Trong hai thập kỷ qua, vô số người có đức tin đã mất mạng, và hàng chục ngàn người trong số họ vẫn đang bị bức hại ở Trung Quốc mỗi ngày. Những người này phải đối mặt với sự ngược đãi và tra tấn vô tận, vì đã thể hiện lòng dũng cảm về mặt đạo đức khi đối diện với sự áp bức.
Ở đây, chúng ta tưởng nhớ 10 trong số những con người dũng cảm này, thuộc mọi tầng lớp xã hội, đã bị giết vì đức tin của họ.
Mặc dù nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm được hình thành dựa trên đức tin và truyền thống, nhưng chính những đức tính này là điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn muốn nhổ bỏ. Kể từ năm 1992, hơn 100 triệu người tuân thủ luật pháp — với đức tin kiên định của họ vào các giá trị phổ quát Chân, Thiện và Nhẫn — đã lặng lẽ đảo ngược làn sóng tàn phá của chủ nghĩa vô Thần, chỉ đơn thuần là do sự tồn tại không thể phủ nhận của họ trong xã hội độc tài toàn trị này.
Lo sợ về sự phổ biến quá rộng của Pháp Luân Công, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã quyết định bắt đầu một chiến dịch bức hại chưa từng có vào ngày 20/7/1999 để xóa bỏ môn tu luyện ôn hòa.
Bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Quốc, Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện bản thân bao gồm các bài tập thiền và các bài giảng đạo đức. Pháp môn này đã được giới thiệu ở Trung Quốc cách đây 30 năm, vào năm 1992, vì lợi ích về mặt đạo đức và đề cao sức khỏe nên Pháp Luân Công cực kỳ phổ biến vào cuối thập kỷ đó. Theo ước tính chính thức vào thời điểm đó, có 70 triệu đến 100 triệu người đang tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Ngày nay, Pháp Luân Công đang phát triển mạnh bên ngoài Trung Quốc và được tập luyện ở hơn 80 quốc gia. Các học viên Pháp Luân Công cố gắng sống trung thực và có đạo đức, chiểu theo tiêu chuẩn ‘Chân Thiện Nhẫn’ để ngày một tốt hơn, đồng thời hướng đến các giá trị truyền thống.
Tuy nhiên, ĐCSTQ cho rằng sự hiện diện của Pháp Luân Công là quá đáng sợ đối với sự cai trị độc tài của nó — đặc biệt là vì môn tập này hướng về tâm linh và khôi phục văn hóa truyền thống, đó chính là điều mà ĐCSTQ đã liên tục phá hủy kể từ khi lên nắm quyền.
Trong suốt 23 năm bức hại không ngừng này, vô số học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị bắt giữ, bỏ tù, cưỡng bức lao động, tra tấn, và thậm chí cưỡng bức mổ cướp nội tạng. Vô số người đã bị đuổi học, hoặc bị sa thải. Những người có đức tin này thường chiếm phần lớn trong lực lượng lao động cưỡng bức của ĐCSTQ — làm việc 20 giờ mỗi ngày, thường không được trả lương, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu như đũa, đồ chơi, đèn Giáng sinh, v.v.
Minh Huệ Net – một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ báo cáo về môn tu luyện tâm linh và cuộc bức hại, xác nhận rằng hơn 4.600 học viên Pháp Luân Công đã chết vì cuộc bức hại, nhưng số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều.
Nhiều phương tiện truyền thông toàn cầu, Liên hợp quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã đưa tin về mức độ nghiêm trọng của cuộc đàn áp.
1. Thi thể được hỏa táng 11 năm sau khi chết
Qin Yueming (Tần Nguyệt Minh), ở thành phố Y Xuân, tỉnh Hắc Long Giang, bị kết án 10 năm tù vào năm 2002 vì không chịu từ bỏ đức tin của mình. Vào ngày 25/2/2011, quản lý nhà tù Jiamusi đã bức thực anh bằng ống dẫn cắm vào phổi. Anh được chuyển đến một căn phòng biệt lập, nơi anh chết vào ngày hôm sau.
