Giới khoa học báo động, các đại dương của chúng ta đang có nhiều triệu chứng, giống như những thời kỳ trước khi dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt của nhiều giống loài trên trái đất.
Dưới sức ép của nhiều tác động tích tụ, từ hiện tượng nước biển bị nóng lên cho đến việc đánh bắt cạn kiệt các nguồn thủy sản, các đại dương của chúng ta đang có nhiều triệu chứng, giống như những thời kỳ trước khi dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt của nhiều giống loài mà trái đất đã từng phải hứng chịu.
Trong tháng Tư vừa qua, 27 chuyên gia đến từ 6 nước đã tham gia một cuộc hội thảo tại trường đại học Oxford – Anh quốc, để nhận định về những tác động do các hoạt động của con người gây ra đối với đại dương.
Bản báo cáo được công bố ngày 20/06, đưa ra một bức tranh đáng lo ngại. Ông Alex Rogers, giám đốc khoa học Chương trình quốc tế về Tình trạng các Đại dương – Ipso, một trong những cơ quan tổ chức hội thảo, cho biết : Các kết quả nghiên cứu gây sốc. Khi xem xét tác động tích tụ của những hoạt động của con người đối với đại dương, giới chuyên gia nhận thấy, các hậu quả này còn nghiêm trọng hơn những gì mà từng nhà khoa học đã nêu ra trước đây.
Sự phối hợp các áp lực do các hoạt động của con người gây ra, đã làm nẩy sinh những điều kiện giống như trong các thời kỳ trước khi dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt của nhiều giống loài trên trái đất. Trong 500 triệu năm qua, trên hành tinh của chúng ta đã diễn ra 5 đợt tuyệt chủng hàng loạt, sau những thảm họa thiên tai, hơn một nửa các giống loài động vật đã bị biến mất.
Các tín hiệu đỏ dẫn đến sự hủy diệt hàng loạt là nhiệt độ của đại dương tăng lên và nước biển bị a xít hóa mạnh hơn, làm giảm nồng độ oxy.
Các tác giả bản báo cáo viết : Đó là ba yếu tố xuất hiện trong mỗi giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt trong lịch sử Trái đất.
Vẫn theo các chuyên gia, thì hiện nay, mức độ khí carbone mà đại dương hấp thụ đã cao hơn rất nhiều so với mức của thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt thứ hai của các loài động vật biển, cách nay khoảng 55 triệu năm ; ở thời kỳ này, một số động vật sống ở biển sâu đã bị tuyệt chủng khoảng 50%. Chính vì vậy, các nhà khoa học cảnh báo, các đại dương trên Trái đất có nguy cơ rất lớn bước vào một giai đoạn tuyệt chủng các loài động vật biển.
Nhìn trong tổng thể, bản báo cáo đánh giá rằng tốc độ và tỷ lệ hủy hoại trong các đại dương nhanh hơn rất nhiều so với những dự báo trước đây. Tình trạng đánh bắt quá mức đã làm giảm nguồn dự trữ hải sản ở ngoài khơi hơn 90%.
Bên cạnh đó, mức độ ô nhiễm của đại dương rất cao. Người ta có thể tìm thấy các hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, các chất tẩy rửa công nghiệp và gia dụng trong các vùng biển nằm ở hai cực của trái đất.
Khi nhắc lại rằng đại dương là hệ sinh thái lớn nhất của Trái đất, cho phép duy trì các điều kiện sinh tồn của con người, các chuyên gia kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng thông qua một cơ chế quản lý tốt nhất đối với các vùng biển xa, hiện vẫn chưa được bảo vệ đúng mức.
Đức Tâm – rfi