– “Sách và bạn là hai thứ không cần có nhiều, nhưng một khi đã có thì chắc chắn phải tốt”.
1. “1Q84” – Haruki Murakami
Có thể nói, Haruki Murakami đã viết một trong những tiểu thuyết hấp dẫn nhất từng có. Lối viết hư ảo, kỹ thuật viết và tư duy cao trong mô tả trạng thái, chuyển động, xây dựng nút thắt và bối cảnh. Những người ưa thích văn học bởi những thủ pháp mê hồn sẽ vô cùng tiếc nuối tại sao nhà văn Nhật Bản này không giành được Nobel 2012. The New York Times cũng phải dành những lời khen cho cách ông dụng ngôn: “Murakami giống như một nhà ảo thuật đang diễn giải những gì mình thực hiện trong lúc biểu diễn song vẫn khiến người ta tin rằng ông sở hữu một sức mạnh siêu nhiên.”
Không thể không nhắc đến 1Q84 tiếng Việt như một bản dịch tuyệt vời đi kèm với việc nhà phát hành Việt Nam phải chờ đợi phía Murakami duyệt xong bản chuyển ngữ mới đem ra nhà in. Tập 1 đã gợi mở ra một tình huống trớ trêu hoàn hảo: một tài năng viết văn nhưng không có cốt truyện, và một thiếu nữ kỳ lạ, xinh đẹp, sở hữu một câu chuyện dị thường, nhưng không có khả năng viết. Thông điệp mơ hồ, nhưng chất thơ, kịch tính và sự kỳ ảo trong 1Q84 đã biến cuốn sách trở thành một tác phẩm văn học hấp dẫn, lạ lùng.
2. “Nhận diện quyền lực” – Noam Chomsky
Ngay cả ở một đất nước được xem là rất mạnh như nước Mỹ, cũng không thiếu những nhà trí thức sẵn sàng mổ xẻ không thương tiếc những góc tối của chính phủ, mặt trái của sức mạnh hay quyền lực. Lại một tác phẩm nữa từ Noam Chomsky – tác giả đương đại được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới – ra mắt tại Việt Nam. Liên tục nghiên cứu, liên tục chỉ ra những khiếm khuyết trong hệ thống chính trị, truyền thông, Noam Chomsky hoạt động mạnh mẽ với cương vị của một tri thức cánh tả, vì xã hội. Ông nhấn mạnh, đối trọng với quyền lực không phải là quyền lực, mà chính là tri thức được lan rộng trong quần chúng.
“Nhận diện quyền lực” (2012) được xem là bộ đôi hoàn hảo với “Tham vọng bá quyền” (2006). Hai cuốn sách cùng được trình bày theo hình thức đối thoại, trong đó cả người hỏi lẫn người trả lời đều tham gia sâu và đề tài và phát triển đề tài. Trong cuộc trò chuyện hấp dẫn, thách thức và đầy chất xám, 2 nhà tri thức cùng trao đổi về cách mà thế giới này có thể vận hành và thay đổi.
3.
Những cuốn sách hay về giáo dục và trường học phải được đặt một vị trí ưu tiên hơn trong thị trường và trên kệ sách. Nếu như đã có một “Tốt-tô-chan, cô bé bên cửa sổ” mang lại cảm hứng thay đổi về giáo dục tiểu học cho chính những người làm nghề, thì “Chiến binh cầu vồng” lại khiến niềm khát khao học tập trong mỗi cá nhân được nhân lên gấp bội.
Đó là một tác phẩm kiệt xuất thể hiện nỗ lực của 10 đứa trẻ bần hàn sinh ra ở một ngôi làng khốn khổ – nơi cha mẹ của chúng bị chính đồng bào mình bóc lột đến xương tủy vì quặng và khoáng sản. Nó cũng cho thấy việc học tập có thể khiến con người – thậm chí là một đứa trẻ – trở nên vĩ đại tới mức nào. Nhân vật tôi trong cuốn sách chính là hình mẫu của nhà văn Andrea Hirata hồi nhỏ, với những quan sát đầy cảm động về người bạn học thiên tài – Lintang.
4.
Triết học đang đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, nơi mà người ta ít lắng nghe các nhà hiền triết. Con người mất phương hướng nhiều hơn nhưng cũng ít lắng nghe nhiều hơn. Nếu lắng nghe, có lẽ người ta sẽ học được cách tự bảo vệ tinh thần của mình.
