Tinh Hoa

Khám phá hình khắc trên phiến đá cổ tại Hà Giang-Việt Nam

Các nhà khoa học mới tìm thấy những hình khắc cổ trên đá ở huyện Xín Mần, Hà Giang. Họ cho rằng, đây là những hình khắc được tạo tác qua nhiều thời kỳ, niên đại.

>> Di sản vô giá trên cao nguyên Đồng Văn
>> Gạt bỏ nỗi lo cạn kiệt quặng vàng

Nghiên cứu những hình khắc thú vị này một lần nữa cho thấy, Hà Giang – tỉnh miền núi biên giới cực bắc của Tổ quốc là một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử, diện mạo văn hoá mang sắc thái riêng, độc đáo.

Không cùng niên đại với các hình khắc cổ khác

Ở Việt Nam những dấu tích nghệ thuật tạo hình thời tiền sử tìm thấy khá ít. Trước đây, tại hang Đồng Nội tỉnh Hoà Bình, các nhà khảo cổ Pháp đã tìm thấy trên vách hang những hình khắc mang tính ước lệ về động vật và khuôn mặt người.


Theo một số nhà nghiên cứu, đó là những tác phẩm tạo hình sớm nhất ở nước ta hiện nay, thuộc giai đoạn sớm của thời đại đá mới, có tuổi cách nay gần 10.000 năm. Khi so sánh, kỹ thuật đục khắc ở Xín Mần thuần thục và tiến bộ hơn do vậy không thể xếp tương tương với Đồng Nội mà phải muộn hơn.

Năm 1925, học giả người Pháp V. Goloubew đã phát hiện được bãi đá cổ Sapa ở tỉnh Lào Cai. Sau này, các nhà khoa học đã nhận định khu chạm khắc cổ này có nhiều niên đại khác nhau từ thời Đông Sơn đến thế kỷ 18 và cả những niên đại mới đây nữa.

Khi so sánh nghệ thuật cổ Xín Mần với Nghệ thuật khắc trên bãi đá cổ Sapa thấy có một số điểm gần gũi trong phong cách tạo hình và mô tip đề tài thể hiện. Đó là những vạch khắc song song, hồi văn hình tròn, các lỗ vũm, biểu tượng sinh dục nữ…

Điều này cho thấy giữa chủ nhân bãi đá cổ Xín Mần và Sapa có mối liên hệ với nhau. Tuy nhiên giữa chúng cũng có những điểm khác nhau như ở Xín Mần không có những nét khắc uốn lượn phóng túng mang tính sơ đồ, hoặc hoạ tiết hoa văn hình dăm cối đá, hoặc những ô hình vuông khắc chìm như ở Sapa.

Ở Sapa chưa tìm thấy những vòng tròn đồng tâm bên trong có nhiều lỗ khoét, hoặc đồ án hình bàn chân người. Chính những khác biệt trên là cơ sở để thấy những hình khắc ở Xín Mần cổ xưa hơn hình khắc Sapa.

Cần có phương án bảo vệ, nghiên cứu

Mặc dù chưa xác định được chính xác chủ nhân các hình khắc, nhưng có thể thấy là chế độ mẫu hệ còn giữ vai trò quan trọng trong nhóm tộc người sáng tạo các hình khắc cổ Xín Mần, điều này thể hiện rất rõ qua biểu tượng sinh thực khí của nữ giới. Ngoài ra, các hình khắc không được tạo tác cùng thời, bằng chứng là có những hình khắc vẽ chồng lên nhau hoặc đan xen nhau.

 (Vết khắc hình bàn chân người)
Do còn nhiều hạn chế về điều kiện làm việc, việc điều tra khảo sát nghiên cứu khu vực bãi đá cổ Xín Mần chưa được tiến hành trên diện rộng. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ quan chức năng, nhà nghiên cứu dành công sức, trí lực để khám phá và nghiên cứu khu bãi đá cổ Xín Mần. Qua đó có thể làm rõ được nghệ thuật tạo hình cổ ở Việt Nam. Di tích bãi đá cổ thuộc địa phận thôn Nấm Dẩn, xã Nấm Dẩn, nằm cách suối Nậm Khoòng 50m. Các tảng đã có bề mặt khá bằng phẳng, với hơn 80 hình chạm khắc và kích cỡ khác nhau.

Dựa vào phương pháp phân loại hình thức các nhà khoa học tạm chia thành nhóm: họa tiết; hình hồi văn hình vuông và hình tròn; vạch đục khắc song song; những biểu tượng sinh thực khí; nhóm hình bàn chân người; nhóm hình người; và nhóm chưa xác định được hình dáng và ý nghĩa cụ thể.

Để tạo những hình khắc này, người xưa đã sử dụng kỹ thuật đục khắc còn rất thô sơ, dùng búa, đục trực tiếp trên bề mặt tảng đá. Những rãnh đục này thường có mặt cắt hình lòng máng, bề rộng miệng khoảng từ 1cm-2cm, sâu từ 0,7cm-1cm. Các hình khắc có thể được phác họa trước, đặc biệt là những hình tròn.