Tinh Hoa

Trung Quốc khai mào cuộc chiến hộ chiếu

Theo Đài “Tiếng nói nước Nga”, trong những ngày gần đây, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng nhuốm thêm sắc thái mới.
Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tưởng Ấn Độ Mohaman Singh.Ảnh defineterms.com


Bản đồ quốc gia với đường biên giới bao trùm hầu hết các vùng lãnh thổ tranh chấp xuất hiện trên trang hộ chiếu mới của công dân Trung Quốc: gồm các quần đảo tại Biển Đông, cao nguyên Aksai Chin và bang Arunachal Pradesh – vốn được Ấn Độ coi là lãnh thổ chủ quyền. 

Các nước láng giềng có tranh chấp liên quan những vùng lãnh thổ này đã thể hiện thái độ bất bình dưới các hình thức khác nhau. Phản ứng của Đại sứ quán Ấn Độ tại Bắc Kinh là đóng visa in bản đồ Ấn Độ toàn vẹn, bổ sung các vùng đất tranh chấp trên hộ chiếu xin thị thực nhập cảnh của công dân Trung Quốc. 

Dường như, những đường vẽ trên các trang hộ chiếu là vấn đề nhỏ bé nếu đem so sánh chúng với diễn biến sự kiện trên đất liền và trên biển, nơi trong quá khứ từng xảy ra đụng độ vũ trang (ví dụ chiến tranh biên giới Ấn – Trung năm 1962), còn hiện nay tiếp tục bấp bênh trên những bờ vực đối đầu quân sự. Theo chuyên gia Boris Volkhonsky của Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, vấn đề cần được xem xét từ khía cạnh khái quát rộng hơn.

Chuyên gia Volkhonsky nói: “Chiến tranh Ấn-Trung năm 1962 không chỉ là thực tế lịch sử, mà còn như một yếu tố vô cùng quan trọng của nền chính trị hiện đại. Những hoạt động ghi nhớ 50 năm sự kiện này được tổ chức vào mùa thu vừa qua tại Ấn Độ đã xác nhận thêm thực tế này. Ấn Độ đã phải chịu một thất bại nặng nề và buộc phải nhượng bộ một phần lãnh thổ Aksai Chin, khu vực đến nay tiếp tục thuộc sự kiểm soát của Trung Quốc. Thực tế như vậy không khỏi làm nảy sinh những phát biểu gay gắt từ giới chính trị gia Ấn Độ, thái độ căm phẫn trong xã hội và dẫn đến mong muốn một cơ hội phục thù. Mặc dù năm 2003, Ấn Độ và Trung Quốc đã từ chối một phần kỳ vọng chủ quyền lẫn nhau, Ấn Độ công nhận Tây Tạng thuộc về Trung Quốc còn Trung Quốc thừa nhận tương tự với bang Sikkim của Ấn Độ, nhưng vấn đề tranh chấp lãnh thổ tiếp tục là trở ngại lớn cho sự phát triển toàn diện mối quan hệ song phương. Tâm lý lo ngại của Ấn Độ không phải là điều khó hiểu. Cũng tương tự như vậy với phản ứng của các nước ở phía Đông Nam Trung Quốc. Hội nghị cấp cao ASEAN kết thúc cách đây không lâu đã tái khẳng định tính chất gay gắt của các cuộc tranh chấp.”

Bản đồ “mới” của Trung Quốc trên các trang hộ chiếu không phải là một động thái nhất thời, mà còn nằm trong chiến lược dài hạn về bành trướng mở rộng trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Theo ông Vollhonsky, hoạt động thử nghiệm gần đây của tàu sân bay Liêu Ninh là một yếu tố chứng tỏ xu hướng được nêu. 

Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc vội vã mua lại tàu sân bay cũ của Ukraina. Giải thích ban đầu là biến tàu sân bay thành một cơ sở giải trí hoặc khách sạn. Đến thời điểm hạ thủy sau tái thiết, chính phủ Trung Quốc khẳng định sẽ khai thác con tàu sân bay này cho mục tiêu huấn luyện đào tạo. Tuy nhiên, các công tác thử nghiệm, đặc biệt là thử nghiệm hạ cất cánh của máy bay chiến đấu phản lực J-15, cho thấy Trung Quốc đang đòi hỏi chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên này làm nhiều việc hơn chứ không chỉ để… huấn luyện đào tạo. 

 

Minh Châu (theo VOR)