Richard David Precht nói: “Cướp mất sự chú ý” là một tội mà cho đến nay chưa hề bị trừng phạt ở bất kỳ xã hội nào”. Ông phát biểu: “Con cái chúng ta phải học cách bảo vệ sự chú ý và năng lực tập trung tinh thần chống lại sự công kích của lũ cướp ngày càng đông đảo vây quanh chúng“. Richard ám chỉ đến trò chơi điện tử, những quân bài PR được tung ra hấp dẫn ở mọi hướng và những phương thức giải trí màu mè nhưng vô bổ đang cuốn lấy chúng ta.
Một cuốn sách nhẹ nhàng, dí dỏm, có tính khái quát cao dành cho những người muốn nhập môn triết học, đặc biệt là người trẻ. Richard David Precht – đã viết một trong những tác phẩm quan trọng nhất của ông, được giới trẻ Đức ủng hộ nhiệt liệt và ảnh hưởng lan rộng sang cả Châu Âu. Không chỉ khảo lược tư tưởng của những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử, Richard còn liên kết họ lại để trả lời những câu hỏi quan trọng trong cuộc đời một con người. Ông cũng xen kẽ những phát kiến, ý tưởng mới của mình trong dòng chảy đó.
5.
“Tiến lên, Singapore” – câu khẩu hiệu để nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu xây dựng đảo quốc sư tử từ một quốc gia ly khai nhỏ bé, nghèo tài nguyên trở thành một điểm hút về tri thức và công nghệ, môi trường trong lành bậc nhất – đã khiến cả thế giới kinh ngạc. Một thành tựu của thế kỉ 20. Để làm nên điều đó, câu trả lời chắc chắn nằm trong tính cách và suy nghĩ của ông.
Nhà báo người Mỹ Tom Plate đã cố gắng tìm ra đáp án về con người Lý Quang Diệu. “Chọn giải pháp có khả năng thành công cao nhất”, “Chấp nhận thuyết tiến hóa Darwin” và “Không bao giờ bế tắc”… là một trong vài nét khát quát mà Tom Plate đã viết về vị thủ tướng đầu tiên của nước cộng hòa Singapore.
6. “30 năm sóng gió” – Ngô Hiểu Ba
“30 năm sóng gió” và “Đối thoại với Lý Quang Diệu” gặp nhau ở một điểm: Tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ Trung Quốc – Singapore năm 1978. Đặng Tiểu Bình đã đánh giá được hiệu quả tuyệt vời từ cách Lý Quang Diệu tạo ra Singapore: một xã hội sung túc, trật tự, ai cũng có việc làm và nhà ở. Ông cho xây dựng hàng loạt thành phố với mô hình thử nghiệm và sự giúp đỡ của Sing, trong số đó thành công nhất là Thâm Quyến.
Nhưng giới doanh nhân Trung Quốc cũng đã có 30 năm vật lộn để tìm hướng đi trong bối cảnh nội lực thiếu thốn và đất nước bị suy kiệt. Tác phẩm đi sâu vào chi tiết từng trường hợp, từng ngành nghề kinh doanh để trả lời câu hỏi, làm thế nào để xây dựng một quốc gia thương mại, khỏe mạnh, hài hòa và công bằng….? Bài học từ những người khác cũng là bài học cho chính chúng ta.
7. “Lắng nghe yêu thương” – Susanna Tamaro
“Tình yêu không dành cho kẻ lười biếng, đôi khi nó đòi hỏi những hành động thật quyết liệt“
Đây có thể xem một trong những cuốn sách về phụ nữ và gia đình hay nhất đã xuất bản tại VN trong năm 2012 và trong nhiều năm qua với lối hành văn tự sự tuyệt vời. Cuốn sách là cuộc đối thoại giữa 2 thế hệ, người cháu – người bà, qua một khoảng không gian bị xóa lấp là người mẹ. Họ cùng đi tìm câu trả lời về người phụ nữ ấy và của chính cuộc đời mình.
