Tinh Hoa

Hàng nghìn người đến phiên tòa xử Khmer Đỏ

Ông Chum Mey (giữa), một cựu tù nhân sống sót tại nhà tù khét tiếng Tuol Sleng đang cầu khấn, trong khi các nhà sư xếp hàng để được vào dự phiên tòa. Ảnh: AFP.
Các ni cô Campuchia trong trang phục áo trắng đang xếp hàng chuẩn bị vào chứng kiến phiên tòa. Họ là những người có tuổi, thuộc thế hệ trải qua giai đoạn đen tối bậc nhất trong lịch sử Campuchia. Ảnh: AFP.
Để đảm bảo an toàn cho phiên tòa, rất nhiều cảnh sát đã được điều động. Toàn bộ 500 chỗ trong phòng xử chật kín. Bên ngoài tòa còn hàng nghìn người đăng ký để được vào xem phiên xử những kẻ gây ra nạn diệt chủng ở Campuchia. Có nhiều người đi hàng trăm km từ các tỉnh khác đến Phnom Penh. Ảnh: AFP.
Rất nhiều người dân Campuchia, đa số đã già, tụ tập trước nơi xử án từ rất sớm để được vào dự phiên tòa đã được chờ đợi từ nhiều năm qua. Việc xét xử được sự bảo trợ của Liên hợp quốc, với sự tham gia của các thẩm phán quốc tế và người bản địa. Ảnh: AFP.
Các sinh viên Campuchia đại diện cho thế hệ trẻ sinh ra sau thời kỳ diệt chủng ở nước này, cũng tới tham dự phiên tòa. Ảnh: AFP.

Một người Campuchia sống sót qua thời Khmer Đỏ biểu hiện tâm trạng khi đứng trước bảo tàng diệt chủng ở ngoại ô Phnom Penh. Khoảng 2 triệu người đã chết trong thời gian 4 năm cầm quyền của Khmer Đỏ ở Campuchia vì đói khát, bị hành hạ, tra tấn và hành quyết.

Tháng 1/1979, quân tình nguyện Việt Nam giải phóng người dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. Thủ lĩnh Khmer Đỏ Pol Pot chạy trốn và chết trong rừng năm 1998, trốn khỏi sự trừng phạt của công lý.

Ảnh: AP.

Nuon Chea, đeo kính đen, nguyên phó chủ tịch đảng Campuchia Dân chủ do Pol Pot cầm đầu trong giai đoạn 1975-1979. Nếu Pol Pot có biệt danh “Anh cả” thì Nuon Chea được gọi là “Anh hai”. Người đàn ông nay 84 tuổi này được coi là kiến trúc sư chính trong bộ máy gây chết chóc của chế độ Pol Pot, và được cho là đóng vai trò trong việc tạo lập và thi hành các chính sách hành quyết.

Là một trong số những lãnh đạo cấp cao cuối cùng của chế độ Pol Pot ra đầu thú vào năm 1998, Nuon Chea phủ nhận việc ông ta lẽ ra đã có thể ngăn chặn tấn thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử Campuchia.

Hôm qua, Nuon Chea nói ông ta “không thích phiên tòa này” và sau đó bỏ ra ngoài, Phnom Penh Post tường thuật. Ảnh: AFP.

Ieng Sary là “Anh ba” trong chế độ Pol Pot. Người đàn ông 85 tuổi này từng là Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Pol Pot, đồng thời là em rể của trùm diệt chủng đã qua đời năm 1998.

Từng có thời gian theo học tại Pháp, Ieng Sary được hoàng gia Campuchia ân xá vào năm 1996 sau khi ra đầu thú. Tuy nhiên, ông này bị bắt giam trở lại vào ngày vào ngày 12/11/2007 bất chấp sự phản đối của luật sư riêng. Là người nhiều tuổi nhất trong nhóm bộ tứ đang bị xét xử, Ieng Sary phải chịu nhiều vấn đề về sức khỏe kể từ khi bị bắt. Ảnh: AFP.

Giống như Ieng Sary, Khieu Samphan cũng từng có thời gian du học tại Pháp. Dưới chế độ Pol Pot, Khieu Samphan từng giữ chức vụ chủ tịch nước và là một trong những nhà ngoại giao hiếm hoi của chế độ này có liên lạc với thế giới bên ngoài.

Người đàn ông 79 tuổi chưa bao giờ phủ nhận những tội ác đẫm máu của Khmer Đỏ, nhưng bác bỏ vai trò của mình trong guồng máy chết chóc này.

Khieu Samphan tuyên bố không biết gì nhiều cho đến mãi tận sau này, trong khi gần 2 triệu người Campuchia đã chết trong suốt thời gian ông ta làm việc trong chính quyền. Khieu Samphan cùng ra đầu thú với Nuon Chea vào năm 1998. Ảnh: AFP.

Người cuối cùng trong nhóm bộ tứ là Ieng Thirith, vợ của Ieng Sary, từng một thời được coi là “Đệ nhất phu nhân” của Campuchia. Bà này từng giữ chức vụ Bộ trưởng Các vấn đề xã hội dưới thời Pol Pot.

Giống như Ieng Sary và Khieu Samphan, Ieng Thirith từng học tại Pháp, với chuyên khoa cụ thể là văn học Anh. Trong một cơn giận dữ tại một phiên tòa năm 2009, Ieng Thirith đã nói rằng “chính Nuon Chea đã gây nên mọi chuyện” và đe dọa những người buộc tội mình rằng “sẽ phải nhận lời nguyền xuống bảy tầng địa ngục”.

Sau khi Nuon Chea bỏ ra khỏi phòng xử hôm qua, Ieng Thirith cũng theo chân rời tòa án. Bà này trước đó từng kêu ca có vấn đề về sức khỏe, và có lúc gần như ngủ gật trong tòa, nhật báo của Phnom Penh cho hay. Ảnh: AFP.

Phan Lê