Tinh Hoa

Đi tìm sự thật “quái vật sông Hồng dài 40m”

(VTC News) – Chị còn khẳng định rằng, con “quái vật” này ban ngày nằm im dưới đáy sông, tối mò lên bờ bắt trâu bò ăn thịt (?!).

Kỳ 1: Bức ảnh tào lao gây xôn xao dư luận

Mặc dù sự kiện “quái vật sông Hồng” gây xôn xao trên mạng đã mấy tháng qua, và những người hiểu biết về ảnh kỹ thuật số, đã lật tẩy rõ ràng rằng “quái vật” là trò bịp, là sản phẩm của photoshop, nhưng dân cư ven sông Hồng, đoạn chảy qua làng Bát Tràng vẫn bàn tán không ngớt về… quái vật.

Vì sao người dân làng Bát Tràng lại quan tâm đến “quái vật sông Hồng” như vậy? Phải chăng ở đây có những câu chuyện bí ẩn, hay huyền thoại nào đó liên quan đến “quái vật sông Hồng”?

Câu chuyện bắt đầu từ những tấm hình “quái vật” đang bơi ngay dưới mặt nước sông Hồng mênh mang sóng nước. Tác giả của những tấm hình này giới thiệu là một cần thủ chuyên nghiệp, với thú đam mê cực kỳ tao nhã, ấy là câu sông.

Kèm với những bức ảnh là lời mô tả vừa thể hiện sự chân thực vừa thể hiện cảm xúc sợ hãi khi gần như trực diện đối mặt với quái vật.

Để tìm hiểu thực hư chuyện quái vật, tôi đã tìm đến vùng dân cư ven sông Hồng, đoạn xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội).

Một trong số những bức ảnh gây xôn xao dư luận 


Dọc đường làng, ngõ xóm, từ làng Giang Cao đến chợ gốm, vòng ra đền Giang Cao, dọc bờ sông đến đình Bát Tràng, khi hỏi về quái vật, mọi người đều bàn tán sôi nổi.

Thậm chí, khi nói về “quái vật”, mấy bà, mấy chị ở chợ gốm còn lôi cả xấp hình ảnh in từ mạng internet cho tôi xem. Ai cũng khẳng định “quái vật” dưới sông Hồng là có thật.

Họ truyền tay nhau những tấm hình, những tờ giấy A4 in hình quái vật, và đoạn mô tả gặp quái vật của người câu cá đưa lên mạng.

Ai cũng đọc, xem, tranh luận, mổ xẻ. Những tấm hình “quái vật” đều nhàu nát vì mọi người truyền tay nhau xem rất nhiều.

Chưa rõ thực hư thế nào, nhưng một bà khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, dưới lòng sông Hồng, đoạn chảy qua xã Bát Tràng, có một quái vật khổng lồ, thân to bằng con tàu, dài 100m, đang ẩn mình dưới sông.

Một chị khiêm tốn hơn thì khẳng định rằng, đúng là có quái vật khổng lồ, nhưng không đến mức to bằng con tàu. Theo chị, nó chỉ to cỡ chiếc xe buýt, nhưng dài phải bằng 4 chiếc xe buýt chập lại.

Tôi hỏi: “Thế chị đã nhìn thấy quái vật chưa?”, thì chị chạy vào trong nhà lục lọi một lúc, rồi mang ra tấm hình in từ tờ A4 đưa cho tôi xem. Chị tỏ ra khó chịu: “Chú còn không tin à. Chú nhìn xem đây là cái gì. Chẳng rõ ràng đó là quái vật đang bơi sao?”.

 
Một số người hiểu biết về photoshop gắn hình “quái vật” vào tấm ảnh trên mạng 

Trò chuyện một hồi, chị còn khẳng định rằng, con “quái vật” này ban ngày nằm im dưới đáy sông, tối mò lên bờ bắt trâu bò ăn thịt (?!).

Tôi hỏi ở làng đã ai mất trâu bò chưa, thì chị ngớ người bảo rằng, ở làng chẳng ai nuôi trâu bò nữa, chứ nếu có trâu bò thì cũng bị “quái vật” ăn thịt hết!

Câu chuyện ở đền Giang Cao đến hồi sôi nổi, khi mấy người truyền tay nhau một tờ báo đăng tin chuyện người dân ở xã Xuân Phú (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã vớt được một chân người nổi lập lờ ở gần trạm bơm, ven bờ sông Hồng.

Rồi trước đó, người dân ở huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), cũng vớt được 1 tay người.

Thế là cả nhóm người đều khẳng định như đinh đóng cột, như chính họ tận mắt, rằng chính con “quái vật” khổng lồ dưới sông Hồng là thủ phạm tấn công người xấu số.

