỉ vì bỏ MBH để nghe điện thoại… bị đánh chết cũng… vì chiếc MBH.

Cô sinh viên Trường ĐHSP Thái Nguyên Hoàng Thị Trà hẳn vẫn chưa quên được buổi tối ngày 6.8 – cách đây gần 3 năm. Trà và bạn trai tên Tuấn Hùng chở nhau trên xe máy, dạo chơi, không đội MBH, bỗng thấy hai thanh niên mặc thường phục đuổi theo, ép xe, ra dấu hiệu dừng xe. Tưởng gặp cướp, Hùng tăng ga, chỉ chạy được đoạn đường ngắn, họ bị hai thanh niên ép ngã, chưa kịp hoàn hồn, súng nổ, viên đạn xuyên thẳng vào đùi Trà.

Một năm về trước, chị Lê Thị Thủy ở Hưng Yên ngồi sau không đội MBH cũng bị gậy của Công an huyện Văn Giang vụt tím mặt, ngất xỉu phải đi cấp cứu. Chiến sĩ cảnh sát tường trình rằng, chỉ giơ gậy, báo hiệu dừng xe, nhưng do xe phóng nhanh quá, chạm vào gậy nên mặt mới bị bầm tím (!?).

Một cán bộ của Viettel, sau khi đá bóng, vào quán bia trên đường Nguyễn Tuân (Hà Nội) uống vài cốc. MBH treo trên tay lái, vừa lên xe thì gặp cảnh sát cơ động (CSCĐ) và lập tức phải nhập viện cấp cứu. Anh cán bộ quên không đội MBH này- theo tường trình của CSCĐ- thì anh này tự ngã, nặng đến mức phải đi cấp cứu, còn tổ CSCĐ này lại xin gia đình được lo viện phí.

Sau khi CA Hà Nội đưa ra kết luận tổ cảnh sát Y5-141 không đánh người không đội MBH và cho rằng người dân sợ, chạy, đâm vào dải phân cách, tự ngã, nhưng theo phản ánh của Báo Người Lao Động đăng tải ngày 17.3.2013 thì: Một người dân đã gửi thư điện tử cho báo cung cấp thêm chứng cứ. Đó là băng ghi âm được cho là của những người đã đưa anh Hoàng đến bệnh viện cấp cứu. Trong đoạn ghi âm, một số người đã tỏ ra bức xúc trước hành động của lực lượng cảnh sát 141.

Trong đó, 2 người khẳng định đã tận mắt chứng kiến việc chiến sĩ cảnh sát 141 dùng gậy đập anh Hoàng khi anh không đội MBH. Những chứng cứ nói trên khá trùng khớp với lời kể của một số người dân sống gần nơi xảy ra vụ việc với phóng viên nhiều tờ báo. Nhiều người cho rằng do sợ phiền hà nên họ không dám trực tiếp tố cáo hành vi lạm quyền.

Trong những năm gần đây, ở nhiều địa phương xảy ra ngày càng nhiều vụ người dân không đội MBH, bị lực lượng CA, dân phòng đuổi đánh. Người dân sợ bị phạt, cắm đầu chạy lao xuống mương chết, đâm vào cột điện… tử vong. Không chết thì cơ thể cũng bị bầm giập vì bị đánh.

Ở Bắc Giang, người dân đã mang quan tài anh Nguyễn Văn Khương (không đội MBH, bị CA đánh tử vong) đến trụ sở tỉnh ủy phản ứng… Vụ đánh người, nổ súng để truy tìm người không đội MBH xảy ra ở xã Trà Đa (TP.Pleiku – Gia Lai) gây bất bình trong xã hội. Phát hiện 2 thanh niên không đội MBH đã vào Cty TNHH Cường Thịnh Phát, cả chục người là CA xã, dân quân tự vệ xông vào Cty để truy tìm. Mặc dù lãnh đạo Cty nói rằng nhân viên Cty vi phạm giao thông, sẽ đưa người lên CA xã, nhưng nhóm người đó vẫn giơ súng, chĩa vào đầu lãnh đạo Cty…

Giao chỉ tiêu phạt

Một trong những nguyên nhân gây bức xúc dư luận là do cách ứng xử của một số cán bộ thực thi pháp luật với những người không đội mũ bảo hiểm. Không ai cổ vũ cho hành vi không đội MBH của người dân. Tuy nhiên, người thi hành công vụ cũng phải nhận thức rằng, người không đội MBH chỉ vi phạm hành chính, họ không phải là tội phạm nguy hiểm để CA phải truy đuổi, nổ súng… gây bất bình trong xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng CAND.  

