Tinh Hoa

Ngân hàng âm thầm thay tướng

Bà Dương Thị Mai Hoa – nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) vừa nhận nhiệm vụ mới là Tổng giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank). Trước đó, bà từ nhiệm Tổng giám đốc VIB với lý do cá nhân sau hơn một năm giữ chức.

Hội đồng quản trị VIB ngay sau đó bổ nhiệm ông Lê Quang Trung, từ vị trí Phó tổng giám đốc, Giám đốc khối nguồn vốn và ngoại hối lên nắm quyền Tổng giám đốc. Tuy nhiên, một nguồn tin từ nhà băng này cho biết, người chính thức thay thế bà Hoa tại VIB dự kiến là lãnh đạo cấp cao của một nhà băng ngoại.

Trước đó, hồi tháng một, cùng với việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nguyễn Mạnh Quân, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP HCM (HDBank) đã bổ nhiệm ông Lê Xuân Vũ vào vị trí Phó tổng. Ông Vũ từng giữ chức Phó tổng Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).


Trong một diễn biến tương tự, gần đây, đề án hợp nhất giữa Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) và Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) vừa được nhà băng này công bố để chuẩn bị xin ý kiến cổ đông. Dự kiến, cuối tuần này Western Bank sẽ tổ chức Đại hội cổ đông và lần lượt bầu các vị trí lãnh đạo cấp cao như Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc. Trước đó, ngày hồi tháng 8/2012, quyền tổng giám đốc tại Western Bank được miễn nhiệm và chưa bổ nhiệm lại.Ở một số nhà băng khác, việc thay đổi về cơ cấu cổ đông cũng khiến nhiều lãnh đạo cấp cao rời ghế. Những thay đổi này không chỉ gắn với một cá nhân mà là cả bộ máy. Sau khi đại gia địa ốc là Tập đoàn Thiên Thanh tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), bộ máy nhân sự cấp cao của nhà băng này gần như được thay máu hoàn toàn. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 7/2 của TrustBank, toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhà băng này đã từ nhiệm, thay vào đó là những gương mặt mới.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thay đổi về nhân sự ngân hàng trong thời gian qua chủ yếu gắn liền với quá trình tái cấu trúc. Với những thay đổi ở cấp lãnh đạo, các ngân hàng hy vọng sẽ tìm ra một hướng đi mới. Do đó, theo ông Hiếu đó là những diễn biến tích cực.

“Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan là do chính các nhà băng trước yêu cầu tái cấu trúc, ở đâu đó, Chính phủ hoặc cơ quan chức năng đã có những áp lực đối với ngân hàng để thay đổi lãnh đạo”, ông Hiếu nhận định.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search cũng nhận định hợp nhất, sáp nhập là một trong những tác nhân quan trọng gây ra biến động nhân sự ngành ngân hàng thời gian qua. Bên cạnh đó sức ép về lợi nhuận từ cổ đông của nhà băng cũng là một nguyên nhân quan trọng.

“Lợi nhuận giảm mạnh, nợ xấu cao… và bộc lộ nhiều yếu kém khiến áp lực ‘thay máu’ của các nhà băng càng trở nên nặng nề”, bà Vân Anh cho hay.

Liên quan đến quá trình tái cấu trúc ngân hàng, cuối tháng một, kế hoạch sáp nhập giữa Sacombank và Eximbank đã được thông qua. Theo đó, khi hoàn thành việc sáp nhập, ông Hiếu dự đoán chắc chắc nhân sự cấp cao tại hai nhà băng này cũng sẽ có nhiều thay đổi.

Trước đó, từ năm 2012, nhân sự ngành ngân hàng đã có đợt xáo trộn khi lần lượt 18 nhà băng thay tổng giám đốc, chưa kể những nhân sự cấp cao khác. Biến động mạnh nhất về nhân sự phải kể đến Ngân hàng ACB, Habubank, Sacombank… Một loạt nhân sự điều hành dịch chuyển từ nhà băng này sang ngân hàng khác. Ngoài ra, rất nhiều ngân hàng đồng loạt mời tổng giám đốc ngoại để tận dụng kinh nghiệm quốc tế và khả năng quản trị trong thời kỳ khủng hoảng.

Ông Nguyên Trí Hiếu dự đoán, xu hướng biến động nhân sự ngành ngân hàng vẫn tiếp diễn từ nay đến cuối năm, thậm chí theo chiều hướng mạnh hơn vì yêu cầu tái cấu trúc còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, bà Vân Anh lại cho rằng, biến động nhân sự trong ngành này năm nay sẽ nghiêng về sức ép liên quan đến lợi nhuận từ phía cổ đông. Do đó, yêu cầu về nhân sự chất lượng ngày càng lớn chứ không chỉ phát triển về số lượng như thời gian qua.

Ngọc Tuyên

(vnexpress.net)