Tinh Hoa

Báo Trung Quốc ‘đả’ Mỹ vì chuyện tin tặc

Sau khi một báo cáo của doanh nghiệp Mỹ tố nhóm tin tặc chuyên tấn công Mỹ có liên quan tới quân đội Trung Quốc, các báo đài của Bắc Kinh đã gọi đây là một trò ‘quảng cáo thương mại’ và phản bác rằng chính Washington đứng đằng sau các động cơ này.


Tòa nhà mà Mỹ cho là nơi nhóm tin tặc hoạt động, nằm ở ngoại ô Thượng Hải

Đầu tuần này, hãng an ninh mạng của Mỹ là Mandiant nói rằng họ có bằng chứng cho thấy quân đội Trung Quốc có một đơn vị chuyên tin tặc các tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ quốc tế.

Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận các thông tin trong báo cáo của Mandiant, gọi đó là thiếu cơ sở và không chuyên nghiệp.

Ngay sau khi tờ New York Times của Mỹ đăng tải báo cáo của Mandiant, chủ đề tin tặc lập tức tràn ngập các trang báo quốc tế.

Báo Trung Quốc cũng nhập cuộc sau khi Bắc Kinh lên tiếng. Tờ Nhân dân Nhật báo viết: “Ai cũng phải hỏi mục đích thật sự của sự rùm beng này là gì”.

“Nền kinh tế Mỹ đang kìm chân của họ, cũng dễ hiểu khi nghĩ rằng ai đó ở Washington muốn biến Trung Quốc thành kẻ giơ đầu chịu báng để kéo sự chú ý của dư luận khỏi tình trạng thê thảm của nền kinh tế trong nước”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nói rằng bản thân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) cũng từng là mục tiêu của ‘rất nhiều’ vụ tấn công mạng. 

Ông Cảnh nói ‘một số lượng đáng kể’ các vụ tấn công bắt nguồn từ Mỹ khi xem xét địa chỉ IP, nhưng nói thêm rằng ông không cáo buộc chính phủ Mỹ liên quan tới các vụ việc này.

Phản ứng dữ dội của giới truyền thông Trung Quốc bùng nổ sau hôm thứ Tư, khi chính quyền Washington tuyên bố cuộc chiến mạnh mẽ chống lại nạn đánh cắp dữ liệu kinh doanh mật.

Nhà Trắng công bố một tài liệu chiến lược mới, dù không nêu tên Trung Quốc, nhưng cảnh báo rằng các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài đã từng nỗ lực chiếm được các bí mật như vậy, đe dọa tới an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ.

Trong báo cáo của mình, hãng Mandiant đã cáo buộc nhóm mà họ gọi là APT1 (Mối đe dọa tối tân dai dẳng số 1) thuộc Đơn vị 61398 của quân đội Trung Quốc và đã đánh cắp hàng trăm terabyte dữ liệu từ ít nhất 141 tổ chức trong 20 ngành công nghiệp trong vòng hơn 6 năm qua.

Các nhà phân tích phương Tây nói rằng những lời phủ nhận của Trung Quốc ‘không có nghĩa lý gì’.

Còn Tân Hoa Xã đã đăng tải một bài bình luận với lời lẽ nặng nề, nói rằng tài liệu của Mandiant ‘sặc mùi quảng cáo thương mại’.

“Lần sau, một Giám đốc điều hành có thể chỉ cần nói rằng: ‘Thấy đám tin tặc Trung Quốc chưa? Nhanh lên, hãy tới và mua các dịch vụ an ninh mạng của chúng tôi đi” – bài xã luận viết.

Bài báo nói rằng Trung Quốc có một ‘vị thế vô song và khả năng mở ra các cuộc tấn công mạng trên khắp toàn cầu’, và rằng quân đội Mỹ đã ‘thiết lập một đội quân chiến binh số, bao gồm Lữ đoàn Tình báo quân sự số 780 với nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ trong không gian mạng’.

Bài báo còn nói thêm rằng Washington luôn có ‘một thói quen cáo buộc các quốc gia khác dựa trên chứng cứ giả mạo’.

“Các thực tế cuối cùng sẽ chứng minh rằng các cáo buộc tấn công mạng là không có cơ sở và sẽ chỉ làm hoen ố hình ảnh và thanh danh của công ty tạo ra nó, cũng như của Mỹ”.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc còn dẫn lời một chuyên gia đặt câu hỏi về động cơ của Trung Quốc, nói rằng Washington đã phóng đại mối đe dọa trên mạng mà Trung Quốc có thể mang lại nhằm giành ủng hộ từ các quốc gia châu Á khác.

“Mỹ đang nâng tầm mối đe dọa ‘vô hình’ trên mạng thành một thứ vũ khí mới nhằm cân bằng lại các mất mát của họ trong chiến lược đặt châu Á – Thái Bình Dương làm trọng tâm” – Hun Xudong, giáo sư của Đại học Quốc phòng Quốc gia PLA, nói.

“Mỹ kiểm soát các máy chủ chính trên thế giới. Đây từng là mối đe dọa đối với an ninh mạng của Trung Quốc” – ông Hun nói thêm.

Các học giả phương Tây nói rằng họ không bất ngờ trước lời lẽ của các quan chức Trung Quốc trong cách bác bỏ các cáo buộc liên quan tới tin tặc.

Một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington James Lewis nói: “Đó là một chuẩn ngoại giao của Trung Quốc khi nói rằng ‘không phải chúng tôi, và trong mọi trường hợp luôn là ‘chính anh mới là thủ phạm'”.

“Do đó, mọi lời bác bỏ và cáo buộc của họ đều vô nghĩa” – Lewis nói thêm.

(vietnamnet.vn)