Người lái tàu hỏa dũng cảm cứu 300 hành khách trên chuyến tàu TN6 giờ sống lặng lẽ với những thương tật, nhiều lúc đi chơi mà không nhớ đường về.
Hơn hai năm trôi qua, vết thương da thịt trên người ông Trương Xuân Thức (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) đã lành nhưng những biến chứng sau vụ tai nạn kinh hoàng ấy vẫn đang ngày ngày hành hạ ông.
Những vết thương chưa lành
Ông Thức tâm sự, sau khi ra viện Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đã sắp xếp cho ông vào làm trông kho dụng cụ đầu máy của cơ quan. Tuy nhiên lúc ấy sức khỏe yếu nên ông Thức không thể đáp ứng được yêu cầu. Không muốn vì mình mà anh em trong xí nghiệp bị ảnh hưởng năng suất lao động, ông Thức đã xin nghỉ hưu sớm.
Lái tàu Trương Xuân Thức và vợ. |
Từ trụ cột gia đình, ông trở thành người phải sống phụ thuộc vào vợ con. Vợ ông là bà Lê Thị Kim Thoa ngoài việc làm tạp vụ tại một cơ quan gần nhà còn phải dành thời gian chăm sóc cho ông nên mệt nhọc cũng tăng lên gấp bội.
Cô con gái duy nhất của ông bà học mới học xong Cao đẳng Nguyễn Trãi và đang chuẩn bị học tiếp liên thông lên đại học. Tiền ăn học của con gái ông được các bác trong họ hàng giúp đỡ nhiều phần mà vợ chồng ông vẫn phải xoay xở khắp nơi mới đủ chi tiêu.
Ông Thức bảo sức khỏe bây giờ giảm sút đi quá nhiều. Những hôm trời mùa đông lạnh buốt hầu như ông không ra khỏi giường vì xương khớp nhức mỏi.
Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh VNE) |
“Cái mỏm tay bị cụt này mỗi khi trời lạnh buốt, hành hạ tôi ghê lắm!” – ông Thức nói rồi xoa xoa vào cánh tay trái đã bị cắt cụt tới khuỷu. Hầu như cái tay trái này lúc nào cũng tê tê giật giật làm ông rất khó chịu, phải liên liên hồi dùng tay phải xoa, bóp, gãi cho bớt ngứa.
Không quên hành động dũng cảm Ông Hoàng Ngọc Trìu, Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, toàn thể anh em nhân viên trong đơn vị vẫn luôn nhớ và ghi nhận hành động nỗ lực, dũng cảm của lái tàu Trương Xuân Thức. |
Từ ngày rời viện, trong nhà ông lúc nào cũng có rất nhiều thứ thuốc dự phòng. Nhưng nhiều khi những cơn đau buốt kéo đến, ông đều cắn răng chịu đựng, bởi không muốn lạm dụng thuốc quá nhiều sẽ gây phản ứng phụ.
Gặp lại ông lần này, chúng tôi thấy ông đã tiều tụy đi rất nhiều. Đôi mắt hõm sâu, thâm quầng vì những cơn đau hành hạ. Giờ ở nhà, thỉnh thoảng ông cũng chỉ giúp được vợ con việc nấu nướng những món ăn đơn giản.
“Chờ vợ con về quây quần bên mâm cơm, vừa ăn vừa động viên nhau sống tiếp, thấy vợ con vui vẻ mình cũng hạnh phúc thêm nhiều”- ông Thức bùi ngùi.
Nhưng với bà Thoa, lo nhất là những di chứng sau vụ tai nạn gây ra cho chồng đang phát tác. Ông Thức từ một lái tàu có thần kinh cực tốt giờ đã trở nên yếu ớt, đáng thương.
“Ông ấy bị mất trí nhớ khá nghiêm trọng. Có hôm tự đi ra hồ Thành Công gần nhà tập thể dục, hít thở không khí nhưng lúc về nhà lại không nhớ nổi đường, phải nhờ bà con dìu về. Về đến tận nhà mới biết là mình đã về đến nơi”- bà Thoa kể.
Nhớ tiếng còi tàu
Nói đến những chuyến tàu, ông Thức phấn khởi hẳn lên, những nụ cười tươi dường như được dành cho quá khứ đã qua. Ông tự hào khoe rằng hầu như tuyến đường nào từ Bắc vào Nam ông cũng đã từng đi qua, từng vi vu tận hưởng.
Bây giờ mỗi khi ngồi ở công viên, thi thoảng nghe thấy tiếng còi tàu, lòng ông lại cảm thấy xốn xang lạ thường. Nỗi nhớ tàu, nhớ bạn bè cùng tổ lái cứ thế da diết, mãnh liệt…
Lái tàu Trương Xuân Thức và nỗi nhớ tiếng còi tàu da diết. |
Ông bảo: “Tết nhà mình đơn giản lắm, cuộc sống sau tai nạn cũng eo hẹp đi nhiều nên mình cũng không bày vẽ gì, chỉ cần gia đình quây quần, đầm ấm là đủ rồi”.
Trước đây hầu như năm nào cũng thế, Tết đến ông lại cắp túi lên xí nghiệp đi làm. Trong khi mọi nhà vui vẻ đón Tết thì những lái tàu như ông lại rong ruổi trên tàu những chuyến tàu Bắc-Nam.
“Nhiều khi thấy tủi thân lắm. Người ta mùng 1 mùng 2 Tết đưa vợ con đi chơi đây đó, chúc Tết mọi người, còn mình thì bám lấy tàu. Sau tai nạn thì Tết được ở nhà, quân quần bên vợ con, gia đình.
Đến bây giờ, khi nhớ lại vụ tai nạn kinh hoàng ngày ấy, ông Thức vẫn không cảm thấy hối hận về việc mình đã làm.
“Dù có chết đi thì mình cũng không ân hận, vì việc mình làm đã cứu được nhiều người, cứu được tài sản của nhà nước. Nếu khi đó mình bỏ tàu để thoát thân thì có lẽ giờ sẽ ân hận suốt đời”, người
lái tàu dũng cảm bình thản.
Nói rồi khóe mắt ông cay cay, nhìn xa xa về phía ô cửa sổ. Ông tâm niệm “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”, còn với ông bị như thế này cũng là may mắn lắm rồi…
Ngày 6/8/2010, một vụ tai nạn kinh hoàng giữa tàu Thống Nhất TN6 đi theo hướng Nam – Bắc và xe tải ở xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, Hà Nam làm đổ đầu máy và hai toa tàu. Người lái tàu Trương Xuân Thức đã giữ chặt cần hãm giảm tốc (thay vì chỉ gạt cần hãm rồi lùi người lại). Hành động dũng cảm đó đã cứu hơn 300 hành khách, nhưng lái tàu mất một cánh tay.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi đó đã ký quyết định tặng lái tàu Trương Xuân Thức Huân chương Dũng cảm vì hành động mà ông đã làm trong vụ tai nạn ấy. |
Nguyễn Nam
(vtc.vn)