Theo lời họ kể, thì chỉ một cú đớp của con quái vật, mà đứt lìa tay, chân người. Nó đớp mạnh quá, khiến cánh tay bắn ra ngoài. Vì cánh tay chẳng bõ dính răng, nên nó không thèm ăn nữa.

Khu vực “xuất hiện quái vật”! 

Những lời đồn đoán thực hư khiến nhiều người yếu bóng vía không dám ra sông Hồng nữa.

Ông từ trông ngôi miếu làng Giang Cao, ngôi miếu nằm ngay mép sông Hồng kể rằng, ông đã trông ngôi miếu này ngót chục năm.

Hàng ngày, ông đều ngồi ở miếu từ sáng đến 11 giờ đêm. Vừa trông miếu, ông vừa bán thuốc nước phục vụ khách tham quan, và giới câu cá ở sông Hồng.

Ông từ trông miếu bảo rằng, chuyện “quái vật” xuất hiện ở sông Hồng đã khiến làng xã xôn xao suốt mấy tháng nay.

Ông cũng khẳng định rằng, chỉ cần xem qua những tấm hình chụp quái vật trên mạng, ông cũng biết rõ chỗ quái vật nổi là chỗ đỗ tàu, điểm giáp ranh giữa xã Đông Dư và Bát Tràng.

Người chụp được “quái vật” có lẽ là người câu cá ở nơi khác đến và vô tình chụp được cảnh đó, chứ nếu là người câu cá trong xã chụp được ảnh, thì đã ầm ĩ lên rồi.

Ông ngồi bán nước ở đền chủ yếu phục vụ giới câu cá, câu tôm. Họ câu từ sáng đến 11 giờ đêm. Nếu người dân trong vùng chụp được ảnh quái vật thì ông phải là người biết trước khi phát tán trên mạng.

Sông Hồng nhìn từ cầu Thanh Trì 

Chuyện thực hư “quái vật” thế nào, ông từ trong miếu không dám khẳng định, tuy nhiên, theo lời ông, kể từ khi có thông tin xôn xao về quái vật xuất hiện, trẻ con, người lớn trong vùng ít ra bờ sông hơn.

Theo ông, thông tin xuất hiện “quái vật” xảy ra vào lúc giữa mùa hè. Bình thường, vào mùa hè, chiều nào cũng vậy, bãi kè đá ngay chỗ miếu Giang Cao, là bến tắm đông đúc.

Ngày nào cũng có vài chục người ra tắm, bơi lội. Đám thanh niên bơi ra tận giữa sông Hồng, rồi để cho dòng nước cuốn xuống tận cuối xã.

Tuy nhiên, đám thanh niên can đảm cũng không dám lội xuống sông tắm nữa. Ai cũng sợ quái vật nuốt chửng.

Đàn bà cũng không dám ra chỗ kè đá giặt chăn, chiếu nữa. Các bà cụ cũng không dám dắt trẻ con đi dạo trên bãi kè. Họ sợ… “quái vật”!

Tạp chí Forteantimes, chuyên viết về những hiện tượng kỳ lạ của Anh, mới đây đã công bố một tài liệu gây sốc: Trên hải phận biển Cát Bà (Việt Nam) đã từng xuất hiện loài rắn biển khổng lồ, và hải quân Pháp nhiều lần đã chạm chán chúng.

Theo tạp chí này thì vào cuối thế kỷ 19 đầu và giữa thế kỷ 20 nhiều tàu hải quân của Pháp đã gặp loài rắn khổng lồ trên ở cự li không xa. Thậm chí, năm 1936, hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Air France đã nhìn thấy loài rắn biển này từ trên cao, khi chúng làm những động tác uốn lượn trên mặt nước.

Nội dung của công bố trên nêu rõ, trong báo cáo của đại úy hải quân Lagresille (chỉ huy pháo thuyền Avalanche) thì tháng 7/1897, lần đầu tiên các thủy thủ trên thuyền chiến đã nhìn thấy hai con vật kỳ dị xuất hiện ở gần vịnh Hạ Long. Thân chúng dài khoảng 20m, đường kính thân chừng 2-3m. Chúng cử động bằng cách uốn lượn như rắn.

Sợ hãi, ngay lập tức các thủy thủ của thuyền chiến liên tiếp nã đại bác vào hai con vật. Thế nhưng, chỉ loạt đạn đầu tiên chúng đã lặn sâu xuống lòng đại dương.

Ngày 24/2/1898, hai con vật tương tự trên lại xuất hiện trước mũi tàu. Ngay lập tức, đại úy Lagresille ra lệnh cho thủy thủ phóng tàu đuổi theo trong suốt 35 giờ đồng hồ.

Khi khoảng cách với đôi quái vật chỉ còn khoảng 200m, đại úy Lagresille đã nhìn thấy rất rõ loài vật này. Đầu chúng giống đầu hải cẩu nhưng to gấp đôi.

Còn tiếp…

Ngọc Hân

(vtc.vn)