Tàu ngầm diesel/điện thuộc đề án 636 lớp Kilo, mà Việt Nam đặt mua 6 chiếc, được mệnh danh là “hố đen trong đại dương” nhờ độ ồn rất nhỏ.
Tàu ngầm diesel/điện Hà Nội đề án 636 lớp Kilo trong quá trình thử nghiệm ở Nga. Ảnh:shipspotting |
Khái niệm “hố đen trong vũ trụ” được nhân loại biết đến từ trên ghế nhà trường. Nhiều thế hệ khoa học đã bỏ công nghiên cứu tính chất vật lý của các hố đen. Nhưng gần đây còn xuất hiện một khái niệm mới là “hố đen trong đại dương”. Trái ngược với vũ trụ, đó là các hố đen nhân tạo.
Giới chuyên viên NATO đã đặt tên gọi này cho tàu ngầm diesel/điện thuộc đề án 636 lớp Kilo của Nga. Chuyên gia quân sự Victor Litovkin, biên tập viên báo “Quan sát quân sự độc lập”, cho rằng cách gọi này xuất phát từ đặc điểm là độ ồn rất nhỏ của tàu ngầm lớp Kilo.
“Đó là những tầu ngầm ưu việt, được trang bị vũ khí ngư lôi, thủy lôi và tên lửa. Đặc biệt, có tổ hợp tên lửa Club, đã chứng minh tính hiệu quả trên các tàu ngầm mà Nga bán cho Hải quân Ấn Độ”, Litovkin nói.
Tàu ngầm Kilo là một phương án cải tiến của Varshavyanka, loại tàu được Nga bắt đầu sản xuất dành cho xuất khẩu cách đây ba thập kỷ. Kilo bảo lưu những tính năng chính và cấu trúc của Varshavyanka, nhưng thiết bị bên trong, bộ điện tử, các phương tiện bảo đảm sinh hoạt được hiện đại hoàn toàn. Ở dưới nước, tàu Kilo có thể di chuyển với tốc độ 20 hải lý, tương đương 37 km/giờ, lặn sâu 300 m và hoạt động độc lập trong 45 ngày.
Hai tàu ngầm lớp Kilo dự kiến được gửi đến Việt Nam trong năm nay. Sau khi rời xưởng đóng tàu tại St Petersburg, hai chiếc tàu đã được hạ thủy, trong đó một chiếc đang thực hiện thử nghiệm trên biển Baltic. Theo các báo chí Nga thì một trong hai tàu này được mang tên Hà Nội. Theo hợp đồng công bố năm 2009, Việt Nam sẽ nhận được 6 tàu ngầm lớp Kilo. Thỏa thuận trị giá khoảng hai tỷ USD được dự kiến hoàn thành vào năm 2016.
“Thật khó đánh giá hết ý nghĩa của những tàu ngầm này đối với Việt Nam. Với sự tham gia của tàu ngầm lớp Kilo, Việt Nam sẽ bảo vệ hiệu quả hơn nữa lãnh hải và vùng biển kinh tế, các hải đảo và giàn khoan ngoài khơi. Yếu tố hành động tổng hợp giữa lực lượng trên mặt nước và tàu ngầm rất quan trọng. Các tàu nổi phải được bảo vệ cả dưới nước. Ngược lại, khi ra biển, đặc biệt ở khu vực gần bờ, các tàu ngầm đòi hỏi sự hậu thuẫn của các tàu nổi”.
Ông Viktor Litovkin nói rằng Việt Nam là một đối tác truyền thống của Nga về hợp tác quân sự – kỹ thuật. Trong thập kỷ qua, thị phần của Nga trong thị trường vũ khí Việt Nam đã đạt đến mức 90%. Hiện nay, các xí nghiệp quốc phòng Nga cũng đang nhận nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài, nhưng nhiệm vụ trước hết là thực hiện các đặt hàng quốc phòng nhà nước đáp ứng nhu cầu của quân đội và hải quân Nga. Chỉ sau đó, mới đến lượt các khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, chuyên gia Viktor Litovkin cho rằng, các tàu ngầm được Việt Nam đặt mua thuộc trường hợp đặc biệt, khi đơn đặt hàng nước ngoài được ưu tiên hàng đầu.
(vnexpress.net)