Khi gia đình nhìn thấy thi thể của anh, họ phát hiện ra máu ở miệng và mũi, nét mặt của anh thể hiện như thể anh đang đau đớn tột độ. Vợ và con gái của anh cũng bị bức hại vì những nỗ lực kéo dài nhiều năm để tìm kiếm công lý cho cái chết của anh. Cuối cùng, quản lý nhà tù đã gây áp lực buộc người cha già 80 tuổi của anh phải ký vào một đơn đồng ý để hỏa táng thi thể của anh, vốn đã được giữ trong nhà tù hơn một thập kỷ sau khi anh qua đời.
2. Một đại tá về hưu bị khủng bố
Gong Piqi (Công Phi Khải), một đại tá đã nghỉ hưu 66 tuổi và là cựu phó tham mưu trưởng của Lữ đoàn Pháo binh Dự bị Tỉnh Sơn Đông, ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, được cho là đã chết trong nhà tù Tế Nam vào tháng 4/2021; Ông đã bị kết án 7 năm rưỡi vì không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Ban quản lý trại giam thông báo với gia đình rằng ông đã chết vì đột quỵ. Tuy nhiên, khi người nhà nhìn thấy thi thể của ông thì thấy bê bết máu, đầu bị thương và sưng tấy.
3. Cụ bà qua đời 2 giờ sau khi bị bắt giữ
Cui Jinshi (Thôi Kim Thực), 88 tuổi, đến từ thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt vì học các bài giảng của Pháp Luân Công với các học viên khác vào ngày 13/4 năm nay. Bà đã chết chỉ hai giờ sau khi bị bắt. Khi con trai bà nhìn thấy xác bà lần đầu tiên, anh thấy cổ họng của bà đã bị cắt.
Cảnh sát không cho phép những thành viên còn lại trong gia đình nhìn thấy thi thể của bà, mà đã chủ động gọi điện đến nhà tang lễ địa phương. Vì cảnh sát đã giữ lại giấy chứng tử của bà, nên gia đình rất khó có thể tiến hành khám nghiệm tử thi một cách độc lập. Tại thời điểm viết bài, thi thể của bà vẫn được lưu giữ tại nhà tang lễ.
4. Giám đốc bệnh viện và người vợ là bác sĩ ung thư
Li Yanchun (Lý Ngạn Xuân), 68 tuổi, giám đốc bệnh viện đã nghỉ hưu ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt giam vào tháng 8/2021, và bị kết án 7 năm rưỡi, mặc dù huyết áp của ông “cao đến mức nguy hiểm”. Vợ của ông, một bác sĩ ung thư từng đoạt giải thưởng, đã bị bỏ tù vì đức tin của mình vào năm 2019. Hai vợ chồng bị kết án vì phân phát tài liệu thông tin phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
5. Một kỹ sư đã nghỉ hưu
Wang Liuzhen (Vương Liễu Trân), một kỹ sư luyện kim đã nghỉ hưu tại Nhà máy số 2 Trường An ở Trùng Khánh, ở độ tuổi 80, đã qua đời vào ngày 1/1 sau một thập kỷ bị bức hại. Bà phải đối mặt với sự giám sát suốt ngày đêm sau khi chính quyền xây dựng một chiếc hộp canh gác ngay bên ngoài nhà bà; Các nhân viên an ninh thường ngược đãi và đánh đập bà. Thậm chí, có lúc bà còn bị tiêm thuốc độc khiến gan của bà bị tổn thương, và dẫn đến mù lòa. Những lần bị quấy rối và đánh đập liên tục đã khiến bà chỉ còn da bọc xương trước khi qua đời.
6. Người đàn ông qua đời sau 12 năm bị tra tấn
Ge Zhijun (Cát Chí Quân), 42 tuổi, ở thành phố Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, đã chết sau khi chịu đựng sự tra tấn khủng khiếp trong tổng cộng 12 năm, để lại đứa con gái 9 tuổi đau buồn, vợ và người cha bị liệt. Anh đã phải chịu sự ngược đãi nghiêm trọng dẫn đến suy sụp tinh thần. Bị còng tay và cùm chân, anh đã từng bị nhốt trong một phòng giam nhỏ xíu dài 0,9m, rộng 0,3m trong 15 ngày. Các tù nhân muốn được giảm án đã “hỗ trợ” các cai ngục tra tấn anh; Họ thường ném anh xuống đất và sau đó đứng trên hai chân của anh, ấn vào ngực anh đến mức anh không thể thở được, và đốt cơ thể anh bằng thuốc lá.
