Tinh Hoa

Những vụ thu hồi sản phẩm tốn kém

Thứ bảy, 19/1/2013, 11:42 GMT+7

Từ bộ phận pin của máy bay, cho đến nước sốt, thịt, đồ chơi… thế giới đã chứng kiến nhiều vụ thu hồi sản phẩm tai tiếng và tốn nhiều chi phí nhất trong lịch sử kinh doanh.

Dưới đây là một số sản phẩm có quy mô thu hồi lớn nhất và tốn kém nhất thế giới, theo đánh giá của Business Insider.

Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã quyết định ngừng bay tất cả các chiếc Boeing 787 đăng ký tại Mỹ, nhưng thiệt hại ước tính trong trường hợp này là khó đánh giá. Bởi vì FAA cần thời gian để điều tra kỹ lưỡng bộ phận pin lithium-ion, được xem là nguồn gốc gây ra sự cố cho máy bay. Thông thường, máy bay không thể được coi là sản phẩm có thể thu hồi, nhưng xét về dịch vụ thương mại, máy bay Boeing 787 có thể khiến hãng sản xuất máy bay Boeing cũng như các khách hàng lớn của hãng này phải chịu thiệt hại lớn về mặt tài chính.
Một trong những sản phẩm bị thu hồi công khai rộng rãi trong lịch sử kinh doanh, đó là Tylenol của Johnson & Johnson. Loại dược phẩm này đã được pha thêm xyanua kali, khiến 7 người chết ở Chicago vào năm 1982. Công ty đã chi hơn 100 triệu USD để thu hồi 31 triệu chai Tylenol và làm mới sản phẩm.
Năm 2000, Bridgestone/Firestone đã triệu hồi 6,5 triệu lốp xe sau khi ta lông lốp xe bị long ra, sử dụng trên một số dòng xe của Ford và Mercury Mountaineers. Lúc đó, các kỹ sư Ford đã cảnh báo về vụ việc nhưng cả 2 công ty đều không chú ý. Lốp xe lỗi đã gây ra gần 200 cái chết và 3.000 người bị thương. Bridgestone phải bỏ ra 440 triệu USD liên quan đến thu hồi, còn Ford chi khoảng 3 tỷ USD. Vào thời điểm đó, Ford đã tốn 600 triệu USD cho vụ kiện liên quan.
Năm 2004, tập đoàn dược phẩm khổng lồ Merck đã tự nguyện thu hồi sản phẩm Vioxx, một loại thuốc chữa viêm khớp, sau một nghiên cứu phát hiện bệnh nhân sử dụng loại thuốc này trong ít nhất 18 tháng dễ bị các cơn đau tim và đột quỵ. Lúc đó, công ty dự đoán doanh số bán Vioxx bị thiệt hại khoảng 725 triệu USD, nhưng cuối cùng sản phẩm này đã bị “xóa sổ” khỏi thị trường. Vào năm 2007, Merck đã đồng ý trả 4,85 tỷ USD để giải quyết 27.000 vụ kiện liên quan tới loại thuốc này.

Vào năm 2006, Dell thu hồi hơn 4 triệu máy tính xách tay vì pin lithium-ion có khả năng dễ bốc cháy do Sony sản xuất. Các nhà phân tích dự đoán việc thu hồi gây thiệt hại cho cả Dell và Sony khoảng 400 triệu USD.

Trong ảnh là chiếc máy tính xách tay Dell của Thomas Forqueran, được đặt trên ghế xe đã bị cháy tan tành.

Mai Phương

(vnexpress.net)