Vừa nhìn thấy cô gái bị cụt một chân, bố mẹ Huy bật khóc: “Chân mi đã bị tật rồi giờ lấy vợ bị cụt chân nữa thì mần răng sống được”.
Chiều cuối năm, căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ của vợ chồng anh Võ Tá Huy – chị Ngô Thị An đầy ắp tiếng cười con trẻ. Bên chiếc máy vi tính ở góc nhà, chàng trai có bàn tay bị khèo đang cố gắng hoàn thiện nốt mẫu thiếp mời đám cưới cho khách. Cạnh đó, cô gái chỉ còn một chân đang cặm cụi với chiếc máy khâu và đống quần áo.
Là con thứ ba trong gia đình có 5 anh em ở xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh, năm lên 1 tuổi, khi mới chập chững biết đi thì Huy bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Sau nhiều lần sốt cao đến co giật, chân tay Huy bị teo rồi liệt. Bố mẹ cố gắng mang Huy đi chạy chữa khắp nơi nhưng đều nhận được cái lắc đầu của bác sĩ.
Niềm hạnh phúc của hai vợ chồng anh Huy chị An. Ảnh: Nguyên Khoa |
Dù liệt hai chân và tay trái, nhưng Võ Tá Huy rất thông minh, luôn khát khao được đến trường. Sau khi được cõng đi học mẫu giáo ở trường làng, lên lớp 1, bố mẹ định cho Huy nghỉ học vì đi lại quá vất vả thì cậu bé tật nguyền khóc, nhịn ăn và lý sự: “Chân con bị liệt nhưng đầu óc không liệt, tay trái bị liệt con có thể viết bằng tay phải. Bố mẹ không cõng được thì con sẽ tập luyện để tự đến trường”. Nghe Huy nói vậy, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Nghĩa đã đồng ý để con trai tiếp tục đến trường.
Mỗi buổi sáng, bất kể trời mưa dầm hay gió bấc, Huy dậy rất sớm, bò ra sân tập đi theo kiểu vồ ếch rồi mới để bố mẹ cõng đi học. Sau một năm tập luyện, Huy có thể di chuyển trong làng bằng cách chống hai tay xuống đất để nhảy như con cóc. Và cậu tự đến trường, hoàn thành chương trình học cấp 1 rồi cấp 2.
Nếu muốn tiếp tục học cấp 3, Huy phải đi quãng đường hơn 10 km. Thấy con ham học, bố mẹ bàn nhau ngày ngày sẽ cõng con đi nhưng thương bố mẹ, Huy quyết định nghỉ học, tự tìm cho mình con đường khác.
Huy nhờ bố sắm cho mình bộ đồ nghề đánh giày. Ngày ngày chàng trai khuyết tật lết từ nhà ra thành phố Hà Tĩnh, tìm đến các quán cà phê để đánh giày. Nhiều người dân nhìn chàng trai di chuyển kiểu vồ ếch để kiếm sống với đôi mắt cảm thông, nhưng cũng có người tỏ ra nghi ngờ và khinh bỉ nỗ lực của Huy.
“Ngày đó, đánh một đôi giày được trả công 2.000 đồng, mỗi ngày cố gắng lắm cũng đánh được khoảng 10 đôi. Trong một lần đi đánh giày ở quán nhậu, một nhóm thanh niên cho rằng mình đánh không sạch đã lớn tiếng nạt nộ khiến mình ấm ức và suy nghĩ phải làm một nghề gì đó khác, không thể suốt ngày lê lết đi đánh giày”, Huy nhớ lại.
Sau lần đó, Huy bỏ nghề đánh giày. Năm 2003, trung tâm dạy nghề người khuyết tật tỉnh Hà Tĩnh thành lập, Huy là một trong những người đầu tiên đăng ký tham gia. Tại đây, Huy được sống với những người cùng cảnh ngộ, được làm quen với máy vi tính và học nghề in. Những ngày tháng ở đây, Huy gặp cô gái Ngô Thị An, hơn mình 2 tuổi bị cụt một chân.
Là hoa khôi của xã bên cạnh, được nhiều chàng trai để ý nhưng An không nghĩ đến chuyện yêu đương mà quyết tâm vào miền Nam vừa học vừa làm, sau khi tốt nghiệp cấp 3. Được nhận vào làm công nhân của nhà máy chế biến mủ cao su tại Bình Phước, An tự hứa sẽ nỗ lực làm việc để gửi tiền về quê giúp đỡ bố mẹ nuôi các em ăn học.
Mất một chân nhưng chị An vẫn thành thạo nghề may vá. Ảnh: Nguyên Khoa |
Bước vào ngày làm việc thứ 23, khi An đang đứng vận hành máy thì bị ngã và bị cuốn vào máy. Hai chân dập nát, dù các bác sĩ đã rất nỗ lực, nhưng không thể giữ lại được chân phải. Trở về quê với chân phải bị cắt bỏ đến tận bẹn, cô gái có khuôn mặt xinh xắn rơi vào tuyệt vọng. Suốt ba tháng liền, An làm bạn với chiếc giường nhỏ ở góc nhà và khóc. Nhiều lần nghĩ đến cái chết nhưng nhìn thấy người cha già tất tả đi cày ruộng rồi trở về nhà để chăm con, An lại không dám.