 

Ảnh chụp tại ngã tư Trường Chinh – Tôn Thất Tùng (Hà Nội). Ảnh: Đăng Huỳnh

Người tham gia giao thông ở Hà Nội đã từng phản ứng gay gắt hiện tượng, khi cả dòng người đang lưu thông với mật độ dày đặc, bỗng thấy một CSGT tay giơ gậy, lao vào giữa dòng người để chặn một người vi phạm, bất chấp sự an toàn của chính người CSGT cũng như người tham gia giao thông.

Dư luận bấy lâu nay vẫn cứ “đồn thổi” chuyện ấn định mức thu phạt của CA cơ sở, nhưng qua vụ trật tự đô thị “múa gậy”, phạt người vi phạm giao thông ở P.Thịnh Quang (Đống Đa, HN), “lộ” ra nguyên nhân vì áp lực số tiền mà cấp trên giao chỉ tiêu. CA Q.Đống Đa thì thanh minh rằng, chỉ giao chỉ tiêu vụ việc, không giao chỉ tiêu cụ thể bằng tiền.

Theo Báo Tiền Phong: Chỉ tiêu 500 tỉ đồng năm 2012, phạt vi phạm giao thông. Báo này đã dẫn lời ông Trần Thùy – Phó Giám đốc CA TP.Hà Nội: “…Tổng mức tiền phạt vi phạm giao thông, chỉ tiêu cũng tăng lên trên 500 tỉ đồng, gấp 2 lần so với thực tế… Năm 2012 là Năm ATGT nên bộ đưa ra con số trên để khuyến khích anh em làm việc…”. Điều rất đáng lo lắng là, dù lực lượng dân phòng không được dừng xe, nhưng CA phường, quận vẫn cho họ ra đường chặn xe một cách đường hoàng (!?).

Việc xử lý vi phạm hành chính mang tính chất phòng ngừa là chính, chứ không phải để trừng trị hay tận thu ngân sách cho Nhà nước.   

 

Vi phạm Luật Giao thông sẽ không được xét thi đua
“Việc chấp hành pháp luật về ATGT là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên” – Báo điện tử Đảng Cộng sản dẫn phát biểu của thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh trong Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” diễn ra tại Hà Nội sáng 25.3. Phát biểu tại hội nghị, thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị “cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo Cty cần tăng cường nhắc nhở tuyên truyền cán bộ công nhân viên chức về ý thức chấp hành Luật Giao thông, đưa vấn đề này trở thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng. Thậm chí, có thể không xét thi đua đối với những cán bộ, công chức, học sinh vi phạm Luật Giao thông”.
Anh Đào
TP.Hồ Chí Minh: Không có chuyện phang gậy vào người vi phạm!
Một cán bộ lãnh đạo Phòng CSGT đường sắt-đường bộ (PC67)- CA TPHCM khẳng định: “CSGT không được phang gậy vào người, vào xe vi phạm, đây còn là hành vi nghiêm cấm và thời gian qua tại TPHCM chưa xảy ra trường hợp nào như vậy. Tất cả CSGT làm nhiệm vụ trên đường tuần tra kiểm soát đều phải chấp hành nghiêm túc các quy định về quy trình theo Bộ CA quy định”. Cũng theo CSGT TPHCM, hiện CSGT tuần tra kiểm soát trên đường phải đeo thẻ xanh trên ngực trái, do Bộ CA cấp, có ảnh, tên mới được quyền dừng xe vi phạm. Ngoài ra, theo quy trình tuần tra kiểm soát thì CSGT không được quyền nhảy bổ ra đường, phang gậy, chặn đầu xe… mà phải đứng trước đầu xe một khoảng cách an toàn, giơ cao gậy điều khiển, ra hiệu còi để người điều khiển xe vi phạm nhận biết. Thái độ của CSGT dừng xe cũng phải thực hiện nghiêm theo quy định, đó là chào người điều khiển phương tiện trước khi yêu cầu kiểm tra giấy tờ xe…
P.Bắc

Theo Lao Động