– “Cộng hòa” là cuốn sách đầu tiên làm rung chuyển thế giới, lay động tâm tư. Triết phẩm này chứa bên trong câu hỏi muôn thuở: Làm người nên sống thế nào cho phải? Thế nào là công bình? Thế nào là đạo đức?” – GS Đỗ Khánh Hoan, dịch giả.
ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN
Được xem như tác phẩm nổi tiếng nhất của Plato và là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất lên sự phát triển tư duy của triết học và học thuyết chính trị, “Cộng hòa” được Platon viết vào khoảng năm 380 trước Công Nguyên, xoay quanh những vấn đề, câu hỏi, câu trả lời và chất vấn về công lý, con người của công lý.
Các cuộc hội thoại cố gắng kiểm chứng xem liệu một người hành động theo công lý có hạnh phúc hơn một người luôn hành động ngược lại. Chất vấn liên tục giữa các học giả có thể nói là điểm đặc sắc của tác phẩm. Ngoài ra, nó cũng bàn đến các dạng học thuyết, hình thức chính trị, quốc gia, sự bất tử của linh hồn và vai trò của triết gia, thơ ca trong xã hội.
Platon phái bên trái, tại trường Athen (tranh của Raphael) |
Tác phẩm được trình bày theo dạng đối thoại giữa Socrates và các học giả trẻ (trong sáng tác của mình, Platon hầu như không đả động đến bản thân mà chú ý trình bày các dạng thức suy nghĩ khác nhau, phản biện lẫn nhau). Điều thú vị là, Socrates – người được coi là học giả khả kính nhất – thậm chí cũng đã suýt buông vũ khí (vũ khí ở đây là ngôn từ và tư duy) trước những lý luận sắc bén của người trẻ. Dần dần, họ tìm được sự đồng thuận nhất định.
Chất vấn, trao đổi chính là môi trường của triết học. Sự phủ nhận lẫn nhau ở đây mang tính tương hỗ chứ không mang tính triệt tiêu. Bởi vậy, tất cả mọi hoài nghi của bạn đọc về tác phẩm cũng như mọi lý thuyết mà triết gia trình bày – đều được sự cho phép và khuyến khích.
|
* Những trích đoạn dưới đây nằm trong cuốn sách “Cộng hòa” của Platon, bản tiếng Việt phát hành năm 2012 do dịch giả Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ từ tiếng Anh (The Republic). Lưu ý, bản dịch sử dụng nhiều từ Hán Việt có thể gây khó khăn cho một số độc giả.
Socrates nhấn mạnh vì thành phố là sản phẩm do mẫu người họp lại mà thành, bởi thế có thể tìm thấy bản chất thành quốc trong bản chất mẫu người sống trong thành quốc.
Theo thời gian, phân hóa sẽ diễn ra giữa ba giai cấp trong cộng đồng hoàn chỉnh và giữa các thành phần giai cấp. Kết quả sẽ là tình trạng thỏa hiệp giữa hai giai cấp cao, đồng tình chấp nhận họ sẽ phân chia tài sản thành quốc, đẩy giai cấp thứ ba xuống hàng nô lệ hoặc nông nô.
Ham muốn của cải quá sức, ham muốn đó thẩm nhập thành phần cai trị trong chính thể quả đầu dần dần sinh ra giai cấp nghèo mạt rệp, cuối cùng giai cấp này vùng lên tống cổ giai cấp giàu ú ụ thiết lập bình đẳng giữa mọi người. Đó là thể chế dân chủ.
Mẫu người độc tài là con đẻ thực sự của mẫu người dân chủ, mẫu người trong đó đam mê đơn thuần, hấp dẫn dần dần trở thành áp đảo, lôi kéo dưới trước mọi ước ao, khao khát tầm thường, tìm đủ cách thỏa mãn. Mẫu người này chứa trong lòng đủ thứ thèm muốn, sẵn sàng thỏa mãn bất kể vi phạm quan hệ tự nhiên. Xảo trá, bất công, vô đạo, mẫu người này muốn là bạo chúa cai trị thành quốc chuyên chế. Về mặt sung sướng và đau khổ, thành quốc với thành quốc không khác gì con người với con người.
Thành quốc quý tộc hiển nhiên là thành quốc đạo đức, hạnh phúc hơn hết; thành quốc độc tài rõ ràng là thành quốc tồi tệ, đau khổ nhất hạng. Bởi thế mẫu người quý tộc là mẫu người đạo đức và hạnh phúc nhất đời; mẫu người chuyên chế là mẫu người tồi tệ, xấu xa nhất trần gian.
*
Vả lại, như ta đã thấy, tâm trí con người chứa đựng ba nguyên tắc cụ thể: duy lý hoặc là yêu hiểu biết, hăng hái hoặc là yêu danh dự, và thèm muốn hoặc yêu lợi ích. Cũng có ba thứ thú vui tương ứng với 3 nguyên tắc.
Triết gia ca tụng hiểu biết như nguồn vui thú to lớn hơn hết; người tham vọng đề cao danh dự, người ham lợi ích tán dương của cải. Trong ba người, người nào là phải? Trong ba người, người nào là đúng hơn hết? Hiển nhiên triết gia. Vì không những một mình trong thực tế biết cả 3 loại thứ vui, mà còn là cơ quan phát biểu xác đáng.
Bởi thế ta kết luận vui thú của hiểu biết chiếm hàng đầu; vui thú của danh dự chiếm hàng hai; vui thú của của cải chiếm hàng ba. Và bởi thế ta lại thấy kiến thức, đạo đức và hạnh phúc không thể chia lìa.
Bởi thế ta có lý khi khẳng định vui thú chân thực chỉ có thể đạt được khi tâm trí đồng nhịp với trạng thái hài hòa, dưới sự chỉ đạo của nguyên tắc duy lý hoặc yêu hiểu biết. Do vậy ước ao càng hợp lý, mãn nguyện càng thích thú. Cái trật tự và hợp pháp cũng là cái hợp lý hơn cả.
Ước muốn của mẫu người quý tộc là ước muốn trật tự và hợp pháp hơn cả, do đó thỏa mãn kèm vui thú thực sự, phẩm chất gia tăng. Trái lại, thèm muốn của mẫu người độc tài cách xa luật pháp và trật tự hơn hết, bởi thế thỏa mãn kém theo vui thú phẩm chất kém xa. Do đó ta lại thấy mẫu người quý tộc sung sướng hơn mẫu người độc tài
*
Một người chỉ có thể sống sung sướng nếu hiểu rõ mục đích của cuộc đời là gì, cái gì có giá trị thực sự và làm thế nào đạt cái đó. Hiểu biết như vậy là đạo đức của con người, vơi tư cách con người, và cấu thành nghệ thuật sống. Nếu con người nghĩ mục địch cuộc đời là làm giàu, nắm quyền cai trị – hai khát vọng tự chúng không có giá trị, mọi việc làm của con người sẽ lệch hướng, sai đích.
Vân Sam
(*): Người viết bài sử dụng mệnh đề tốt – xấu để độc giả dễ tiếp cận
tiêu đề hơn, chứ không hoàn toàn là các đặc tính cá nhân được các triết
gia nêu lên để tranh luận. Chính xác nhất là “một người hành động theo
lương tâm và công lý có hạnh phúc hơn một người ngược lại”?
Quý độc giả có thể phản hồi đến cho người viết theo địa chỉ huonggiang.ho@vietnamnet.vn
(vietnamnet.vn)