Trưởng thành, khao khát về một cuộc sống đầy lý tưởng và hoài bão, nhưng người mẹ lại không có một cội rễ vững chắc để bám víu về mặt tinh thần. Cô yêu say đắm người thầy giáo với những triết lý hoa mĩ cao siêu, cô mơ về một cuộc cách mạng tinh thần có thể giải phóng mình ra khỏi bốn bức tường của sự yếu đuối và không chốn nương tựa về tâm hồn. Nhưng rồi, cô phát hiện ra, người đàn ông của cô chỉ say mê những lý tưởng của chính anh ta. Và bản thân cô không có chỗ trong những lý tưởng đó.
8. “Cuốn sách về những sự trái ngược” – Oscar Brenifier & Jacques Després
Bộ đôi tác phẩm “Những sự trái ngược mang tính tâm lý” và “Những sự trái ngược mang tính triết học” với cách trình bày thông minh, hiện đại và đẹp mắt có thể so sánh cho người đọc lớn tuổi và trẻ em những câu hỏi thú vị, như: người lý tưởng và người thực tế khác nhau như thế nào? Các đặc điểm của con người duy cảm và người duy lý.? Tự do là gì? Lý trí và đam mê?
Trích dẫn bình luận từ một bạn đọc: “Một cuốn sách tuyệt vời cả cho những người mới nhập môn triết học lẫn những người đã hiểu triết học nhưng muốn lưu giữ những kiến thức triết học chắt lọc nhất bằng hình ảnh. Mặc dù những phạm trù triết học này không hề xa lạ với tôi, cuốn sách vẫn thuyết phục được tôi vì cách đặt vấn đề đơn giản nhưng rất sáng tạo“.
Tác giả Oscar Brenifier là giảng viên, tiến sĩ triết học, ông đã làm việc tại nhiều nước để xúc tiến các câu lạc bộ triết học dành cho người lớn và tổ chức luyện triết cho trẻ em. Đặc biệt ông thường xuyên sử dụng lối tiếp cận và diễn đạt dễ hiểu, dễ nhớ, có thể áp dụng cho mọi người. Tổ chức UNESCO ủy thác ông làm bản báo cáo về Triết học phi hàn lâm trên thế giới.
9. “Từ xác định đến bất định – Những câu chuyện về khoa học và tư tưởng của thế kỷ 20” – F. David Peat
Một cuốn sách thú vị từ cái tên. Nó thể hiện sự chuyển dịch của dòng suy nghĩ, sự thay đổi linh hoạt và không dừng lại. Nó viết về khoa học sinh động như thể một trận chiến ly kì nơi mà những kết luận và những luồng tư tưởng của các thiên tài va đập nhau, phủ định lẫn nhau và tạo nên những xung động mới.
“Nhưng không lâu trước đó, những hạt giống của một cuộc cách mạng trong khoa học đã bén rễ.
Những khái niệm do vật lý Newton nêu lên đã bị đổ vỡ tan tành bởi những tư tưởng được đề cập trong cả lý thuyết lượng tử lẫn thuyết tương đối tổng quát. Chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng tri thức của chúng ta, dù ở mức tốt nhất, cũng không hoàn hảo – và có thể tình trạng này sẽ kéo dài mãi mãi. Lý thuyết hỗn độn tiến xa tới mức chứng minh cho thấy những giới hạn cố hữu của nhận thức, của khả năng dự đoán, và của khả năng kiểm soát thế giới xung quanh chúng ta.”
10. Bộ sách Thú vui tư duy – Nhiều tác giả
So với “Cuốn sách về những sự trái ngược” thì bộ sách này hấp dẫn theo một cách khác: minh họa đơn giản, hài hước và đề tài thì rộng rãi hơn. NXB Tri Thức đã dành hẳn một dự án xuất bản cho nó. Những cuốn sách mỏng tang xấp xỉ 100 trang mang những tiêu đề hấp dẫn và đầy tính mở như: Con người là gì? Tại sao con người gây ra chiến tranh? Con trai con gái vui sống cùng nhau, Thật không công bằng, Sao lại là cái chết, Đủ lý do để là cái ác, Triết lý của điệu múa, Già đi ư? Chẳng muốn đâu!…..
Không phải mọi người đều hài lòng 100% với diễn giải trong cuốn sách, nhưng đó lại là tiền đề để mở ra một cách cửa rộng lớn cho con người suy ngẫm về nó, tranh biện với chính cuốn sách về ý nghĩa của cuộc đời.
- Hồ Hương Giang
(vietnamnet.vn)