Đối mặt với sự tra tấn kéo dài, trí nhớ của anh đã bị suy giảm và anh phát sinh một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm tăng huyết áp và các vấn đề về tim, gan. Anh ra tù lần cuối vào năm 2019. Khi trở về nhà, anh hầu như luôn im lặng và tự nhốt mình trong phòng, trước khi qua đời vào ngày 29/11/2020.
7. Một người quản lý trực thuộc Cục Lâm nghiệp
Ma Shufang (Mã Thục Phương), 69 tuổi, cựu quản lý bộ phận hộ gia đình thuộc Sở cảnh sát Cục Lâm nghiệp huyện Tongbei, đã chết vì xuất huyết não vài ngày sau khi tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án 3 năm tù hồi đầu tháng 6 năm nay. Bà bị bắt vào tháng 8/2020, nhưng sau đó được tại ngoại do huyết áp cao; bà bị truy tố vào tháng 8/2021 và bị kết án 3 năm trong một phiên tòa vào tháng 12/2021. Sau khi bác đơn kháng cáo, bà bị xuất huyết não vào ngày 4/6 và qua đời 6 ngày sau đó.
8. Một giáo sư rơi vào trạng thái hôn mê, qua đời
Xing Wenzhen (Hình Văn Trân), 79 tuổi, giáo sư Đại học Bách khoa Tây Bắc ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, đã phải đối mặt với sự ngược đãi trong hơn 20 năm trước khi chết vào tháng 10/2021. Bà buộc phải nghỉ hưu sớm và bị giam trong trung tâm tẩy não trong 102 ngày. Kể từ Thế vận hội Bắc Kinh 2008, camera giám sát đã được lắp đặt bên ngoài nhà bà để theo dõi bà. Vào tháng 9/2021, sự quấy rối của cảnh sát lại bắt đầu và người phụ nữ lớn tuổi không thể chịu đựng được nữa với cơ thể yếu ớt của mình; bà hôn mê và qua đời vào tháng 10 năm đó.
9. Một giáo viên cấp 2 đã nghỉ hưu
Li Jingxia (Lý Cảnh Hà), 85 tuổi, một giáo viên trung học cơ sở đã nghỉ hưu ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời 3 tháng sau khi bị giam giữ vào tháng 7/2020 sau khi cảnh sát theo dõi các cuộc điện thoại của bà. Trước lần bị bắt cuối cùng, bà đã phải đối mặt với sự ngược đãi tàn bạo trong nhiều năm: Cảnh sát đốt tai bà bằng bật lửa, đánh bà bằng thắt lưng, giật tóc, đe dọa cưỡng hiếp và trùm đầu bà bằng túi ni lông trước khi đánh bà bằng một cây gậy dày. Năm 2020, cảnh sát một lần nữa bắt đầu quấy rối bà. Đối mặt với áp lực tinh thần thường xuyên, sức khỏe của bà ngày càng giảm sút, bà qua đời vào tháng 10 năm đó.
10. Được báo cáo là đã chết trong khi vẫn còn sống
Liu Qingfei (Lưu Thanh Phi), 74 tuổi, ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt vào ngày 28/8/2021, sau khi cảnh sát ập vào nhà ông, tuyên bố rằng họ đến đó để tiêm vaccine COVID-19 cho ông. Ông đã bị giam giữ trong 8 tháng và bị bức hại, trước khi được tuyên bố là đã chết vào ngày 24/4 năm nay. Khi gia đình nhìn thấy thi thể của ông, họ cảm thấy ông không giống một người đã chết từ lâu; cảnh sát nói với họ rằng ông đã chết do một “tình trạng đột ngột, cấp tính”. Gia đình nghi ngờ rằng Liu có thể đã được tuyên bố là đã chết trong khi ông vẫn còn sống. Thi thể của Liu hiện đang ở nhà tang lễ, gia đình đang tìm kiếm công lý cho ông.
Theo The Epoch Times