Khi sức khỏe đã ổn định, An tìm ra TP Vinh học nghề may. Năm 2004, khi biết tại Hà Tĩnh có trường học dành cho người khuyết tật, An xin vào học và trở thành học viên khóa 2. Như định mệnh, ngay từ lần gặp đầu tiên, cả An và Huy đã chú ý đến nhau và trao cho nhau những cái nhìn thiện cảm. Những ngày học tập cùng nhau, chính Huy đã động viên và đưa đến niềm tin, nghị lực sống cho cô gái đang bi quan vì một chân bị cụt.
Sau 2 năm yêu nhau, đôi bạn trẻ về thông báo với gia đình. Vừa nghe con trai nói có người yêu, cả nhà Huy vui mừng chạy lên trung tâm để xem mặt con dâu. Vừa nhìn thấy cô gái bị cụt một chân, bố mẹ Huy ngã ngửa, vừa khóc vừa nói: “Chân mi đã bị tật rồi giờ lấy vợ bị cụt chân nữa thì mần răng sống được”. Vài ngày sau, gia đình An cũng lên trung tâm, nhìn thấy chàng trai di chuyển như một con ếch, hai ông bà lắc đầu ngao ngán.
Vì thương con nên cả hai gia đình đều phản đối chuyện tình của đôi trẻ. Bố mẹ Huy muốn tìm cho cậu cô gái không cần xinh đẹp nhưng có sức khỏe để thay họ chăm sóc Huy. Gia đình An cũng cho rằng con mình bị cụt chân, lấy chồng rồi chỉ làm khổ nhà chồng mà thôi và động viên con cố gắng chia tay người yêu, sau này tìm một người nào khỏe mạnh. Mỗi lần nghe bố mẹ nói vậy, cả hai chỉ biết im lặng. Huy tự nhủ sẽ cố gắng tập luyện để ít nhất không phải đi lại như một con ếch, còn An chăm chỉ học tập để trở thành thợ giỏi.
Dù bị hai gia đình phản đối nhưng chuyện tình của đôi bạn trẻ lại được cả trung tâm người khuyết tật Hà Tĩnh ủng hộ. Ông Hoàng Sỹ Thu, Giám đốc trung tâm lúc đó vừa động viên hai bạn cố gắng vừa nhiều lần về nhà để thuyết phục hai gia đình. Các học viên cũng lần lượt về nhà Huy và An để thuyết phục, nhưng cả hai bên đều lắc đầu từ chối…
Anh Huy, chị An tâm sự rằng tình yêu đã giúp họ vượt lên hoàn cảnh, bù đắp những khiếm khuyết của nhau để xây đắp hạnh phúc gia đình. Ảnh: Nguyên Khoa |
Năm 2008, sau 4 năm yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm, thể theo nguyện vọng của đôi trẻ, ông giám đốc Thu quyết định tổ chức đám cưới cho hai người ngay tại trung tâm. Đích thân ông đi mời khách, đặt mâm cỗ. Đêm đó, dù gia đình nội ngoại không có mặt nhưng sân của Trung tâm người khuyết tật chật kín, hơn 500 khách mời là các tổ chức, doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh cùng học viên của trung tâm có mặt để chúc phúc cho đôi bạn trẻ.
Sau đám cưới, cặp vợ chồng trẻ vẫn tá túc trong trung tâm. Huy làm tại xưởng in còn An làm thợ may. Cuối năm 2008, cậu con trai kháu khỉnh của họ chào đời trong niềm vui sướng của cả trung tâm. Họ đặt tên con là Võ Sỹ Hoàng. Cảm phục trước tình yêu và hạnh phúc của hai con trẻ, lúc này, gia đình nội ngoại đã tìm đến nhận dâu con. Năm 2010, bố Huy qua đời sau cơn bạo bệnh, em trai đi học, Huy chuyển vợ con từ trung tâm về nhà để giúp đỡ mẹ già.
Huy vay tiền mua chiếc máy tính và máy in để tiếp tục nghề in lưới. Anh nhận làm thiếp mời đám cưới, in ấn lịch, bao bì, áo mũ… Còn An nhận sửa đồ, may quần áo cho những người có nhu cầu trong làng. Cuối năm 2011, cô con gái thứ hai mang tên Võ Việt Phương chào đời càng khiến cho ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng ngập tràn hạnh phúc.
Chứng kiến cảnh hai cháu nội bi bô bên cạnh bố mẹ, bà Nghĩa rơi nước mắt vì sung sướng. Ở tuổi gần đất xa trời, bà Nghĩa vừa mừng lại vừa lo cho các con. “Sức khỏe hai đứa không đảm bảo, công việc cũng không thật thuận lợi, thi thoảng mới có khách đến nhờ in thiếp, sửa quần áo trong khi hai đứa cháu sẽ phải đến trường học. Người khỏe mạnh nuôi con ăn học đã vất vả, hai vợ chồng tật nguyền còn vất vả gấp bội lần…”, bà Nghĩa trầm ngâm.
Nghe mẹ nói vậy, anh Huy cũng tâm sự rằng hiện ước muốn lớn nhất của họ là có được một mặt bằng ở đường cái để có thêm khách hàng. “Sống ở quê thì phải làm nông nghiệp, phải cày ruộng, nhưng hai vợ chồng tôi thì không thể. Khó khăn, đau khổ đều không khuất phục được chúng tôi, nhưng hiện nay chỉ cần vắng khách hàng là cả nhà phải nhịn đói”, anh Huy ngước mắt nhìn vợ con lo lắng.
Nguyên Khoa